Theo AFP, các tay súng đi xe máy đã tấn công làng Bakali ở bang Kaduna hôm 11/2, xả súng và đốt nhà của người dân nhằm trả thù một cuộc đột kích trước đó vào nơi ẩn náu của chúng, được thực hiện bởi lực lượng tự vệ của làng. "Chúng giết 21 người trong vụ tấn công", người đứng đầu cộng đồng Bakali, ông Sani Nuhu, cho biết. Người dân cho biết những kẻ tấn công đã thiêu sống 16 thành viên trong cùng một gia đình, bao gồm 6 trẻ em, và thêm 5 người trong lực lượng tự vệ của làng sau khi chúng nhốt họ vào một căn nhà.
Ngày 13/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo Mỹ và nhóm phiến quân Taliban ở Afghanistan đã đàm phán về một đề xuất giảm bạo lực trong 7 ngày. Trả lời phỏng vấn tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Esper cho biết Washington đang tham vấn với các đồng minh về đề xuất này, sau khi Mỹ và Taliban đã có hàng loạt các cuộc họp hiệu quả về lộ trình tương lai.
Ngày 13/2, Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã đưa ra 16 cáo buộc nhằm vào tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc), trong đó có lừa đảo và âm mưu đánh cắp bí mật kinh doanh. Theo DoJ, Huawei và một số công ty con đã lợi dụng những thỏa thuận bí mật với một số công ty Mỹ để đánh cắp tài sản trí tuệ của những doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, Huawei cũng bị buộc tội lừa dối các điều tra viên liên bang, cản trở cuộc điều tra về những hoạt động của tập đoàn này.
Ngày 13/2, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết trong 2 tuần qua, gần 8.000 người Cameroon đã tràn sang Nigeria nhằm tránh những cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và các nhóm ly khai vũ trang ở trong nước. Những nhóm người mới nhất đã vượt biên vào bang Taraba và Cross Rivers ở Nigeria, nâng tổng số người tị nạn tại đây lên gần 60.000 người. Những người tị nạn cho biết họ đang chạy trốn bạo lực, trong đó có một số người còn đang mang vết thương do súng đạn. Đa số những người tị nạn tới từ các khu vực gần biên giới và họ đã phải băng qua thảo nguyên và rừng rậm để tới được Nigeria.
Ngày 14/2, các nguồn tin an ninh cho biết một vụ tấn công bằng rocket đã xảy ra tại căn cứ K1 ở tỉnh Kirkuk của Iraq, nơi có lực lượng Mỹ đồn trú. Hiện vẫn chưa rõ có thương vong trong vụ việc trên hay không. Đây là vụ tấn công đầu tiên nhằm vào căn cứ K1 kể từ sau vụ việc hồi cuối tháng 12/2019, khi một loạt rocket rơi trúng căn cứ khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng.
Theo hãng tin Anadolu, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai lực lượng đặc nhiệm tới tỉnh Idlib của Syria sau khi xảy ra đụng độ với quân đội chính quyền Damascus. Các xe tải chở lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đã đi tới Idlib qua thành phố Reyhenli gần biên giới với Syria. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng triển khai các pháo phản lực bắn loạt đến sát lãnh thổ Syria.
Ngày 13/2, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana tuyên bố, sẽ không có thêm bất cứ cuộc diễn tập quân sự chung nào giữa quốc gia Đông Nam Á này và Mỹ được tiến hành sau khi Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) chấm dứt vào tháng 8 năm nay. Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nêu rõ: “Một khi quyết định chấm dứt được thực hiện, chúng tôi sẽ ngừng các hoạt động diễn tập với họ (Mỹ)... Với thông báo chính thức chấm dứt VFA, các hoạt động diễn tập quân sự chung theo kế hoạch với Mỹ sẽ được tiến hành như dự định trong 180 ngày VFA còn hiệu lực.”
Theo số liệu thống kê được công bố trên SCMP, tính đến sáng ngày 14/2, trên toàn thế giới đã có 65.209 trường hợp nhiễm bệnh covid-19, 1.486 trường hợp tử vong và 5.954 trường hợp đã chưa khỏi. Tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, tâm chấn của vụ dịch covid-19, đã báo cáo thêm 4.823 trường hợp mắc bệnh vào sáng sớm thứ Sáu, nâng tổng số ca nhiễm bênh ở lục địa lên 64.627.
Nhật Bản vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì virus corona, Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato công bố hôm 13/2. Trường hợp này không liên quan tới du thuyền bị cách ly ở Yokohama. Theo Guardian, nạn nhân là một phụ nữ trong độ tuổi 80, sinh sống ở tỉnh Kanagawa gần Tokyo. Chưa rõ nạn nhân nhiễm virus corona (tên chính thức là Covid-19) từ đâu, nhưng ca tử vong này không liên quan đến tàu du lịch Diamond Princess đang bị cách ly ngoài cảng Yokohama.
Ngày 13/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson bắt đầu cải tổ Nội các với việc sa thải Bộ trưởng phụ trách vùng Bắc Ireland Julian Smith dù ông này có công lớn trong việc tái thiết lập chính phủ chia sẻ quyền lực tại vùng lãnh thổ này. Đây là lần cải tổ Nội các đầu tiên mà ông Johnson tiến hành sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12/2019 và sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU)- Brexit - hôm 31/1 vừa qua. Thay vì bắt đầu ngay khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2019, ông Johnson đã hoãn việc cải tổ Nội các để đảm bảo hoàn thành mục tiêu hoàn tất Brexit vào cuối tháng 1 vừa qua.