Thanh Hóa: Nhiều kết quả đạt được từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) tỉnh, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, 

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2021 của Thanh Hóa tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.

Phát triển sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân

Mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19, song các địa phương đã tăng cường, đẩy mạnh việc thực hiện phát triển sản xuất, với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,58%; sản lượng lương thực đạt 1,611 triệu tấn; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt 7.732 ha, chuyển đổi 2.174 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,5%. Đặc biệt, trong năm đã thu hút được thêm 2 doanh nghiệp lớn thu mua chế biến lúa gạo, 9 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả nâng tổng số doanh nghiệp thu mua chế biến gạo trên địa bàn toàn tỉnh là 7 doanh nghiệp với tổng công suất 180.000 tấn; 25 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại tập trung; toàn tỉnh hiện có 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp được đẩy mạnh; toàn tỉnh, hiện có 989 doanh nghiệp; có 739 HTX nông nghiệp, trong đó, có 62 HTX thành lập mới, bình quân 98 thành viên/HTX; có 762 trang trại (tăng 39 trang trại so với năm 2020), bình quân một trang trại sử dụng 4,29 ha; có 1.142 tổ hợp tác trong nông nghiệp. Có 47 làng nghề truyền thống, 23 nghề truyền thống và 20 làng nghề.

Trong năm 2021, đã rà soát, tổng hợp được 120 sản phẩm có lợi thế và đưa vào thực hiện theo chu trình OCOP; đã tổ chức đánh giá 111 sản phẩm OCOP, trong đó, hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận 89 sản phẩm OCOP (Thực phẩm: 58; đồ uống: 04; Thủ công mỹ nghệ: 17; Thảo dược: 10), cho 69 chủ thể OCOP (22 doanh nghiệp, 27 HTX, 02 tổ hợp tác, 18 hộ sản xuất, kinh doanh), trên địa bàn 61 xã, phường, thị trấn thuộc 24 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp ổn định, phát triển thị trường lao động và hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trờ về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong cách ly. Ước tính năm 2021, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 67.190 lao động, trong đó: có 6.030 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm dự kiến đạt 94% .

Kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 40,068 triệu đồng.

Phát triển kinh tế-xã hội

Năm 2021, mặc dù Trung ương và tỉnh không phân bổ vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình, nhưng Thanh Hóa tiếp tục cân đối nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương từ nguồn thu đấu giá cấp quyền sử dụng đất và các nguồn vận động khác.

Theo đó, đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo được 2.104 km đường giao thông nông thôn, 972 km rãnh thoát nước; 127 công trình thủy lợi, 318 km kênh mương; 1.572 phòng học các cấp; 784 đường dây hạ thế, 232 trạm biến áp; 43 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 391 nhà văn hóa thôn; 43 chợ nông thôn; 55 trạm y tế xã; 32 công trình công sở xã; 41 công trình cấp nước sinh hoạt; 16 công trình bãi chứa rác thải tập trung và xử lý ô nhiễm môi trường; 101 nghĩa trang theo quy hoạch; xây dựng mới và chỉnh trang trên 26 nghìn nhà ở dân cư.

Năm 2021, toàn tỉnh có 87,5% số xã đạt tiêu chí Giao thông; 95,9% số xã đạt tiêu chí Thủy lợi; 97% số xã đạt tiêu chí Điện; 84,3% số xã đạt tiêu chí Trường học; 86% số xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa; 92% số xã đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Công tác giáo dục được các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm, chú trọng, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Đồng thời, đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nâng cấp, mua sắm trang thiết bị dạy học đạt chuẩn Quốc gia. Theo đó, toàn tỉnh Thanh Hóa có tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia: đạt 76,94% (524/681); trường mầm non đạt chuẩn; 87,04% (524/602) trường tiểu học đạt chuẩn (tăng 41 trường); 76,89% (479/623) trường trung học cơ sở đạt chuẩn (tăng 29 trường). 100% các xã duy trì phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, trung học cơ sở mức độ 2; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt trên 98,7%. Có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đầu năm đến nay, đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho 76.613 người, ước thực hiện năm 2021, hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề là 84.300 người; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 71% vào cuối năm 2021. Toàn tỉnh có 452 xã đạt chuẩn tiêu chí Giáo dục và Đào tạo, đạt 97,2%. Công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng, tăng cường. Toàn tỉnh có 447 xã đạt chuẩn tiêu chí Y tế, đạt 96,1%. Ngoài ra tỉnh đã triển khai, nghiêm túc kịp thời các chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và các chính sách an sinh xã hội...

Tổng huy động nguồn lực trong chương trình xây dựng NTM năm 2021 đạt 5.879,019 tỷ đồng.

Với kết quả trên, năm 2021, toàn tỉnh có thêm 3 đơn vị cấp huyện, 24 xã, 138 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã, 82 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có thêm 89 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm 4 sao được trung ương nâng hạng 5 sao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng NTM; có 341/465 xã, 809 thôn bản miền núi đạt chuẩn NTM; trong đó, có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã, 145 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt chuẩn NTM 17,7 tiêu chí/xã. Tiêu chí xã NTM nâng cao bình quân toàn tỉnh đạt 9,59 tiêu chí/15 tiêu chí xã NTM nâng cao; tiêu chí xã NTM kiểu mẫu bình quân toàn tỉnh đạt 6,7 chỉ tiêu/14 chỉ tiêu xã NTM kiểu mẫu. Tiêu chí huyện NTM bình quân toàn tỉnh đạt 6,39 tiêu chí/9 tiêu chí huyện NTM. Có 158 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.

Trong giai đoạn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ngày càng nâng cao về chất, gồm cả về quy mô cấp độ và mức độ. Đây cũng là xu thế tất yếu của sự phát triển mà Trung ương đã định hướng để triển khai thực hiện. Với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa có 17 huyện, thị xã, thành phố 88% số xã, 65% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 huyện và 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10% số xã và 10% số thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã. Bình quân mỗi xã có 01 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh (từ 3-4 sao); toàn tỉnh có 05 sản phẩm được Trung ương công nhận là sản phẩm OCOP quốc gia (5 sao trở lên)… Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng những giải pháp cụ thể, nỗ lực để hoàn thành và phấn đấu vượt các mục tiêu đã đề ra.