Thép liên tục tăng giá, Bộ trưởng Công Thương đề xuất lập Quỹ Bình ổn

TPO - Đây là một trong số 7 giải pháp để ngành thép phát triển theo hướng ‘đi tắt đón đầu’ được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu ra tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép vừa diễn ra.
Thép liên tục tăng giá, Bộ trưởng Công Thương đề xuất nghiên cứu lập Quỹ Bình ổn

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép và đầy đủ các cục vụ của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu phải đẩy mạnh phát triển ngành thép theo hướng “đi tắt đón đầu”, ứng dụng những công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu trong xây dựng, vừa đáp ứng nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo…

Ông Diên cũng đưa ra 7 giải pháp xây dựng thương hiệu thép Việt Nam xứng tầm với quy mô. Cụ thể, tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi để thực hiện cho được các mục tiêu phát triển ngành thép, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng đó, tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh

Người đứng đầu ngành công thương cũng yêu cầu Hiệp hội Thép phải vươn lên làm vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đồng thời đóng vai trò trọng tài để góp phần bình ổn thị trường thép, bảo đảm quyền lợi của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Một giải pháp khác được đề xuất là từng doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép phải mạnh mẽ hơn trong tái cấu trúc doanh nghiệp của mình, xây dựng được các chiến lược phát triển trong ngắn hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đề xuất từng bước hình thành quỹ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành thép để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất ra những mặt hàng thép đặc biệt, đáp ứng được nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp chế tạo khác.

Giải pháp khác tiếp theo được đưa ra là từng bước hình thành chuỗi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sau thép đặc biệt, không chỉ dừng lại nguyên liệu mà còn có thể là thành phẩm.

Đáng chú ý Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất cân nhắc việc hình thành quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn vướng mắc, các doanh nghiệp ngành thép kịp thời có kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Công nghiệp nghiên cứu, đề xuất các chính sách để xây dựng chiến lược, định hướng phát triển ngành thép trong giai đoạn tiếp theo; Phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam trong việc đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam. Cục Công nghiệp cần theo dõi sát tình hình thị trường và sản xuất của ngành thép, kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ để tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các danh nghiệp sản xuất thép.

Ông Diên cũng yêu cầu Vụ Khoa học và Công nghệ của bộ nghiên cứu, đề xuất xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoặc phòng thí nghiệm để sản xuất ra các mặt hàng thép đặc biệt.

Trao đổi với Tiền Phong, một số chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trong ngành khẳng định, đề xuất của Bộ trưởng Công Thương đang trái với thể chế về quản lý giá trong cơ chế thị trường và là bước đi lùi trong tư duy quản lý.

Theo các chuyên gia, hiện thép không phải là mặt hàng thuộc diện Bình ổn giá. Trước năm 2012, thép là mặt hàng thuộc danh mục Bình ổn giá theo Luật giá nhưng từ khi Luật Giá 2012 được ban hành, một loạt mặt hàng như xi măng, sắt, thép... đã được đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Trước khi đề xuất lập Quỹ Bình ổn, cơ quan hay cá nhân đề xuất cũng cần nghiên cứu xem có trái với luật hiện hành, có trái với Luật Ngân sách.

Đại diện một doanh nghiệp thép khẳng định đề xuất này của Bộ Công Thương là không khả thi. Vấn đề nguồn hình thành quỹ lấy từ đâu. Các doanh nghiệp có mức giá riêng, lấy giá nào để tham chiếu. “Phải nói thẳng là phi thị trường”, đại diện doanh nghiệp nói

PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, theo quy định hiện hành, ngay cả những mặt hàng đang thuộc diện bình ổn giá cũng không được phép lập quỹ, trừ mặt hàng xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng và liên quan đến an ninh quốc gia. Như măt hàng sữa, đâu có ai đề xuất lập Quỹ Bình ổn.

Theo ông Long, hiện với ngành thép, việc cạnh tranh đã đầy đủ và không có đơn vị nào chiếm thế độc quyền. Giờ lập Quỹ Bình ổn giá sẽ vi phạm các cam kết quốc tế chưa kể trái Luật Ngân sách và thể chế định giá trong nền kinh tế thị trường.