Thiệt hại nặng nề một phần do chủ quan

TP - Những bất ngờ về diễn biến cơn bão số 9 đã khiến công tác đối phó liên tục thay đổi. Số người chết, mất tích và bị thương cao đến bất ngờ; thiệt hại vật chất lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Nhiều tàu của ngư dân đảo Phú Quý, Bình Thuận xác xơ sau bão.

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã phê bình nhiều địa phương trong công tác phòng chống bão.

Cuối giờ chiều qua (5/12), tin từ Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương: Thống kê sơ bộ của các địa phương cho biết, bão số 9 đã làm ít nhất 71 người chết (đây là con số được các địa phương báo cáo còn số liệu cập nhật cuối ngày lại tăng lên) và mất tích (Bình Thuận: 2 người; Bà Rịa - Vũng Tàu: 29 người; TPHCM: 10 người; Tiền Giang: 7 người; Bến Tre: 19 người; Vĩnh Long: 4 người); hàng trăm người khác bị thương…

Số người bị thương của các địa phương chủ yếu là do người dân không chịu di dời khỏi tàu, thuyền, lồng bè nuôi hải sản, mặc dù đã có khuyến cáo của chính quyền địa phương. Số khác bị thương do cây cối, nhà cửa đè lên.

Hôm qua, Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương đã nhiều lần họp giao ban, bàn biện pháp đối phó, khắc phục hậu quả cơn bão. Tại cuộc họp giao ban qua cầu truyền hình trực tiếp Hà Nội - TPHCM, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã nghiêm khắc phê bình tỉnh Bình Thuận vì không cử lãnh đạo trực tiếp ra đảo Phú Quý chỉ đạo công tác phòng chống bão, để xảy ra thiệt hại người và tài sản.

Sau khi nghe Bí thư huyện ủy đảo Phú Quý đề nghị TƯ bố trí 1 chiếc máy bay đưa lãnh đạo tỉnh ra đảo thăm hỏi bà con, Phó Thủ tướng nghiêm khắc: “Bão lớn, bà con đang gặp khó khăn. Vậy mà, chưa có ai trong số 13 thành viên của Thường vụ Tỉnh ủy ra Phú Quý là không được”.

Thêm nữa, “Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không chỉ đạo kiên quyết trong việc chằng chống nhà cửa, khiến nhiều ngôi nhà bị sập, đổ…, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm” - Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phê bình.

Một số địa phương khác cũng bị nhắc nhở vì chậm trễ trong triển khai các biện pháp phòng chống bão.

Không để nảy sinh tâm lý chủ quan

Nhà của người dân Bình Thuận bị sập.  

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo các địa phương (đặc biệt là các tỉnh khu vực ĐBSCL và vùng biển phía Đông Nam của Cà Mau và phía Tây của Kiên Giang) không được lơ là, chủ quan mà tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt chống bão.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hôm qua (5/12), Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương, UBQG TKCN đã điện khẩn tới Chủ tịch UBND và BCH PCLB & TKCN các tỉnh, thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang; các bộ, ngành: Thủy sản, GTVT, Quốc phòng, Công an, Công nghiệp, Y tế, Thương mại, Bưu chính - Viễn thông, Du lịch, Dầu Khí.

Công điện nêu rõ: Bão số 9 với sức gió cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11 đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh ĐBSCL và vùng biển Tây Nam của Cà Mau, Kiên Giang. Chắc chắn bão sẽ ảnh hưởng đến sáng nay (6/12).

Đây là khu vực có nhiều tàu, thuyền nhỏ, nhà dân không đủ an toàn. Thời gian bão vào có thể duy trì cả ngày và đêm, lại gặp triều cường, sóng biển dâng cao, nhiều cửa sông, cửa rạch, mưa lớn, lốc xoáy sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các địa phương, bộ, ngành trên tiếp tục và kiên quyết di dời, sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tổ chức neo đậu tàu, thuyền, tránh lập lại thảm hoạ của bão Linda năm 1997.

Tổ chức chằng chống nhà cửa; đảm bảo an ninh trật tự; duy trì các lực lượng sẵn sàng ứng cứu kịp thời các tình huống có thể xảy ra…