Chiều 18/7, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo của Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam khóa VIII trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Triển khai 2 dự án trọng tâm
Anh Nguyễn Xuân Hiếu - Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết, dự thảo Báo cáo Đại hội Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX đã trải qua 9 lần xin ý kiến. Các ý kiến tại các hội nghị đã được nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu những ý kiến hợp lý, xác đáng hoàn thiện thành dự thảo báo cáo lần 10.
Dự thảo báo cáo lần thứ 10 dự kiến tên gọi: Xây dựng Hội vững mạnh; mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên; phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Khẩu hiệu hành động dự kiến hai phương án là Thanh niên Việt Nam: Khát vọng cống hiến – Đoàn kết hành động – Kiến tạo tương lai – Dựng xây đất nước và Thanh niên Việt Nam: Yêu nước – Đoàn kết – Khát vọng – Sáng tạo – Phát triển. Nhiệm kỳ tới, Hội dự kiến triển khai 1 phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” và 1 chương trình “Xây dựng Hội vững mạnh”.
Người trẻ chịu áp lực học tập và kỳ vọng
Tại Hội nghị, các đại biểu là thanh niên tiêu biểu trong các lĩnh vực, nghệ sĩ trẻ, phóng viên đã có nhiều trao đổi, chia sẻ, góp ý cho xây dựng dự thảo Báo cáo.
Anh Chu Đức Hà (Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội) - Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2022, quan tâm vấn đề áp lực học tập và kỳ vọng xã hội với người trẻ.
“Các sự việc đáng tiếc gần đây, như các vụ tự tử, trầm cảm và lo âu gia tăng, minh chứng cho tác động tiêu cực của áp lực này. Những trường hợp học sinh không chịu nổi sức ép từ kỳ vọng đã chọn cách giải thoát bi thảm”, anh Hà bày tỏ.
Anh Hà cho rằng, học sinh, sinh viên thường đối diện với lượng bài vở nặng nề, các kỳ thi liên tiếp và yêu cầu đạt điểm số cao để vào các trường đại học danh tiếng hoặc có cơ hội nghề nghiệp tốt; sự kỳ vọng lớn về thành công học thuật; sự cạnh tranh gay gắt và nỗi lo sợ thất bại…
Theo anh Hà, thời gian tới, Hội cần quan tâm có các chương trình, hoạt động chăm lo đồng hành, nâng cao sức khỏe tinh thần cho thanh niên, trang bị kiến thức và kỹ năng sống để thanh niên phát triển toàn diện.
Anh Hà cũng cho rằng, trong bối cảnh tự chủ đại học, học phí tăng cao, gây áp lực tài chính nặng nề cho sinh viên. Để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt, nhiều sinh viên phải tìm công việc thời vụ, lái xe công nghệ, dẫn đến tình trạng bẫy thu nhập thấp.
Những công việc này thường không yêu cầu kỹ năng cao và không cung cấp cơ hội thăng tiến, khiến sinh viên khó tích lũy được kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn cần thiết cho tương lai.
Kết nối, hội nhập tăng cơ hội cho thanh niên
Góp ý tại hội nghị, bạn Đặng Cát Tiên (Khánh Hoà) - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023 cho rằng, dự thảo báo cáo hiện dung lượng còn dài, một số nội dung rất chi tiết sẽ khiến người đọc, nhất là các bạn trẻ “quá tải” và khó tiếp cận. Hội có thể sử dụng biểu đồ, bảng biểu, đồ hoạ thông tin để thông tin được truyền đạt sinh động, dễ tiếp cận hơn.
Cát Tiên cũng đề xuất, Hội phối hợp với các tổ chức tình nguyện quốc tế, tạo môi trường kết nối cho các tình nguyện viên Việt Nam và tình nguyện viên quốc tế cùng thực hiện các chương trình, dự án. Chương trình “mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn”, bên cạnh mô hình góc thư viện, Hội cần kết hợp mô hình sách nói với việc quét mã QR, kết hợp link sách sẽ dễ tiếp cận hơn.
Còn chị Hoàng Minh Hằng – Phó Bí thư Huyện Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Thanh Trì (Hà Nội) đề xuất, nhiệm kỳ tới, Hội cần đa dạng phương thức tuyên truyền, thích ứng với thời bùng nổ thông tin, có các kênh thông tin riêng, đồng thời dùng các kênh của các ca sĩ, diễn viên, y bác sỹ nổi tiếng để lan toả cái đẹp tới đông đảo thanh niên.
Bên cạnh đó, Hội cần xây dựng thêm các chương trình mang đậm bản sắc của Hội, như hội nhập nâng cao ngoại ngữ riêng cho thanh niên - “Tranh biện Thanh niên”, có sự kết nối với thanh niên quốc tế cũng như thanh niên Việt Nam ở nước ngoài.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh – Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội, cho rằng báo cáo đã xây dựng bài bản, chuyên nghiệp. Nhiệm kỳ tới có bước tiến khi đặt ra mục tiêu rõ ràng về kết nối các nhà đầu tư cho dự án khởi nghiệp của thanh niên.
Để thực hiện được những chỉ tiêu này, Hội cần đề ra thêm những giải pháp cụ thể như: kết nối các nhà đầu tư mạo hiểm; tăng cường năng lực ngoại ngữ, hội nhập đối với các bạn trẻ có dự án khởi nghiệp…
“Trong việc thu hút vốn đầu tư, các bạn có dự án khởi nghiệp còn thiếu một số kỹ năng như tiếng Anh, kỹ năng hội nhập… Hội có thể gắn kết giúp tăng cường năng lực ngoại ngữ, hội nhập để giúp các bạn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể kêu gọi nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài”, chị Ngọc Anh nói.
Phát biểu kết luận Hội nghị, anh Nguyễn Kim Quy - Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu.
Anh Quy cho biết, Hội tiếp tục xây dựng, bổ sung nội dung vào dự thảo báo cáo lần 10 và thực hiện các bước xin ý kiến tiếp theo để hoàn thiện báo cáo, trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra vào tháng 12 tới.