Thầy giáo trẻ cho sinh viên 'ngủ tự do' trong giờ học
> Mẹ GS Ngô Bảo Châu nói về người thầy
> Giáo dục là dịch vụ phải tính đủ giá
Phân khúc lớp theo giới tính, nam ngồi bàn trên, nữ ngồi bên dưới, bốn bàn cuối để sinh viên nào đói, mệt hay muốn ngủ, thế nhưng giờ học của thầy Lê Huy Sĩ luôn rộn tiếng cười và không có em nào muốn ngồi cuối lớp.
Mở đầu câu chuyện, thầy giáo Lê Huy Sĩ cười tươi rói "mình là Sĩ yêu Việt Nam". Ông ngoại bảo rằng Việt Nam hình chữ S nên muốn đặt tên cho cháu bắt đầu bằng chữ cái này, và "i" trên bản đồ cạnh chữ S có thể hiểu là biểu tượng biển Đông của Việt Nam, gồm Hoàng Sa, Trường Sa.
Đỗ thủ khoa 30 điểm vào ĐH Ngoại thương năm 2005, Lê Huy Sĩ theo học chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại và bắt đầu nghĩ rằng mình sẽ là giảng viên vào năm học thứ ba. Thời ấy, Sĩ làm gia sư cho các em lớp 12. Thấy sinh viên tiếp thu tốt, đa số đỗ đại học với điểm cao và cũng muốn tiếp tục tích lũy kiến thức, Sĩ quyết định về trường làm giảng viên.
Tự nhận chịu ảnh hưởng của ba người thầy, và chính họ đã làm thay đổi cuộc đời mình, Sĩ kể, người đầu tiên khơi dậy tình yêu Toán học cho anh là thầy Việt (trường THPT Amsterdam). Thầy Nguyễn Vũ Lương (hiệu trưởng THPT chuyên Khoa học tự nhiên) truyền cho anh cảm thụ nghề và phong cách giảng dạy khơi dậy tư duy sáng tạo cho sinh viên. Còn thầy Ngô Văn Nghiêm không chỉ dạy tiếng Anh mà còn định hướng đường đi cho anh.
Chính thức đứng trên bục giảng chưa đầy một năm, thế nhưng thầy giáo trẻ đã tạo được nhiều dấu ấn với sinh viên. Lấy câu nói của William A.warrd "Người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng" làm mục tiêu phấn đấu, Sĩ luôn cố gắng đem đến cho sinh viên không chỉ kiến thức mà còn tình yêu đối với môn học.
Dạy marketing với thời lượng 15 buổi mỗi lớp, Sĩ cho biết thời gian này chỉ có thể cho sinh viên biết thực trạng và gợi cảm hứng để các em tự tìm tòi, học hỏi. Vai trò của người thầy là chuẩn bị đủ tài liệu, kiến thức để hỗ trợ sinh viên, truyền cảm hứng để các em đam mê với môn học.
Sĩ cải tiến phương pháp giảng dạy để thầy và trò có sự tương tác. Anh lập website riêng để quản lý sinh viên, đưa toàn bộ tài liệu giảng dạy, tài liệu tham khảo lên. Ngoài ra, website cũng là nơi sinh viên đăng ký thuyết trình nhóm, mỗi nhóm ba người.
"Lớp học rất đông, mỗi lớp tới hơn 50 nhóm thì làm việc không khả thi. Vì vậy tôi ra đề kiểm tra giữa kỳ cho cả lớp lấy điểm, còn những em nào muốn học thêm, đam mê môn học thì đăng ký thuyết trình. Thầy hướng dẫn cách làm, lên lớp thực hiện để các bạn nhìn thấy, rút ra bài học", Sĩ nói.
Tại các buổi học, thầy giáo trẻ cũng tổ chức phân khúc: nam ngồi trên, nữ ngồi bên dưới, bốn bàn cuối để trống dành cho sinh viên nào đói, mệt hay muốn ngủ. Sĩ phân tích, thầy không thể nói thao thao bất tuyệt khi có người nghe, có người ngủ, có người làm việc riêng. Người nói phải có người nghe, nếu sinh viên ngồi lẫn lộn, mỗi người một việc thì rất khó đáp ứng.
Rất nhiều người băn khoăn tại sao cho nữ ngồi dưới vì nữ thường nhỏ hơn nam. Tuy nhiên, Sĩ lại không dạy bằng phương pháp viết lên bảng hay dùng slide mà giảng bằng giọng nói. Hơn nữa nữ lành tính hơn nam, nam có xu hướng ồn, hay chơi game, bàn tán các bạn nữ, khi ngồi lên trên sẽ không dám ngọ nguậy.
Đây cũng là minh họa dễ hiểu nhất cho bài giảng vấn đề phân khúc thị trường, lựa chọn thị trường mục tiêu vốn phức tạp và khó hiểu. Sĩ giảng bài và phân khúc thị trường theo giới tính ngay trên lớp, phục vụ nam giới, nữ giới, phân chia thị trường theo lợi ích tìm kiếm, phục vụ người muốn nghe giảng.
"Khi phân khúc như thế này lớp rất yên tĩnh, số sinh viên muốn ngủ buổi đầu có nhưng sau thì không còn. Kiến thức cho môn học mình đã chuẩn bị sẵn bằng slide phát miễn phí cho sinh viên, các em có thể đọc trước và lên lớp chỉ cần lắng nghe thầy giảng", Sĩ nói và cho hay, mỗi kỳ anh dành 7 ngày liên tục để làm giáo án hỗ trợ cho sinh viên học tập.
Thầy Sĩ còn có cách điểm danh "không giống ai". Sinh viên đăng ký thông tin trên website, mỗi em được cấp một mã số và sau buổi học đầu tiên phải nhớ được mã số của mình. Bằng cách này, Sĩ điểm danh rất nhanh, chỉ mất 1/3 thời gian bình thường. Khi phát biểu, sinh viên cũng chỉ cần nói "Thưa thầy em số 14 xin phát biểu", nếu hay sẽ được cộng điểm ngay trên mạng.
Để hoàn thiện cách dạy đáp ứng nhu cầu sinh viên, cứ sáu tháng Sĩ lại xin ý kiến của sinh viên và thực hiện năm cải tiến. Anh làm khảo sát online từ những cái nhỏ nhất, hoặc lấy ý kiến học trò gửi vào email, dựa trên số đông để làm. Theo Sĩ, muốn yêu nghề giáo thì đừng để nó thành lối mòn mà phải luôn làm mới mẻ, để cứ 6 tháng lại thấy đam mê, cháy bỏng, háo hức truyền thụ kiến thức mới cho sinh viên.
Sĩ nhớ, kỳ đầu tiên trực tiếp lên lớp giảng dạy, một sinh viên đã lẳng lặng ghi âm lại 15 buổi giảng của mình thành các file, buổi học cuối in ra đĩa tặng lại thầy. Nghe lại toàn bộ nội dung, Sĩ hài lòng với sự tâm huyết của bản thân, còn chuyên môn và thực tế cần bổ sung nhiều.
Ngoài giảng dạy ở trường, Sĩ còn giúp đỡ các công ty, doanh nghiệp về marketing. Từ những mối quan hệ đó, anh giới thiệu sinh viên đến thực tập và mời diễn giả về giảng bài cho các em. Trước kỳ thi 2 ngày, thầy giáo trẻ sẽ dành một ngày trực facebook để trả lời những băn khoăn, thắc mắc của học trò. Việc lọc những tài liệu bổ ích cho sinh viên đọc thêm cũng được anh cập nhật thường xuyên.
Để làm đề thi nhanh chóng, Sĩ tận dụng tối đa công nghệ thông tin. Một lần làm đề mất nửa ngày, Sĩ tự nhủ không thể để mất thời gian như thế. Anh lên mạng tìm kiếm và thấy phần mềm trộn đề miễn phí của công ty Anh Quân. Sĩ đã áp dụng và chỉ mất 10 phút để trộn đề, làm xong cho vài lớp.
"Mục tiêu nghề nghiệp của mình là hai năm nữa phấn đấu đạt được mong muốn học xong một buổi của thầy Sĩ là cả tuần đó sinh viên mong đến tuần sau để được nghe thầy giảng", Sĩ chia sẻ và cho hay, hiện các em vẫn chưa có được xúc cảm đó nhưng anh tin rằng hai năm sau sẽ thành công.
Với Sĩ, làm marketing trước hết phải định vị rõ ràng bản thân. Anh tìm tất cả đặc tính, thuộc tính và sản phẩm của mình, cuối cùng thấy "đẹp trai" là thuộc tính mà mình khác biệt lớn nhất trên thị trường, anh định vị mình là "thầy Sĩ đẹp trai".
"Định vị thành công hay không, không quan trọng là mình phải đẹp trai thật mà quan trọng là sinh viên dần dần nhận thức được rằng thầy Sĩ đẹp trai. Một lần nói thầy Sĩ đẹp trai sinh viên không tin nhưng 10 lần nói sinh viên sẽ tin, một bạn nói mọi người không tin nhưng 100 người bảo thì sẽ tin. Hiện tại có khoảng 1.000 sinh viên nói thầy Sĩ đẹp trai rồi, nghĩa là mình đã làm marketing thành công", Sĩ cười nói.
Nói đến thầy Sĩ marketing, Nguyễn Hữu Hà, lớp Anh 7 Quản trị Kinh doanh K50 cho biết, thầy rất hài hước, vui tính. Trong các giờ giảng, thầy hay kể các câu chuyện thị trường gắn liền với bài học, phương pháp dạy rất hiện đại, quản lý sinh viên hiệu quả nhờ công nghệ thông tin. Mỗi lần dạy trên lớp, thầy Sĩ vừa dạy kiến thức vừa ôn thi thông qua các câu hỏi, vừa chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích sinh viên học tập.
"Thầy Sĩ nói rằng trong khoa có thầy Chiến cao ráo, phong cách, lịch lãm, nên thầy phải định vị theo kiểu khác. Thầy là thầy Sĩ đẹp trai và chúng em tin điều đó", Hà hóm hỉnh nói.
Theo Hoàng Thùy
VnExpress