Tháng 7 âm không phải nỗi sợ lớn nhất
Theo quan niệm của nhiều người tiêu dùng, thời điểm tháng 7 âm lịch hằng năm là lúc kiêng mua sắm, giao dịch những tài sản giá trị. Ô tô cũng thuộc nhóm bị kiêng trong thời gian này. Trước thời điểm này, các hãng xe kinh doanh trong nước đều đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá sản phẩm để kích cầu khách hàng. Trước đây, có những hãng đã giảm cả trăm triệu cho giá xe với mục tiêu, khách hàng sẽ “chốt đơn” ngay trong tháng.
Thực tế thì số liệu bán hàng trong tháng 7 âm lịch không quá ảm đạm. Theo thống kê doanh số bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), từ năm 2018 đến 2020, vào mỗi dịp tháng 7 âm hằng năm, doanh số toàn thị trường có giảm, có năm mức giảm lên tới gần 20%. Tuy nhiên mức doanh số trên 20.000 xe vẫn được duy trì.
Trong năm nay, nhiều hãng xe đã chủ động thực hiện các chương trình giảm giá từ tháng 5. Việc giảm giá này vừa để các nhà sản xuất có thể tăng lượng bán các xe cũ đang tồn kho, chuẩn bị cho mẫu xe mới được ra mắt. Đồng thời cũng tăng được doanh số bán hàng trong tháng.
Nhiều địa phương đang giãn cách xã hội
Trong tháng 8 năm nay, một vấn đề khác gây ảnh hưởng lớn đến năng lực bán hàng của các hãng xe là việc giãn cách xã hội tại các địa phương. Áp dụng chỉ thị 16 đồng nghĩa với nhiều showroom xe phải đóng cửa.
Nhiều nhân viên bán hàng (sale), hãng xe đã tiến hành bán hàng trực tuyến với ô tô. Các sale quay video, gửi hình ảnh, tài liệu qua Zalo cho khách hàng. Khách hàng ngồi nhà, kiểm tra hình ảnh, tài liệu giới thiệu. Nếu đồng ý mua, nhân viên sẽ nhận chuyển khoản và tìm cách gửi hợp đồng cọc xe cho khách.
Cách làm thì đơn giản là vậy nhưng để thuyết phục khách hàng đồng ý mua xe không phải là dễ. Bất tiện đến từ việc giao xe. Các địa phương đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 gần như không thể giao xe cho khách mua vì việc di chuyển ô tô là không thiết yếu.
Bên cạnh đó ở thành phố Hồ Chí Minh, kể từ cuối tháng 6, thành phố đã ngừng tiếp nhận đăng ký xe mới. Tổng lượng đăng ký xe mới trên cả nước có ngày chỉ đạt hơn 150 xe. Lúc này, các nhà sản xuất ô tô trong nước chưa công bố doanh số tháng 7 của mình. Do vậy khó mà kết luận do số lượng xe bán ra thấp, ảnh hưởng tới lượng xe đăng ký mới. Tuy nhiên số liệu về xe đăng ký mới và doanh số bán xe vẫn có những ảnh hưởng qua lại.
Xe nhập khẩu có thể gặp khó
Nhiều dòng xe phổ thông đang được đưa về thị trường trong nước từ các nước ASEAN. Thế nhưng chuỗi cung ứng xe này đang gặp vấn đề vì dịch bệnh. Theo Nikkei Asia, việc sản xuất xe ở các nước trong khu vực đã bị gián đoạn.
Tại Thái Lan, Toyota sau khi mở cửa lại các nhà máy của mình đã phải quyết định tiếp tục đóng cửa thêm một nhà máy do lệnh phong tỏa của chính quyền. Honda cũng đã phải dừng hoạt động một nhà máy trong vài ngày giữa tuần qua.
Tại Malaysia, một số ngành, trong đó có ô tô đã bị buộc cắt giảm số lượng nhân công làm việc đồng thời để đảm bảo giãn cách.
Còn tình hình ở Indonesia có vẻ căng thẳng hơn, các nhân viên của các hãng Nhật Bản được chính phủ yêu cầu chỉ làm việc tại nhà hoặc nếu có quốc tịch Nhật có thể trở về nước nếu họ muốn.
Thậm chí giãn cách xã hội tại Việt Nam cũng được tính là gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng do nhiều nhà máy tại Việt Nam đang sản xuất các linh kiện, chi tiết cho xe được lắp ráp ở các nước lân cận.
Chuỗi cung ứng ngừng hoạt động khiến cho hoạt động lắp ráp tại Thái Lan, Indonesia bị ảnh hưởng. Trong khi Thái Lan chiếm 50% lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam, Indonesia đứng thứ 2. Tuy nhiên có thể các hãng xe trong nước đã lường trước điều này.
Tháng 7, lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam tăng 11%, tuy nhiên giá trị kim ngạch giảm 0,9%. Một số chuyên gia cho rằng việc tăng về số lượng nhưng giảm về giá trị cho thấy những xe nhập khẩu về là các xe giá trị thấp. Nên đây có thể là do phản ứng của các hãng xe muốn tập trung vào phân khúc bình dân và muốn tranh thủ nhập xe trước khi dịch bệnh khiến năng suất lắp ráp ở các nước ASEAN bị ảnh hưởng.