THẾ GIỚI 24H: 160 máy bay Israel đồng loạt dội tên lửa phá huỷ các đường hầm của Hamas

TPO - Khoảng 160 chiến đấu cơ của Israel đã đồng loạt tấn công vào mạng lưới đường hầm của nhóm Hamas, dội 450 tên lửa và khoảng 80 tấn chất nổ phá huỷ nhiều km hầm.
Binh sĩ Israel nạp tên lửa lên máy bay trước khi tấn công các mục tiêu Hamas ở Dải Gaza.

Theo báo cáo của Không quân Israel (IAF), khoảng 160 chiến đấu cơ của Israel đã đồng loạt tiến hành cuộc tấn công lớn vào mạng lưới đường hầm do nhóm khủng bố Hamas đào ở phía bắc Dải Gaza vào rạng sáng 14/5. IDF cho biết, vụ không kích là cuộc tấn công lớn nhất của Israel kể từ khi xung đột nổ ra đầu tuần qua. Trong chiến dịch không kích kéo dài gần 40 phút này, khoảng 450 tên lửa đã được thả xuống 150 mục tiêu ở phía bắc Gaza, đặc biệt là khu vực quanh thành phố Beit Beit Lahiya; tổng cộng 80 tấn chất nổ đã được sử dụng. Tuy nhiên, chiến dịch vẫn được cho là không thành công như mong đợi. Không có dấu hiệu cho thấy nhiều chiến binh Hamas đã bị tiêu diệt.

Ngày 15/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng đổ lỗi cho phong trào Hamas vì đã khơi mào cho chiến sự diễn ra trong suốt tuần qua với hành động phóng rocket vào Israel, đồng thời tuyên bố Israel sẽ tiếp tục tấn công vào Dải Gaza cho tới khi nào còn thấy cần thiết, tuy nhiên sẽ cố gắng hết sức để tránh gây thương vong cho dân thường. Trong một phát biểu trên truyền hình, ông Netanyahu nhấn mạnh: "Bên phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột này không phải là chúng tôi, mà là những kẻ đang tấn công chúng tôi... Chúng tôi vẫn đang trong chiến dịch (tấn công vào Dải Gaza), nó vẫn chưa kết thúc và hoạt động này sẽ tiếp tục nếu cần thiết."

Truyền thông Trung Đông đưa tin Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/5 đã có cuộc điện đàm, trong đó hai nhà lãnh đạo trao đổi về những diễn biến gần đây. Thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết ông Netanyahu đã cảm ơn nhà lãnh đạo Mỹ về sự ủng hộ đối với Tel Aviv, đồng thời nhấn mạnh Israel đang làm mọi cách để bảo vệ dân thường. Ngoài ra, Thủ tướng Netanyahu cũng giải thích việc Israel tấn công vào các tòa nhà cao tầng tại Dải Gaza là do đây là các địa điểm của phong trào Hamas và cũng đã thông báo để người dân sơ tán.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 11.000 ca tử vong, trong đó riêng Ấn Độ là trên 4.000 ca, đưa tổng ca tử vong ở nước này vượt 270.000 người. Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 16/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 163.148.673 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.382.491 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 614.066 và 11.466 ca tử vong mới.

Giới chức y tế Malaysia ngày 15/5 thông báo nước này có thêm 44 trường hợp tử vong do COVID-19 - số ca tử vong ghi nhận theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Số các ca mắc mới vẫn duy trì ở mức trên 4.000 trường hợp trong ngày thứ tư liên tiếp. Cụ thể, Malaysia có thêm 4.140 ca bệnh mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở nước này lên 466.000 trường hợp, trong khi tổng số ca tử vong hiện là 1.866 ca - cao thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines.

Quân đội Myanmar đã giao tranh với các tay súng nổi dậy ở thị trấn tây nam Mindat vào hôm 15/5 trong chiến dịch trấn áp các lực lượng phản đối chính quyền quân sự chiếm quyền kiểm soát đất nước từ tháng 2. Hãng tin nhà nước Myanmar cho biết, nhóm quân sự mà binh lính Myanmar đang chống lại có sự góp mặt của 100 người đã tấn công các đồn cảnh sát và 50 kẻ có hành động chống phá ngân hàng kinh tế quốc gia Myanmar. Hiện, số lượng thương vong từ các cuộc giao tranh này chưa được hé lộ.

Ngày 15/5, ông Bambang Sinungharjo - quan chức phụ trách tìm kiếm cứu nạn ở quận Boyolali thuộc tỉnh Trung Java, Indonesia cho biết 9 người được báo cáo mất tích sau khi một con thuyền chở 20 người bị lật ở đập Kedung Ombo. Theo quan chức trên, 11 người đã được giải cứu. Trong khi đó, các nguồn tin khác cho biết những hành khách đang chụp ảnh selfie thì con thuyền bị lật trên đập. Hiện một nhóm thợ lặn đang được điều tới hiện trường để tìm kiếm những người mất tích.

Ngày 15/5, Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) thông báo đã bắt đầu tiến hành công việc nạo vét để mở rộng đoạn phía Nam của kênh đào Suez nhằm cho phép lưu thông hai chiều trên tuyến đường thủy nhân tạo quốc tế này. Theo thông báo, hoạt động trên là một phần trong dự án phát triển lối vào phía Nam của Kênh đào Suez. Theo Chủ tịch của SAC, dự án được kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả hoạt động của kênh đào và giảm thời gian chờ đợi cho tàu thuyền, cùng với đó là nâng cao an toàn hàng hải ở khu vực phía nam của tuyến đường thủy này.

Hai trận lốc xoáy ở miền Trung và miền Đông Trung Quốc khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương. Theo Xinhua, chính quyền thành phố Vũ Hán cho biết trận lốc xoáy xảy ra vào khoảng 20h40 ngày 14/5, với vận tốc gió 86 km/h. Trận lốc gây thiệt hại cho một vài công trường xây dựng, xô đổ nhiều cây lớn ở quận Thái Điện thuộc thành phố Vũ Hán. Trước đó khoảng 90 phút, một trận lốc xoáy khác đã đổ bộ vào thị trấn Shengze, tỉnh Giang Tô khến cho 1 người thiệt mạng và 21 người khác bị thương sau trận lốc xoáy. Theo Xinhua, lốc xoáy đã làm sập một vài nhà máy, gây ảnh hưởng đến hệ thống điện lưới ở thị trấn Shengze.