Chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số
Chị Dương Minh Nguyệt - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm, bản sắc văn hóa dân tộc đã trở thành sức mạnh trường tồn, tạo nên bản lĩnh kiên cường, tinh thần tự tôn của con người Việt Nam.
Thanh niên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời dung hòa với những giá trị văn hóa mới trong thời đại số. “Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh lịch sử, là trách nhiệm của mỗi thanh niên Việt Nam”, chị nguyệt nói.
Chị Lê Thị Vân Anh - Phó Bí thư phụ trách Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho rằng, bảo tồn di sản là một công việc quan trọng vì các di sản chính là biểu tượng văn hóa, góp phần quảng bá truyền thống dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Công tác bảo tồn nếu đi đúng hướng vừa cải thiện chất lượng ngành du lịch, vừa tạo nên các đô thị hiện đại, thông minh.
Để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, chị Vân Anh đề xuất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống cho thanh niên. Đồng thời, lan tỏa mạnh mẽ phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” với các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình, sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhu cầu chính đáng của thanh niên. Kiên quyết đấu tranh chống sự xâm nhập và ảnh hưởng của các hiện tượng phản văn hóa, sự chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng.
Còn theo chị Hà Thị Minh Châu - Bí thư Quận Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN quận Lê Chân, TP Hải Phòng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, thanh niên phải tiên phong giữ gìn, bảo vệ và chấn hưng văn hóa dân tộc.
“Mỗi thanh niên là một “sứ giả” văn hóa trong hành trình chấn hưng văn hoá ở kỷ nguyên số hiện nay. Những “sứ giả” ấy đang ngày ngày lấy cái đẹp dẹp cái xấu, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, chị Châu nói.
Chị Châu đề nghị, mỗi bạn trẻ cần không ngừng tìm hiểu, học hỏi, quảng bá văn hoá truyền thống; ứng xử văn hóa trên môi trường số để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt
Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng, ngôn ngữ và chữ viết là hai đặc trưng tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Chúng ta tự hào là người Việt Nam với những nét đặc trưng văn hóa riêng có, những giá trị truyền thống cha ông để lại, không thể hòa lẫn vào hơn 8 tỉ dân trên toàn thế giới.
Nhà báo Phùng Công Sưởng mong muốn, mỗi bạn trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa trong gia đình, ở cơ quan, ngoài xã hội từ những việc nhỏ nhất, như ứng xử “kính trên nhường dưới”; giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
“Với những bạn trẻ giàu tâm huyết, tri thức, khao khát đổi mới, khát khao góp phần xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, tôi tin chắc rằng, bên cạnh phát triển kinh tế, bản sắc luôn luôn được giữ gìn, duy trì, bồi đắp”, nhà báo Phùng Công Sưởng nói.
Nhấn mạnh, việc xây dựng đời sống văn hóa cho thanh niên không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để phát triển đất nước bền vững, anh Nguyễn Kiều Tuấn Việt - Hội viên Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tỉnh Phú Thọ đề xuất, xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa.
Theo anh Việt, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến phát triển văn hóa; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành để cùng nhau triển khai các chương trình, dự án về phát triển văn hóa cho thanh niên. Đồng thời, việc giáo dục văn hóa vào các chương trình giảng dạy ở trường học cũng cần được tăng cường.