Truyện Kiều tự kể
Cuối năm, trên các diễn đàn đọc, giới trẻ hào hứng chia sẻ thông tin về một cuốn artbook được làm công phu với cái tên khá gây tò mò: Truyện Kiều tự kể.
Đây là một dạng tác phẩm phái sinh của Truyện Kiều, do Cao Nguyệt Nguyên (sinh năm 1990) viết và 12 họa sĩ trẻ vẽ minh họa.
Trong cuốn sách, lần lượt từng nhân vật sẽ đứng ra kể câu chuyện của mình, lý giải một số hành động, suy nghĩ và mong muốn của bản thân, bao gồm: Thúy Vân, Đạm Tiên, Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, Giác Duyên và cuối cùng là Thúy Kiều.
Do vậy, Hoạn Thư trong sách của Cao Nguyệt Nguyên vừa giống Hoạn Thư trong nguyên tác nhưng lại cũng rất khác, ở suy nghĩ, hành động, thậm chí còn mang hơi hướng hiện đại. “Lòng ta trút được gánh nặng, nhưng hình bóng Thúc Sinh phong lưu tao nhã trong lòng ta ngày xưa thì nay đã tan biến. Chàng bạc bẽo đâu chỉ với ta mà cả với ả Kiều tài sắc kia…”.
Nhân vật sinh động vào bậc nhất trong Truyện Kiều thực ra không phải bây giờ mới được lôi ra “làm mới”. Mấy chục năm trước, trung niên thi sĩ Bùi Giáng cũng đã có một màn đánh giá Hoạn Thư làm nức lòng nhiều “bà cả” như sau: “Trong hai người Thúy Kiều và Hoạn Thư, anh muốn chọn ai làm vợ? Dù sao ta cũng nên nhớ rằng nếu cần chọn một người tình để mà yêu thì ta nhắm mắt chọn Kiều, nhưng nếu phải chọn một người để cưới làm vợ thì ta nên sáng suốt chọn Hoạn Thư. (Nói thế, kể cũng hơi tếu đấy)”.
Trường phái sáng tác phái sinh không mới mẻ trong văn học. Nhất là những năm gần đây, có cả một làn sóng viết lại tác phẩm kinh điển của ngôn tình Trung Quốc được đặt tên là “đồng nhân, trọng sinh”. Theo đó, các tác giả cảm thấy không thỏa mãn với kết thúc của các câu chuyện, họ sẽ dựng lại bối cảnh, nhân vật nhưng thay vào đó là những suy nghĩ, tư tưởng khác, từ đó dẫn dắt số phận nhân vật theo một hướng hoàn toàn mới, thậm chí đối ngược hoàn toàn so với nguyên tác. Nhiều tác phẩm viết lại này đã lọt danh sách best seller, đưa tên tuổi tác giả lên những bảng xếp hạng nhà văn có thu nhập cao nhất Đại Lục, điển hình như Âu Dương Mặc Tâm với “Đến phủ Khai Phong làm nhân viên công vụ”, hay Lưu Liễm Tử với “Hậu cung Chân Hoàn truyện”...
Cũng bởi làn gió mới mà Cao Nguyệt Nguyên thổi vào truyện Kiều, cuốn artbook mới phát hành giữa tháng 11 đã được mua đi bán lại rất tấp nập. Nhiều độc giả 9X thích thú với bản in màu và minh họa đẹp cho biết: “không tiếc khi phải nhịn mấy cốc trà sữa để mua sách”.
Dế Mèn mặc tây trang
Trong một diễn biến khác, phiên bản minh họa mới nhất của “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài) đã được thể hiện theo một cách chưa từng có khi tất cả nhân vật đều được mặc tây trang, đi giày... thay vì “trần trụi với thiên nhiên” như những minh họa trước đó. Đậu Đũa - họa sĩ minh họa cũng thuộc thế hệ 9x (cô sinh năm 1992), và là nữ họa sĩ đầu tiên minh họa “Dế Mèn”.
Đây là công trình dài hơi của tác giả, nó manh nha từ khi cô làm đồ án tốt nghiệp, sau 7 năm theo đuổi và phát triển ý tưởng, hơn 100 bức tranh minh họa màu nước vẽ tay của cô đã thể hiện một cái nhìn hoàn toàn mới về “Dế Mèn phiêu lưu ký”.
Một số độc giả trẻ bình luận: “Tạo hình mặc Âu phục của Dế Mèn không chỉ làm nên sự mới mẻ với những ai đã biết đến cuốn sách mà còn tạo sự gần gũi với độc giả đương đại chưa từng đọc tác phẩm kinh điển này”.
17/23 bình luận trên Tiki (trang mua sách trực tuyến) bày tỏ “rất hài lòng” với ấn bản Dế Mèn đặc biệt này. Một số người còn đánh giá là “bản Dế Mèn đẹp nhất từ trước tới nay”. Có người khoe, “mua cho cháu nhưng cô (chú) thích quá lại phải mua thêm để vừa đọc vừa xem”.
Anh Nguyễn Tiến Minh (một người sưu tầm sách ở Hà Nội) cho biết: “Tôi sở hữu hầu hết các ấn bản minh họa của Dế Mèn, kể từ bản của họa sĩ Ngô Mạnh Lân cho đến Thành Chương, Ngô Xuân Khôi, Tạ Huy Long… Mỗi người trong số họ đều tạo ra một phiên bản Dế Mèn khác nhau. Tôi rất thích cách mà các bạn trẻ liên tục tìm ra những ý tưởng mới để giúp các nhân vật không tuổi tiệm cận với đời sống hiện đại. Có lẽ vì người minh họa còn trẻ, nên gu thẩm mỹ của cô có gì đó gần gũi, hiện đại, được trẻ con rất thích. Tôi đã phải mua hai đợt, mỗi đợt 10 cuốn để tặng cho con, cháu”.
Bản thân họa sĩ Đậu Đũa cũng cho rằng: “Vẽ minh họa làm mới tác phẩm văn học kinh điển là một vấn đề nên quan tâm đúng mức, đơn giản là tác phẩm văn học không thay đổi phần nội dung còn phần minh họa có thể thay đổi cho phù hợp với thời điểm, tâm lý tiếp nhận và thị hiếu của độc giả thời hiện đại, để tác phẩm tiếp tục được đón nhận qua năm tháng”.