Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên Sư phạm cho rằng, việc thi trên máy tính sẽ bộc lộ những nhược điểm. Trước hết là kỹ năng sử dụng máy tính, thao tác trên chuột, bàn phím sẽ khác nhau giữa các thí sinh. Có thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo được học môn tin học trên giấy, ít được tiếp xúc với máy tính trong thực tế, do vậy khó đảm bảo sự công bằng cho mọi thí sinh về kỹ năng làm bài. Ngoài ra thi trên máy tính có thể dẫn đến việc con người có thể can thiệp vào cơ sở dữ liệu và làm sai lệch kết quả bài thi, tạo ra những tiêu cực trên một mức độ rộng lớn hoặc cá nhân nào đó có thể sử dụng các virus làm phá hoại kỳ thi dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bên cạnh đó từ nay đến khi tổ chức thi, các trung tâm khảo thí độc lập phải chuẩn bị được hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, với phần cứng tốt và đặc biệt là đường truyền đảm bảo để không bị gián đoạn trong quá trình làm bài, nộp bài của thí sinh.
Theo thầy Công, nếu tổ chức nghiêm túc, việc tổ chức thi trên máy tính sẽ hiệu quả và giảm áp lực cho thí sinh. Cụ thể, sau khi làm bài, máy tính sẽ cho kết quả ngay tức thì, việc chấm thi hoàn toàn do máy tính thực hiện mà không có yếu tố con người. Điều này rõ ràng làm giảm áp lực của thí sinh trong khoảng thời gian căng thẳng chờ đợi. Bên cạnh việc có kết quả ngay điều này cũng giảm được tiêu cực trong khâu chấm thi, một trong những vấn đề nan giải nhất khi con người can thiệp vào khâu chấm dẫn tới những bất cập trong kỳ thi năm 2018 ở các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình...
PGS TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH- CĐ Việt Nam cũng cho rằng, học sinh có ít nhất 4 năm để chuẩn bị và làm quen với việc thi trên máy tính, vì vậy, các trường THPT cũng cần chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, phòng máy để giáo viên, học sinh tập dượt, làm quen.
Còn nhiều lo ngại
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy hóa học online tại Hà Nội cho rằng, thi THPT quốc gia trên máy tính là sự đổi mới tiến bộ. Không thể ra rả nói về cách mạng 4.0 mà cả triệu thí sinh hằng năm vẫn thi trên giấy.
Theo thầy Ngọc: “Về nguyên lý khi thi trên máy tính, việc áp dụng công nghệ vào thi, xử lý kết quả sẽ hạn chế tác động của con người, hạn chế được tiêu cực. Tuy nhiên, công nghệ do con người làm ra và cũng do con người vận hành. Do đó, chừng nào con người vẫn còn bị chi phối với các yếu tố tiền bạc, quyền lực, quan hệ… thì gian lận vẫn có thể xảy ra. Điều quan trọng là khi có phương án thi mới, cần có chế tài đủ mạnh và có cơ chế kiểm tra, giám sát. Ví như, lâu nay việc bốc biển xe được tổ chức trên máy, bốc thăm ngẫu nhiên nhưng bằng cách nào đó, bao nhiêu biển số đẹp vẫn “tìm tới xe sang đấy thôi”. Hay như, chuyện thi lý thuyết lái xe cũng thực hiện trên máy tính nhưng tiêu cực cũng không thiếu.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, tổ chức thi trên máy tính đòi hỏi phải thành lập được các trung tâm khảo thí độc lập ở các khu vực khác nhau và quan trọng là các trung tâm này phải có đủ năng lực tổ chức kỳ thi tương ứng với số lượng thí sinh trong khu vực đó. Xây dựng hệ thống phần mềm thi trên máy có tính bảo mật cao; ngân hàng đề thi đủ lớn với hàng vạn câu hỏi để có các mã đề ngẫu nhiên. Hàng năm, có gần 1 triệu thí sinh dự thi THPT quốc gia, dù có tổ chức thi nhiều đợt cũng đòi hỏi phải có một lượng máy tính lớn…
Chưa kể, việc thi trên máy tính cần có lộ trình đủ dài để xã hội và thí sinh làm quen, tuy triển khai muộn nhưng cũng không được vội vàng. Trước khi thực hiện đại trà nhất định phải được thí điểm một số nơi có đủ điều kiện.