Thế giới Ả-rập hờ hững với quyết định của ông Trump về Cao nguyên Golan

TPO - Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/3 ký tuyên bố thừa nhận Cao nguyên Golan thuộc về Israel, một số quốc gia Trung Đông lên tiếng phản đối và chỉ trích, nhưng nhiều quốc gia khác dường như thờ ơ.
Một cột biển chỉ dẫn trên núi Bental trên phần Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng. (Ảnh: Anmmar Awad)

Hôm 25/3, với sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Washington, ông Trump ký tuyên bố khẳng định Mỹ chính thức thừa nhận Cao nguyên Golan là một vùng lãnh thổ của Israel. Israel chiếm Cao nguyên Golan từ Syria trong Chiến tranh Trung Đông 1967 và sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ của mình vào năm 1981, dù không được quốc tế thừa nhận.

Cùng ngày 25/3, Ả-rập Xê-út ra tuyên bố lên án quyết định của ông Trump. Trong tuyên bố được hãng thông tấn Ả-rập phát đi, Ả-rập Xê-út khẳng định Cao nguyên Golan là vùng đất Ả-rập của Syria theo các nghị quyết quốc tế liên quan. “Những nỗ lực nhằm áp đặt sự đã rồi không thay đổi được thực tế”, Ả-rập Xê-út nói.

Tuyên bố cho rằng bước đi này của Mỹ sẽ “gây tác động tiêu cực đáng kể đối với tiến trình hòa bình ở Trung Đông cũng như an ninh và ổn định ở khu vực”.

Tuyên bố cho rằng quyết định của ông Trump là sự vi phạm rõ ràng Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng thể hiện phản ứng giận dữ.

“Quyết định vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết 497 (năm 1981) của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, cho thấy chính quyền Mỹ tiếp tục cách xử lý của họ là gây thêm vấn đề, thay vì tạo ra giải pháp ở Trung Đông”, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một tuyên bố.
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định quyết định của ông Trump “hoàn toàn vô nghĩa” với Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đang quan tâm đến toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như của tất cả các quốc gia ở khu vực.

Ankara kêu gọi cộng đồng quốc tế tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an “thay vì gây thêm bất ổn ở khu vực để nỗ lực vô ích nhằm biện minh cho những hành động của Israel đi ngược lại luật pháp quốc tế”.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng Mỹ “một lần nữa lại phớt lờ luật quốc tế, nhưng quyết định này sẽ không bao giờ hợp pháp hóa sự thôn tính của Israel”.

Hội đồng hợp tác vùng Vịnh nói rằng bước đi của ông Trump cho thấy “sự thiên vị mù quáng của nước Mỹ”.

Ông Dmitry Peskov, Người phát ngôn Điện Kremlin của Nga, nói rằng tuyên bố của ông Trump sẽ “tạo thêm bất ổn đáng kể cho tình hình vốn đã căng thẳng ở Trung Đông”.

Một phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres hôm 25/3 nói ông hiểu rất rõ rằng “địa vị của Cao nguyên Golan không thay đổi”.

Bận mưu sinh

Cho đến nay mới chỉ có một vài quốc gia Ả-rập lên án quyết định của ông Trump. “Có một cảm giác thờ ơ trên khắp khu vực này, vì người ta đang ưu tiên các vấn đề trong nước nhiều hơn chuyện khu vực”, CNN dẫn lời bà Lina Khatib, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, một tổ chức tư vấn chính sách ở Anh.

“Người dân thường ở thế giới Ả-rập đã mất hy vọng rằng Mỹ sẽ coi trọng tiến trình hòa bình Israel – Palestine”, bà Khatib nói.

Theo chuyên gia này, trong khi sự ủng hộ của số đông đối với người Palestine và Syria ở những khu vực bị Israel chiếm đóng vẫn tiếp tục, nhưng những khó khăn chính trị kinh tế trong nước đã trở thành ưu tiên lớn hơn.

Thông báo của ông Trump khiến hy vọng của Syria về việc lấy lại phần lãnh thổ trên Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng trở nên mờ mịt hơn, sau nhiều cuộc đàm phán thất bại giữa hai bên. Nhưng đất nước bị chiến tranh tàn phá nhiều năm này có rất ít biểu hiện trước động thái mới của Tổng thống Mỹ.

Theo cây viết chuyên về Syria Haid Haid, hầu hết người Syria đang bận tâm với chuyện sinh tồn. Ở vùng tây bắc đất nước, người Syria đang khốn khổ đương đầu với những cuộc pháo kích không ngừng.

Ở vùng đông bắc, người dân đang nỗ lực xây dựng lại nhà cửa bị quân khủng bố IS và liên minh quốc tế chống IS phá nát. Còn ở những vùng khác, người dân đang thu lượm những mảnh vỡ, sống chật vật trong cảnh nghèo khó trong lúc tiến trình tái thiết diễn ra với tốc độ rùa bò.

“Tất cả họ đều đang chưa biết tương lai ra sao”, nhà báo Haid đánh giá.

Nhưng Cao nguyên Golan vẫn là vấn đề quan trọng, vượt lên trên cả chia rẽ chính trị sâu sắc. “Sự toàn vẹn của Syria và việc lấy lại Cao nguyên Golan có thể là 2 vấn đề nội bộ duy nhất mà tất cả người Syria, hay ít nhất là số đông, nhất trí với nhau”, ông Haid nói.

Theo nhà phân tích Khatib, quyết định của Trump có thể có lợi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

“Người Syria vốn đã thất vọng với cách Mỹ xử lý cuộc khủng hoảng Syria. Thông báo mới nhất này sẽ chỉ có lợi cho phe thân Assad vì họ sẽ dựa vào điều này để nói rằng Mỹ không đáng tin”, bà Khatib nói.