Đó là một luận thuyết đáng chú ý vừa phát lộ. Và dưới đây là văn bản truyện Thánh Gióng đầy đủ nhất do một nhóm các nhà nghiên cứu xây dựng.
Người anh hùng làng Gióng
Tục truyền đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng Mốt có một bà lão chăm chỉ làm ăn và có tiếng phúc đức, nhưng tuổi đã cao mà vẫn cô đơn. Một đêm Ông Đổng- thần mưa về hái cà ở làng, khiến trời mưa to gió lớn. Khi đi ông để lại một vết chân to kì lạ ở ruộng cà của bà lão.
Sáng hôm sau bà ra ruộng vô tình giẫm phải vết chân ấy, tự nhiên thấy tâm thần rung động, về nhà thì thụ thai. Bà xấu hổ vì đã già rồi còn mang tiếng hoang thai, sợ dân làng dị nghị bèn bỏ lên rừng Trại Nòn ở. Sau 12 tháng bà sinh ra một bé trai, đặt tên là Gióng.
Trời bỗng cho nhiều cua ốc để bà ăn lấy sữa nuôi con, cho bà liềm đá, thống đá, chõng đá để bà cắt rốn, tắm rửa và đặt con nằm. Chú bé rất bụ bẫm, khôi ngô nhưng ba năm cứ nằm trơ trơ chẳng biết nói năng gì khiến bà mẹ rất buồn phiền.
Bấy giờ có giặc Ân xâm phạm bờ cõi nước ta. Vua lo lắng, bèn sai sứ giả đi khắp nơi cầu người tài giỏi cứu nước. Nghe tiếng sứ giả rao, Gióng bỗng nhiên cất tiếng nói "Mẹ ra mời sứ giả vào đây".
Khi gặp sứ giả, chú bé bảo: "Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái gậy sắt, một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này". Sứ giả vừa kinh ngạc vừa vui mừng vội về tâu vua. Nhà vua liền xuống lệnh cho dân hai làng, làng Na và làng Mòi thuộc bộ Vũ Ninh (nay là Quế Võ, Bắc Ninh) rèn vũ khí theo như lời Gióng.
Lạ lùng hơn, ngay sau khi gặp sứ giả, Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa may xong đã chật. Bà mẹ nghèo không thể nuôi nổi Gióng vì mỗi bữa Gióng ăn "bảy nong cơm, ba nong cà, uống một hơi nước cạn đà khúc sông".
Dân làng kìn kìn gánh gạo gánh cà đến phụ với bà mẹ nuôi Gióng. Các cô gái ra sông gánh nước về nấu cơm, muối cà cho Gióng ăn; còn các bà mẹ suốt ngày ngồi bên khung cửi dệt vải may áo cho Gióng.
Khắp làng tiếng nói cười tíu tít, tiếng thoi dệt lách cách, lách cách. Hai làng được vua giao rèn vũ khí cho Gióng cũng xẻ núi lấy sắt, nổi lửa suốt ngày đêm, tiếng búa gõ vào đe vang động cả rừng núi Vũ Ninh, còn cứt sắt thì văng tứ tung khắp làng.
Ngựa sắt rèn xong lần đầu mang đến, Gióng mới vỗ nhẹ đã bẹp dí. Mọi người lại mang về, lấy thêm nhiều sắt, rèn một con ngựa khác to lớn hơn, có đủ cả ruột gan tim phổi. Xong rồi, họ hè nhau đánh cho ngựa chạy thử, vết chân ngựa tạo thành 99 hồ ao san sát quanh làng.
Khi vũ khí được mang đến, Gióng vươn vai thành một tráng sĩ to lớn khác thường, mặc giáp sắt, cầm gậy sắt, oai phong lẫm liệt. Áo may to rộng là thế mà không đủ che kín mình, bọn trẻ chăn trâu trong vùng vội chạy đi bẻ bông lau bồn sậy giắt thêm quanh người Gióng. Gióng nhảy lên mình ngựa, hô to "Có ai đi giết giặc với tôi không?".
Ngựa hí vang mấy tiếng, phun ra lửa, đưa tráng sĩ xông thẳng đến núi Trâu Sơn, vùng Vũ Ninh, nơi có bọn giặc đóng quân. Những người nông dân đang đập đất dưới ruộng nghe tiếng Gióng gọi liền xách vồ theo chân Gióng ra trận.
Những người đi câu mang cả cần câu chạy theo Gióng. Một bọn trẻ chăn trâu nghe tiếng Gióng gọi và thấy đoàn quân của Gióng ào ào ra trận liền cột trâu lại rồi nhập vào đội quân Gióng. Những người thợ săn cũng cầm tên nỏ chạy theo Gióng.
Đến cả hổ báo nghe tiếng gọi của Gióng cũng quay đầu ào ào theo Gióng đi đánh giặc. Đội quân của Gióng ngày càng đông đảo và khí thế vô cùng hăng hái. Bọn giặc bị đánh tơi bời, tướng giặc bị giết chết, ngựa của hắn bị một gậy của Gióng đứt lìa đầu khỏi cổ, cái đầu văng đến tận chân dãy núi Phả Lại, nay ở đó còn một hòn núi độc gọi là hòn đầu ngựa.
Gậy sắt gẫy, Gióng liền nhổ một bụi tre bên đường quật vào quân giặc khiến chúng chết như rạ. Những tên còn lại giẫm đạp lên nhau chạy tháo thân. Nơi bụi tre bị nhổ tạo thành một đầm rộng bằng bảy gian nhà lớn nên nay đầm vẫn được gọi là đầm Thất Gian.
Bụi tre quật vào quân giặc bị tung ra thành nhiều nhánh, văng khắp ruộng đồng vùng Vũ Ninh, nên ngày nay ta còn thấy trên những cánh đồng Quế Võ, Gia Lương, Thuận Thành thỉnh thoảng còn có những bụi tre nho nhỏ mọc lúp xúp bên bờ ruộng, đó là những nhánh tre bị văng ra từ bụi tre khổng lồ kia.
Ngựa Gióng đi đến đâu, vết chân để lại thành hồ ao san sát đến đó, ngựa phun lửa dữ dội làm cháy cả một làng nên làng đó giờ vẫn mang tên Làng Cháy. Những bụi tre bên đường bị lửa táp vàng tạo thành giống tre ngà nay còn nổi tiếng khắp vùng trung châu Bắc Bộ.
Giặc đã dẹp yên. Những người dân theo Gióng đánh giặc từ biệt chàng trở về quê hương. Bọn trẻ chăn trâu cũng trở về cởi dây buộc trâu mà chăn dắt chúng. Tráng sĩ thanh thản trở về. C
hàng ghé thăm làng Mòi (tên chữ là Mai Cương), nơi dân làng đã rèn ngựa sắt cho mình. Khát nước, chàng quỳ gối, rướn mình uống nước ở giếng làng Bưởi Nồi (Gia Lương, Bắc Ninh). Chàng vừa ăn trầu nên nước quết trầu còn làm giếng làng có màu đỏ đến tận bây giờ.
Uống nước xong, chàng phi ngựa đến bến Bồ Đề, dừng lại nghỉ chân bên bờ sông Hồng. Dấu chân ngựa Gióng còn in trên một phiến đá lớn tại thôn Phú Viên (Gia Lâm).
Từ nơi đó, chàng phóng ngựa qua sông Hồng, lại ngồi nghỉ bên Hồ Tây nghe gió hồ mát rượi. Rồi chàng ngả nắm cơm khổng lồ bà mẹ và dân làng gói cho ra ăn, xong đánh một giấc ngon lành. Tỉnh dậy, chàng một mình một ngựa ra đi, bỏ quên lại nửa thanh gậy sắt.
Dân làng bên hồ hè nhau khiêng nửa thanh gậy ấy về, lập đền thờ. Nay đền vẫn còn ở đầu làng Xuân La, bên bờ Hồ Tây. Tráng sĩ qua vùng Đông Anh, lại qua Phủ Lỗ rồi phi ngựa lên núi Sóc. Hai bên đường Gióng đi qua, đất nước đã thanh bình, đồng ruộng xanh tươi, dân cư yên ổn làm ăn, vết chân ngựa của chàng để lại ao chuôm san sát.
Trước khi lên núi, chàng còn ngồi nghỉ với bọn trẻ chăn trâu ở Kẻ Khốn. Bọn trẻ lấy nón vục nước dưới khe mát rượi mời Gióng uống. Chàng hỏi tên làng, biết tên là Kẻ Khốn, chàng bảo: "Làng mát và đẹp thế này, sao lại tên là Khốn, về nói với các cụ trong làng đổi tên là Kẻ Mát nhé". Từ đó làng có tên là Kẻ Mát.
Từ Kẻ Mát, Gióng phi ngựa lên núi Sóc. Chàng ghìm cương ngựa, cởi áo giáp vắt lên cây trầm già (cây đó nay vẫn còn trên đỉnh núi, người dân gọi là "Cây cởi áo"), chàng quay mình nhìn lại quê hương rồi một người một ngựa bay thẳng lên trời, mất hút trong mây xanh như mãi mãi hóa thân vào non sông đất nước.
Dân lập đền thờ người anh hùng ngay dưới chân núi Sóc, quanh năm hương khói. Nhà vua nhớ công ơn phong Người là Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ ngay tại quê nhà.
Từ đó, mỗi khi trời hạn, dân thiếu nước làm ăn lại lên đền Phù Đổng hay đền Sóc cầu đảo thì đều ứng nghiệm. Đặc biệt, bọn trẻ chăn trâu mà cầu đảo thì trời bao giờ cũng cho mưa lớn.
Tại hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội đương đại (trường hợp hội Gióng) do UBND TP Hà Nội, Bộ VHTTDL và Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 20- 4 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà (Đại học Sư phạm Hà Nội I) cùng một số nhà nghiên cứu cho rằng, các mảnh truyền thuyết Gióng cho đến nay vẫn tồn tại ở các địa phương, chỉ một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian biết nhiều tình tiết phong phú về truyền thuyết Gióng, còn đa số người Việt Nam chỉ biết Thánh Gióng qua một mẩu truyện in trong sách giáo khoa lớp 6, chương trình THCS, dài 36 dòng. Đó quả thật là một thiệt thòi cho Gióng và thiệt thòi lớn cho nền văn học, văn hóa, lịch sử nước nhà.
Sau khi giải mã các mẩu truyền thuyết ở các địa phương, nhóm nghiên cứu của TS Bích Hà thử kể lại truyền thuyết Gióng một cách đầy đủ nhất.