Tính toán của ông Trump khi thừa nhận Cao nguyên Golan thuộc về Israel

Thủ tướng Israel Netanyahu (bìa trái) đứng cạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Israel Netanyahu (bìa trái) đứng cạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. (Ảnh: Reuters)
TPO - Khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đứng cạnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/3 tuyên bố Cao nguyên Golan thuộc về Israel, tạo thêm chiến thắng ngoại giao lớn nữa cho người đứng đầu chính phủ Israle trước thềm bầu cử.

Không giấu được vui mừng khi chứng kiến ông Trump ký Tuyên bố Golan tại Nhà Trắng, ông Netanyahu ví ông Trump với Tổng thống Harry S Truman, người đã thừa nhận Israel, hay thậm chí với cả Cyrus Đại đế, vị vua Ba Tư đã giải phóng người Do Thái ở Babylon.

Sự thay đổi này của ông Trump đối với vùng đất có giá trị chiến lược mà Israel và Syria tranh chấp nóng bỏng nhiều năm nay đã gây ra những phản ứng trái chiều của các bên đối với xung đột Ả-rập – Israel, giống như lúc ông Trump tuyên bố coi Jerusalem là thủ đô của Israel.

Trong Chiến tranh 1967, Israel chiếm 5 vùng đất từ 3 quốc gia: Dải Gaza và bán đảo Sinai từ Ai Cập, vùng Đông Jerusalem và Bờ Tây từ Jordan, và Cao nguyên Golan từ Syria.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc phản ứng bằng việc thông qua nghị quyết “vùng đất hòa bình”, còn gọi là Nghị quyết 242, với tầm nhìn là Israel sẽ đổi các vùng đất mà họ chiếm đóng lấy hòa bình và sự công nhận của các quốc gia Ả-rập xung quanh. Tất cả các thành viên Hội đồng bảo an, bao gồm cả Mỹ, thông qua nghị quyết này.

Trước Chiến tranh 1967, khoảng 150.000 người Syria sống trên Cao nguyên Golan, nhưng nhiều người phải bỏ nhà cửa mà đi vì chiến tranh. Ngày nay, vùng đất này là nhà của khoảng 25.000 người Ả-rập Druze, những người tự coi mình là công dân Syria, và khoảng 20.000 cư dân Do Thái nhận mình là người Israel. Địa vị của các cư dân trên vùng đất này được công nhận từ năm 1981. 

Khi chiến tranh kết thúc, hai bên bất đồng về việc ai phải hành động trước. Các quốc gia Ả-rập từ chối đàm phán cho đến khi Israel rút khỏi các vùng đất họ chiếm đóng, còn Israel từ chối rút cho đến khi các quốc gia Ả-rập đàm phán một thỏa thuận hòa bình.

Kết quả là Israel tiếp tục chiếm đóng 5 vùng đất này và xây dựng nhà cửa trên đó không lâu sau khi chiến tranh kết thúc.

Năm 1973, Ai Cập và Syria mở cuộc chiến chống lại Israel, tiến đến tận Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan nhằm giành lại những vùng đất bị chiếm đóng. Với sự giúp sức của Mỹ, Israel vẫn kiểm soát được những dải đất này.

Đến cuối cuộc xung đột, Mỹ làm trung gian cho cuộc đối thoại giữa Israel, Ai Cập và Syria nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Sau đó, Hiệp định Trại David chính thức trao Bán đảo Sinai về cho Ai Cập để đổi lấy hòa bình, theo tinh thần của Nghị quyết 242.

Nhưng 4 vùng đất còn lại, bao gồm Cao nguyên Golan, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Israel.
Năm 1981, chính phủ Israel tuyên bố sáp nhập Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan, mở rộng vĩnh viễn biên giới của họ ra để bao trùm 2 vùng đất họ đã chiếm. Đáp lại, Hội động Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 497 để lên án việc hành động chiếm đất của Syria và gọi đây là hành động vi phạm luật quốc tế.

Israel và Syria trải qua nhiều vòng đàm phán về Cao nguyên Golan, bao gồm các cuộc gặp kín kéo dài đến tận năm 2010 để đi đến việc Israel rút hoàn toàn. Cuộc nội chiến Syria nổ ra năm 2011 khiến tiến trình đàm phán đó gián đoạn.

Tuy nhiên, Syria vẫn tiếp tục đòi Israle rút hẳn khỏi Cao nguyên Golan. Trước Mỹ, chưa có quốc gia nào từng thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của Israel đối với vùng đất này.

Tài sản chiến lược

Cao nguyên Golan dài 65km từ bắc xuống nam, và trung bình 19km từ đông sang tây. Cao nguyên này là vùng đất địa hình cao có giá trị quan trọng chiến lược vì từ đó có thể quan sát cả Syria và Thung lũng Jordan.

Cao nguyên này được đánh giá là có ý nghĩa chiến lược quân sự với cả Syria và Israel, và Israel cũng coi vùng đất này là “vùng đệm” giúp họ phòng thủ.

Ngoài giá trị về quân sự, Cao nguyên Golan cũng là tài sản chiến lược nhờ tài nguyên nước và đất đai màu mỡ. Khu vực này có sông Jordan, hồ Tiberia, sông Yarmuk và các tầng ngậm nước ngầm.
Israel khai thác 1/3 lượng nước mà họ sử dụng từ Cao nguyên Golan. Ở một khu vực tương đối khô hạn của thế giới, việc kiểm soát nguồn nước ở Golan là điều vô giá.

Cao nguyên Golan còn có thể có dầu. Các hoạt động khoan thăm dò cho thấy trữ lượng dầu ở vùng đất này có thể lên đến thàng tỷ thùng.

Tính toán chính trị

Ông Trump rất được yêu quý ở Israel, đặc biệt sau khi ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây. Tận dụng điều này, Thủ tướng Israle Benjamin Netanyahu đang sử dụng ảnh Tổng thống Mỹ để vận động cử chi cho cuộc bầu cử sắp tới.

Trên thực tế, một số nhà phân tích và nhà báo cho rằng thời điểm ông Trump đưa ra thông báo thừa nhận Cao nguyên Golan là của Israle đã được tính toán kỹ về chính trị để giúp sức cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử ngày 9/4.

Quyết định thừa nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan được cho là sẽ gây ra những khó khăn tương tự như hồi chính quyền Trump thay đổi chính sách với Jerusalem vì 2 lý do.

Thứ nhất, nó đảo ngược chính sách nhất quán của Mỹ lâu nay rằng bất kỳ sự thừa nhận chủ quyền nào cũng phải là kết quả của đàm phán trực tiếp chứ không phải tuyên bố đơn phương. Thứ hai, điều này đi ngược lại luật quốc tế, vì luật quốc tế không thừa nhận chủ quyền của Israel đối với những vùng đất mà họ chiếm trong Chiến tranh 1967.

Vì thế, bước đi của ông Trump mang tính biểu tượng nhiều hơn ý nghĩa pháp lý. Nhưng trước ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, sự thừa nhận của Washington cũng sẽ tạo ra ít nhiều tính chính danh cho chính sách chiếm đất gây tranh cãi của Israel.

Cách tiếp cận của ông Trump đối với những vấn đề gây tranh cãi trong xung đột Ả-rập – Israel sẽ tiếp tục làm suy giảm uy tín của Mỹ như một bên hòa giải trung thực. Điều đó cũng khiến hòa bình ở Trung Đông trở nên xa vời.

Theo theo The Conversation
MỚI - NÓNG