> Cấp số định danh cá nhân: Khai thân nhân một lần duy nhất
> Cấp mã số cá nhân từ 2016
Việc cấp số định danh cá nhân nằm trong đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 của Chính phủ.
Hải Phòng là địa phương đầu tiên đủ điều kiện để thực hiện thí điểm, theo đó, tại địa phương này việc cấp đổi CMND được xác định là cấp số định danh cá nhân (mã số công dân). Cùng với đó, cơ quan công an sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu để sau đó người dân có thể sử dụng mã số công dân trong các giao dịch hành chính.
Loại bỏ 1.300 thủ tục hành chính
Theo Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (C72) Bộ Công an, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số, xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi sinh ra cho đến khi chết.
Dãy số này không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước công dân, cùng những dữ liệu khác về công dân, sử dụng trong các giấy tờ giao dịch, đi lại...
Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho rằng đề án cấp mã số định danh cá nhân phải được tiến hành bài bản, chặt chẽ, trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhiều cơ quan, ban ngành, tránh xảy ra chuyện “lùm xùm” như việc cấp CMND có ghi tên cha mẹ như vừa qua.
“Trong 12 số này thì 3 số đầu là mã tỉnh nơi công dân sinh ra, số thứ 4 là giới tính (nam hoặc nữ), 2 số tiếp theo là năm sinh, 6 số còn lại là thứ tự hồ sơ cấp. Theo đánh giá, dãy số này sẽ đảm bảo đủ khoảng số để cấp cho toàn bộ công dân trong vòng 5 thế kỷ mới quay lại dùng mã số cũ” – ông Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng C72 nói.
Theo Tổng cục QLHC về TTXH, hiện nay, mỗi công dân có thể sở hữu gần 20 loại giấy tờ khác nhau, như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, CMND, hộ chiếu, mã số thuế, sổ bảo hiểm xã hội… Liên quan đến các loại giấy tờ trên cần rất nhiều thủ tục hành chính. Do đó, việc mỗi công dân có một số định danh sẽ đơn giản hóa được tối thiểu 1.300 thủ tục hành chính, tiết kiệm khoảng 1.600 tỷ đồng/năm cho người dân.
“Khi đã có mã số công dân, người dân muốn xác nhận một loại giấy tờ thủ tục nào đó thì chỉ cần mang giấy CMND là đủ, không phải mang hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc các bản sao như trước đây vì mã số công dân được xem như là chìa khóa để mở hồ sơ công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia”, ông Trần Văn Vệ nói.
Khó cho người chuyển giới
Đánh giá cao phương án của Bộ Công an song nhiều đại biểu tham dự hội thảo bày tỏ không ít băn khoăn. Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực, Bộ Tư pháp cho rằng, cách thức thu thập dữ liệu về công dân để đưa dần vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia không đơn giản. Bởi, một số nơi hầu như không lưu trữ thông tin về cư trú của công dân.
Mặt khác, nếu việc cấp mã số công dân chưa kết nối được với các ngành như thuế, bảo hiểm…thì vẫn chưa thể giảm tải được giấy tờ cho công dân. “Nếu chỉ đảm bảo được yêu cầu quản lý của Bộ Công an và Bộ Tư pháp thì không đạt yêu cầu Chính phủ đề ra” - ông Khanh nói.
Đáng chú ý, đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đặt vấn đề, hiện có một bộ phận không nhỏ người chuyển đổi giới tính nhưng dãy số trên CMND – số định danh công dân chỉ đặt ra việc phân biệt nam, nữ thì chưa ổn, dễ phát sinh những vấn đề tranh cãi, rắc rối.
Về vấn đề này, đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng C72, cho rằng, pháp luật chưa công nhận và cho phép chuyển đổi giới tính. Hơn nữa, số định danh được cấp cho công dân ngay từ khi sinh ra, khi đó chỉ có giới tính nam hoặc nữ, sau này nếu pháp luật cho phép và công dân nào đó được chuyển đổi giới tính thì sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu, còn dãy số thì không thay đổi.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, người chuyển giới sẽ gặp vô vàn khó khăn, phiền phức, thậm chí là xung đột khi mang CMND thể hiện giới tính ra đường hoặc đi giao dịch dân sự. Vậy phải làm sao đảm bảo quyền lợi của cả nhóm người này và cần phải xem xét trong dãy số đó có nên quy định thông tin về giới tính hay không?