Thị trường xi măng Việt Nam 2012: giá rẻ chưa chắc đã bán tốt

TPO - Một số thương hiệu xi măng Việt Nam dù đặt giá rẻ vẫn gặp khủng hoảng trầm trọng trong khi các thương hiệu uy tín vẫn giữ được thị phần của mình.

Năm 2011 đánh dấu mốc mới về tình trạng dư cung của ngành công nghiệp xi măng, mức tiêu thụ trên toàn quốc chỉ đạt 50 trên tổng số 56 triệu tấn xi măng được sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường xi măng đã bước sang giai đoạn cạnh tranh khốc liệt với những thương hiệu thuộc một trong ba hệ thống: VICEM (Tổng công ty xi măng Việt Nam), các công ty liên doanh (Nghi Sơn, Phúc Sơn, Holcim…) và những nhà máy xi măng địa phương đặt tại một số vùng.

Vào giai đoạn cao điểm, gần 100 thương hiệu xi măng khác nhau “nở rộ” trên toàn quốc. Hiện tại, một số thương hiệu đã “đóng cửa” và một số nhà máy khác phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất do lượng tiêu thụ sụt giảm. Đa phần kịch bản này xảy ra với những đơn vị có mức đầu tư hạn chế, dây chuyền công nghệ yếu kém hoặc dự án mới thành lập.

Đơn cử, năm 2011 vừa qua, Bộ Tài chính phải trả nợ thay cho các nhà máy xi măng Tam Điệp, Thái Nguyên, Đồng Bành và giãn nợ cho xi măng Hoàng Mai do các đơn vị này không có khả năng trả nợ đúng hạn.

Ở hướng ngược lại, nhiều đơn vị đã khẳng định được thương hiệu cũng không vội mở rộng địa bàn tiêu thụ mà tập trung vào việc đầu tư nâng cao hoặc đa dạng hóa sản phẩm. Việc tung ra thị trường loại xi măng PCB40 dân dụng của liên doanh Nghi Sơn là một ví dụ điển hình.

“Để sản xuất mặt hàng PCB40 dân dụng này, các kỹ sư của Công ty Xi măng Nghi Sơn đã mất 2 năm nghiên cứu và đầu tư thêm thiết bị, thậm chí dành hẳn một dây chuyền và silo riêng cộng với việc sử dụng phụ gia đặc dụng để đảm bảo loại xi măng mới có độ dẻo và độ bền cao hơn, đặc biệt phù hợp với xây dựng nhà dân.” Trưởng phòng Kỹ thuật công ty xi măng Nghi Sơn Akira Obatake chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, giám đốc công ty TNHH Thạch Tuấn (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: “Với sự phát triển của thị trường trong giai đoạn này, những đơn vị không đầu tư công nghệ để sản xuất được xi măng chất lượng tốt đồng nghĩa với tự khai tử. Không phải cứ giá rẻ hơn vài ngàn thậm chí cả chục ngàn một bao là người tiêu dùng sẽ lựa chọn.”

Thông thường sau 10 năm kể từ khi xây dựng, các loại xi măng bắt đầu cho thấy khác biệt về độ bền và tính kết dính. Điều này phụ thuộc khá nhiều vào độ khử vôi của từng loại xi măng, mức độ này khác biệt tùy thuộc vào những dây chuyền công nghệ được đầu tư khác nhau. Do vậy, xi măng của những thương hiệu lớn như Nghi Sơn thường đắt hơn mười đến mười lăm ngàn đồng một bao so với nhiều thương hiệu khác nhưng vẫn tiêu thụ tốt bởi hầu hết vôi tự do đã được khử.

“Giá rẻ đương nhiên là giúp kích thích tiêu dùng, nhưng không phải là tất cả. Những sản phẩm có chất lượng tốt thường có giá cao hơn, giá của những loại xi măng như Nghi Sơn mà lại sát với thị trường nữa thì người bán như chúng tôi suốt ngày uống rượu vẫn bán chạy.” Ông Nguyễn Ngọc Thạch kết luận.

Theo Viết