Nhiều giáo viên chọn 3 môn thi bắt buộc
Tại cuộc họp tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 sẽ bao gồm 11 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học. Trong đó, có các môn bắt buộc và lựa chọn, tuy nhiên chưa thông tin cụ thể có bao nhiêu môn bắt buộc, bao nhiêu môn lựa chọn.
Trước đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT lấy ý kiến giáo viên chọn một trong hai phương án gồm: phương án 1 thi 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn học sinh chọn học và phương án 2 là thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên Trường THPT Tử Đà (Phú Thọ), chia sẻ, với quan điểm mong muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh nên đã lựa chọn phương án chỉ thi 3 môn bắt buộc, trong đó không có môn Lịch sử. Không cần cứ phải học gì thi nấy bởi nếu áp quan điểm đó sẽ phải thi bắt buộc nhiều môn hơn. Trong khi bậc THCS học sinh đã học kiến thức nền tảng, lên THPT là bậc phân hoá sâu về định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Ngoài các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, học sinh còn phải học các môn khác theo tổ hợp để lựa chọn nghề nghiệp. Nếu thi quá nhiều môn sẽ gây áp lực nặng nề, không cần thiết cho học sinh. Giáo viên cũng sẽ phải dành thời gian thích đáng để ôn luyện kiến thức, kỹ năng làm bài các môn thi cho học sinh.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết, khảo sát 2 phương án trên đối với học sinh lớp 12 năm nay cho thấy, đa số em lựa chọn phương án 3 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn. Với phương án này, học sinh thi tới 5 bài thi và Lịch sử không phải môn thi bắt buộc. Khi đó, em nào chọn tổ hợp có Địa lý, Lịch sử sẽ thi các môn đó.
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên môn Toán chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng cho rằng, môn bắt buộc trong kỳ thi chung của học sinh toàn quốc chỉ nên dừng lại ở con số 2 hoặc 3, bao gồm Toán - Ngữ văn hoặc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ nhằm giảm áp lực cho các em. Điều này xuất phát từ quan điểm, học sinh phát triển năng lực, phẩm chất trong suốt quá trình học tập từ lớp 1 đến lớp 12. Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp chỉ là khâu cuối cùng trong cả tiến trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện bỏ thi tốt nghiệp, giao việc cấp bằng tốt nghiệp cho nhà trường hoặc tổ chức một cách gọn nhẹ, tôn trọng sự lựa chọn của người học.
Không thi, lo học sinh không học
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết, đa số giáo viên nhà trường khi được hỏi đều chọn phương án thi 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ ) và 2 môn tự chọn. Tuy nhiên, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở bậc THPT, Lịch sử là môn bắt buộc, do đó phương án 4 môn thi bắt buộc, 2 môn lựa chọn phù hợp hơn. Để giảm áp lực, tránh nỗi sợ học thuộc số liệu, nhớ sự kiện môn Lịch sử, điều quan trọng là cần phải đổi mới đề thi theo hướng mở, giảm phần học thuộc con số một cách máy móc. Bởi nếu học bắt buộc nhưng không thi, đa số học sinh sẽ có cách học đối phó.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, nếu các nhà trường dạy tốt, học tốt, phương thức thi tốt nghiệp THPT nào cũng sẽ sẵn sàng. Bộ GD&ĐT dự kiến quý IV/2023 công bố phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Trong khi đó, cô N.T.L, giáo viên dạy Lịch sử một trường THPT ở Hà Tĩnh, cho rằng, nếu ở góc độ phụ huynh, học sinh, sẽ chọn phương án thi tốt nghiệp 3 môn bắt buộc bởi vì chương trình hiện vẫn nặng nề, cộng với các môn lựa chọn theo tổ hợp học sinh đã phải học chính, học thêm kín lịch. Còn ở góc độ trách nhiệm nghề nghiệp, giáo viên bộ môn mong muốn đưa Lịch sử trở thành môn thi bởi vì học bắt buộc mà không thi bắt buộc, học sinh không học hoặc học đối phó, việc dạy học trở nên khiên cưỡng, mệt mỏi cho cả thầy lẫn trò.
Cô L. nói rằng, vấn đề thi hay không thi môn Lịch sử cũng là điều cô trăn trở và bản thân môn học cũng có nhiều mâu thuẫn với sự lựa chọn nghề nghiệp của học sinh. Trên thực tế, môn học nào xuất hiện nhiều trong các tổ hợp xét tuyển các trường ĐH hoặc có cơ hội việc làm tốt, học sinh sẽ tự nguyện lựa chọn. “Ví dụ như bộ môn Tiếng Anh hiện nay, nhà nhà đầu tư cho con học, học sinh đua nhau học các chứng chỉ là bởi vì nhiều trường đưa tiêu chí đó vào xét tuyển. Trong tuyển dụng công việc, học sinh có năng lực ngoại ngữ cũng là điểm cộng để ưu tiên”, cô L. nói.