Thiếu giáo viên nhưng không được tuyển?

TP - Đề xuất bổ sung biên chế cho ngành giáo dục trong khi chủ trương chung  là cắt giảm giáo viên hợp đồng... là hai trong số những nội dung được các đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Sự kiện do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTNTN&NĐ QH) tổ chức sáng 24/9.    
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, đoàn đại biểu TPHCM tại phiên giải trình. Ảnh: Nghiêm Huê

Báo cáo tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết năm 2018, có 29 tỉnh đề nghị bổ sung 40.447 biên chế sự nghiệp giáo dục. Thanh Hóa đề nghị bổ sung nhiều nhất, 7.519 biên chế.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, so với nhu cầu sử dụng, số giáo viên còn thiếu là gần 80.000 người. Thiếu nhiều nhất là bậc mầm non (hơn 43.000 người). Tuy nhiên có tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. 

Trong khi đó, theo ông Nhạ, quy định cắt giảm biên chế đang tạo nên sức ép đối với ngành giáo dục nên câu chuyện giáo viên hợp đồng sẽ vẫn còn là dài kỳ.

Phận giáo viên hợp đồng

Tại phiên giải trình, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã ba lần đứng lên “truy” trách nhiệm của Bộ Nội vụ liên quan đến chính sách hợp đồng giáo viên.

“Tôi giám sát thực tế vấn đề này thì thấy hợp đồng giáo viên rất bất cập. Chủ yếu hợp đồng dạy theo tiết học. Mỗi tiết học, giáo viên chỉ được mấy chục nghìn. Có giáo viên được 35.000 đồng/tiết học, số tiền này tùy từng cấp học. Với giáo viên mới ra trường được hợp đồng làm nhiệm vụ ở phòng thí nghiệm thì chỉ được 2.100.000đồng/tháng.

Các giáo viên hợp đồng thì hè không có lương. Tính ra mỗi tháng họ chỉ 2 triệu đồng đổ lại, có giáo viên chỉ được hơn 1 triệu/tháng. Rất tội. Thậm chí có trường hợp năm nay có hợp đồng, hoặc học kỳ I được hợp đồng nhưng qua kỳ II hoặc năm sau lại không” - đại biểu Hương nói.

Chính vì sự chênh lệch lương giữa giáo viên hợp đồng và giáo viên biên chế, nhất là biên chế lâu năm, một số trường muốn giữ biên chế lại để hợp đồng với giáo viên. Ngân sách dư ra giải quyết vấn đề khác. “Thế là tạo ra tâm lý có việc làm phải “chạy”. Tôi chưa nêu hết cái khó, cái khổ của những giáo viên này. Tôi muốn hỏi hai bộ tại sao có chính sách hợp đồng giáo viên như vậy? Chính sách này có phù hợp với  ngành giáo dục hay không?” - đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đặt câu hỏi.

Mâu thuẫn thiếu giáo viên và giảm biên chế

Ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau rất băn khoăn khi trường lớp, học sinh tăng lên còn giáo viên lại phải giảm số lượng. Theo ông Quân, các địa phương hoàn toàn tán thành tinh giản biên chế. Nhưng thực tế ở địa phương, thực hiện vấn đề này nhiều khi như đánh đố. Biên chế giao cho ngành giáo dục của Cà Mau đã cách đây 3 năm.

Trong khi mỗi năm tỉnh tăng 10.000 dân số tự nhiên. Tỉnh làm rất quyết liệt vấn đề hệ số giáo viên/lớp nhưng biên chế giáo viên vẫn tăng. “Năm nào chúng tôi cũng trình biên chế ngành giáo dục để Bộ Nội vụ thẩm định. Nhưng năm nào bộ cũng kéo xuống chứ không tăng lên”, ông Quân nói. 

Đại diện tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng cái khó của địa phương hiện nay là trường lớp xây không kịp với tốc độ tăng dân số. Trường vừa xây xong lại quá tải. Tỉnh vẫn còn tình trạng học sinh phải học ca 3. Đại diện Đồng Nai cho rằng tinh giản biên chế trong giáo dục phải có lộ trình, không thể cào bằng. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, đoàn đại biểu TPHCM cho rằng các tỉnh đều thiếu giáo viên. Hiện nay, địa phương đang gặp khó khăn là mâu thuẫn giữa tinh giản biên chế và thiếu giáo viên. Với nơi dân số tăng nhanh và trường lớp quá tải như TPHCM, Hà Nội, theo bà Tuyết, các giải pháp mà Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đề ra chưa thể giải quyết nhanh vấn đề thiếu giáo viên. “Tôi kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, giao cho các tỉnh thành hiện đang tự chủ được ngân sách thì HĐND được quyết định biên chế viên chức của giáo dục trong điều kiện ngân sách có thể tự cân đối, để có thể đáp ứng nhu cầu hiện nay mà không phải ngồi chờ xin các đồng chí giải quyết từng năm, từng trường hợp cụ thể”, bà Tuyết nói.

Trả lời những băn khoăn của đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nói, từ năm 2015 về trước, biên chế sự nghiệp giao cho UBND các tỉnh. UBND các tỉnh trên cơ sở quy định định mức của các ngành, lĩnh vực trình HĐND cùng cấp quyết định biên chế sự nghiệp. Việc hợp đồng giáo viên đều xảy ra từ 2015 về trước.

Cũng theo ông Thăng, Luật Viên chức yêu cầu tuyển dụng phải công khai minh bạch. Ai có đủ điều kiện, nhu cầu thì đăng ký, không phải chỉ thi tuyển cho những người làm hợp đồng. Do đó, giáo viên hợp đồng thi không đỗ, không đạt tạo ra sức ép gây dư luận rất phản cảm. Về tinh giản biên chế, yêu cầu giảm 10% tổng biên chế. Các địa phương căn cứ vào đó để tính toán giáo dục, y tế có thể chỉ giảm 5%, các ngành khác giảm hơn 10%, để làm sao tổng số là 10%.

Đối với yêu cầu của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết về tự chủ tuyển dụng giáo viên, ông Thăng khẳng định các văn bản hiện hành không quy định. “Tôi xin ghi nhận vấn đề này về báo cáo bộ trưởng để xem xét đề nghị Quốc hội mở rộng thêm cho các tỉnh, thành phố  tự chủ tài chính có thể toàn quyền quyết định mọi thứ hay không” - ông Thăng cho hay.

Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định chính quy định chung về viên chức áp vào giáo viên dẫn tới những phức tạp mà hiện nay chúng ta đang phải xử lý. Trong sửa Luật Viên chức tới đây Bộ GD&ĐT đề nghị phải đưa quy định riêng với nhà giáo để thể hiện được sự quan tâm cũng như khẳng định vai trò, vị thế của giáo viên.

Đề thi THPT quốc gia chưa chuẩn hóa

Dự thảo báo cáo kết quả khảo sát về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của UBVHGDTNTN&NĐ QH đã chỉ ra một số hạn chế trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, đối với đề thi, kết quả khảo sát cho thấy dù Bộ GD&ĐT báo cáo việc xây dựng ngân hàng đề thi được thực hiện tương tự như quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng trên thức tế, cách làm đề thi của bộ chưa đảm bảo tiêu chí về chuẩn hóa. Phần lớn ngân hàng câu hỏi dựa trên nguồn là mẫu đề thi của các trường THPT trên cả nước, vì vậy, khó đáp ứng yêu cầu đặt ra.