Theo chân những người chăn ong du mục

Họ trú thân trong những túp lều tạm bợ ngậm no giá rét, dẫn theo triệu triệu “công bộc có cánh” lang thang khắp vùng cao nguyên đá mù sương kiếm tìm những giọt mật hoa bạc hà độc nhất vô nhị.
Chỗ ở của những người chăn ong du mục thường là túp lều bạt tạm bợ.

Có một bài hát nói rằng “tháng ba, mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước”. Riêng đồng bào vùng cao nguyên đá Hà Giang lại nói: Mùa hoa bạc hà nở là mùa con ong đi lấy mật. 


Hoa bạc hà nở giữa mùa đông, giai đoạn thời tiết khắc nghiệt nhất trong năm. Có lẽ, chính bởi vậy mà mật ong bạc hà vùng cao nguyên đá trở thành đặc sản có một không hai của nước Việt. 

Hành trình của những người nuôi ong du mục lấy mật hoa bạc hà chưa bao giờ in dấu giày của những kẻ biếng lười, nhát gan. Bởi đó là cuộc chơi không chỉ tốn sức lực mà còn tiềm ẩn đầy rủi ro. Thành công và thất bại chỉ cách nhau gang tấc. 

Hành trình vô định 

Trong căn lều bạt hở hoác giữa không gian lởm chởm đá tai mèo, ông Hoàng Hữu Trí, một thợ nuôi ong du mục, quê ở TP. Tuyên Quang (Tuyên Quang) cuộn tấm chăn bông dầy hụ quanh người, thế mà chân tay vẫn run bần bật. 

Nhiệt độ ngoài trời dưới 10oC, hoa bạc hà nở tím cả cao nguyên đá, thế mà lũ ong mật chẳng dám rời xa tổ ấm. Chúng bay lởn vởn quanh những chiếc thùng gỗ khiến lỗ tai tôi ngập tiếng vo ve. 

Ông Trí bảo rằng, nuôi ong mật du mục cũng giống như điều binh khiển tướng. Muốn “chinh chiến” ở vùng đất có khí hậu khắc nghiệt đặc thù như cao nguyên đá Hà Giang, thì trước tiên phải tuyển mộ một “đội quân” dũng mãnh. Và, những giống ong nội là sự lựa chọn tốt nhất. 

Sau khi vắt kiệt sức hút mật nhãn, vải, keo (từ tháng 2 đến tháng 8), đàn ong sẽ mệt lử, gầy còm. Nhiều ong thợ chết vì già yếu, bệnh tật.

Lúc này, phải di dời đàn ong lên vùng đất mát mẻ như Quản Bạ (Hà Giang) để dưỡng sức và tăng cá thể đàn trong vòng 2 tháng. Tại đây, ong chúa được tiếp tế phấn hoa và liên tục đẻ trứng. Ấu trùng nở ra từ trứng lớn nhanh nhờ nguồn sữa ong chúa dồi dào của đàn ong thợ.

Khi đàn ong hùng mạnh nhất cũng là lúc mùa hoa bạc hà trên cao nguyên đá bắt đầu. Người chăn ong du mục chuyên nghiệp luôn biết cách di chuyển những "công bộc biết bay" của mình đi đâu để khai thác được lượng mật nhiều nhất, trong thời gian dài nhất. 

Nơi cái gió lạnh ào đến đầu tiên là các xã giáp biên như Lũng Cú, Tà Phìn, Ma Lé (huyện Đồng Văn) và một số xã thuộc huyện Mèo Vạc...

Hoa bạc hà ở nơi đây thường nở sớm hơn khoảng 1 tháng. Và càng vào sâu nội địa hoa nở càng muộn hơn. Thời gian hoa nở rộ khoảng 15 ngày. Thế nên chỗ ở của người và đàn ong liên tục được xê dịch. 

Được - mất do trời 

Ông Trí xách một can nhựa từ trong lều ra, rót cho tôi một chén mật ong bạc hà có màu vàng ánh xanh đặc trưng. Tôi nếm thứ mật ong vàng sánh như ánh nắng cuối mùa thu ấy, hương thơm nhè nhẹ, ngọt thanh thấm vào đầu lưỡi, ngon một cách lạ thường. 

Theo người chăn ong du mục này, những năm mưa thuận gió hòa, trong khoảng thời gian 2 tháng khai thác mật hoa bạc hà, 100 thùng ong sẽ quay được khoảng 250 lít mật. 

Vì thương hiệu đã được định hình nhưng số lượng có hạn, giá bán dao động từ 500 - 600 ngàn đồng/lít, thậm chí có thời điểm lên 700 - 800 ngàn đồng mà vẫn cháy hàng. Tuy nhiên, nếu ông trời ghét bỏ thì nước mắt người nuôi ong chảy ròng ròng. 

Còn nhớ mùa đông năm 2003, cũng trong cái lạnh dưới 10oC, ông Trí thuê xe tải chuyển 100 thùng ong mật từ Tà Phìn về vựa hoa bạc hà ở xã Vần Chải (Đồng Văn). 

Đi trên đoạn đường ngoằn ngoèo như rắn lượn lại nhiều ổ gà, thân xe xóc nẩy tưng tưng, chao đảo như đồng hồ quả lắc. Lúc đến nơi, mở cầu ong mật ra kiểm tra, khuôn mặt người đàn ông xám ngoét khi chứng kiến lứa trứng, nhộng hàng vạn quả (con) bị thối hỏng. 

Tuy cùng một vườn ong nhưng mỗi thùng ong giống như một lãnh địa bất khả xâm phạm. Mỗi con ong chúa tiết ra một mùi riêng, và tất cả các thành viên trong đàn đều ám thứ mùi ấy. 

Nếu có kẻ ngoại lai xâm phạm, đội ong gác cửa lập tức phát giác và xua đuổi. Tuy nhiên có những thời điểm, nhiều thợ chăn ong du mục cùng thuê đất và “cắm chốt” ở một vựa hoa bạc hà. Lúc đói ăn, đàn ong nhà này tấn công tổ ong nhà khác cướp mật. 

Một thời gian sau, những kình địch giao mùi lẫn nhau nên ra vào cầu thoải mái. Ong thợ không đi kiếm mật hoa nữa mà lấy của nhau nuôi ong chúa và ấu trùng. Nhìn cảnh ấy, nếu 1 trong 2 chủ đàn ong không chịu rời đi chỗ khác thì tất cả đều trắng tay. 

Hoa bạc hà nở tím cả cao nguyên đá Đồng Văn.
Nghề vận vào người 

Nhắc đến những câu chuyện thảm thê của nghề nuôi ong du mục, tâm can chàng trai trẻ sinh năm 1991 Bàn Quốc Khương (một thợ nuôi ong du mục, quê ở huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) lại nóng như lửa đốt. 

5 ngày trước, đàn ong mật của cậu xuất hiện hiện tượng dạt ong. Hôm ấy là ngày Chủ nhật, một đàn ong trong vườn bỗng dưng bốc bay. Cùng thời điểm đó có rất nhiều con ong của đàn khác bay ra khỏi thùng gỗ để bài tiết, gặp gió thổi mạnh chúng kéo nhau bay đi. 

Nhìn hàng vạn con ong bỏ trốn đen kịt bầu trời, Khương chỉ biết đuổi theo gào thét. Nhưng mọi cố gắng đều vô vọng. 52 trong tổng số 150 thùng ong mà chàng thanh niên vừa mới đầu tư chỉ còn sót lại ong chúa, lưa thưa vài ong thợ cùng nhung nhúc nhộng và trứng. Tổng thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. 

“Biết đâu đấy mai kia chúng lại quay về”, tôi vỗ vai Khương động viên. Cậu lắc đầu bảo rằng: “Nếu chúng quay về sẽ càng nguy hiểm, bởi những kẻ phản bội ấy đã trở thành ong hoang, nếu quay về sẽ giết chết ong chúa”. 

Đợt lạnh vừa rồi, tuyết rơi trắng trời nhiều khu vực trên cao nguyên đá Đồng Văn. Tuy mưa tuyết không ghé thăm, thế nhưng 15 người nuôi ong du mục ở xã Vần Chải vẫn chịu thiệt hại khá lớn khi nhiều ngày liền ong thợ lười lao động. 

Mật ong bạc hà đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Mỗi ngày trôi qua, bác Nguyễn Văn Quý quê ở Tuyên Quang lại buốt ruột khi tự tay gạt bỏ hàng trăm xác ong chết đen kịt trên tấm lá cọ che đỉnh thùng ong. 

Tôi nán lại một tối trong căn lều gió lộng của thợ nuôi ong du mục Hoàng Hữu Trí. Mới 6 giờ tối, bóng đen đã đặc quánh đáng sợ. Vật thắp sáng là một bóng đèn pin, đấu nối với bình ắc quy xe máy bằng sợi dây điện. 

Ánh sáng chỉ xuất hiện chừng 30 phút vào giờ ăn cơm, rồi chủ lều lại tắt phụt đi. Tôi hỏi tại sao? Ông bảo: “Tính khí của loài ong rất khó đoán định. Lúc cáu tiết có thể kéo cả đàn tìm người đốt chẳng cần lý do. Bác bị ong châm nhiều rồi nên miễn dịch tốt, chỉ lo cho cháu thôi”.

Rủi ro đầy rẫy, gian nan trùng trùng, thế nhưng khi tôi hỏi bác Trí năm sau có đưa ong mật lên cao nguyên đá Hà Giang nữa không? Bác vẫn nở nụ cười hi vọng: “Có chứ, đã làm ăn thì chuyện được mất là thường tình. Nghề đã vận vào người sao bỏ được?”.

Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc. 

Sở dĩ sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có tên gọi là mật ong bạc hà do được sản xuất từ cây nguồn mật bạc hà dại có nguồn gốc duy nhất tại cao nguyên đá Đồng Văn. 

Các nước xuất khẩu mật ong lớn trên thế giới cũng không có loại mật ong bạc hà, ngoại trừ Trung Quốc - khu vực giáp ranh với cao nguyên đá Đồng Văn.

Theo Theo Nông Nghiệp Việt Nam