Nối dài kho di sản
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh, nói đến Thâm Tâm là nói đến một nhà thơ nổi bật, trong đó Tống biệt hành là một tác phẩm độc bản, tách ra khỏi văn chương đương thời và cũng tách ra khỏi phong cách thơ của Thâm Tâm. Nhưng Thâm Tâm không chỉ có Tống biệt hành.
Một góc khác của ngòi bút Thâm Tâm vẫn hiện hữu trong đời sống văn chương, được nhắc nhớ tại lễ ra mắt các tác phẩm văn xuôi mới sưu tầm của cố nhà thơ Thâm Tâm, diễn ra sáng 10/5 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam.
Đây là nỗ lực lớn không chỉ của gia đình nhà thơ mà còn của các văn nghệ sĩ, nhằm đưa các tác phẩm văn học của Thâm Tâm đến với đông đảo bạn đọc. Dịp này, các tác phẩm văn xuôi mới được sưu tầm của nhà thơ Thâm Tâm ra mắt gồm: Truyện ngắn Thâm Tâm, 4 truyện cổ tích và tập truyện ngắn chọn lọc Tháng ba sấm đông (NXB Văn học), Thâm Tâm truyện vừa (NXB Quân đội Nhân dân), NXB Lao động ấn hành bộ ba tuyển truyện ngắn: Gió thu hoa cúc gầy rồi, hai tiểu thuyết Thuốc mê, Nỗi ân hận dài…
Ông Nguyễn Tuấn Khoa - con trai duy nhất của nhà thơ cho biết, từ năm 1999, nhà phê bình văn học Văn Giá đã sưu tầm được khá nhiều truyện và kịch của Thâm Tâm. Các tác phẩm lưu trữ trên microfilm, ông mang bản in từ Thư viện Thành Ủy TPHCM ra Hà Nội, tiếp cận với gia đình và tiến hành số hóa. Truyện ngắn Thâm Tâm gồm 38 truyện và kịch ngắn xuất bản vào năm 2000 là thành quả của nỗ lực sưu tầm, gìn giữ di sản văn chương.
Gia đình cất công tìm kiếm trong các kho tư liệu trong và ngoài nước để hoàn thiện thêm di sản của ông. Gia đình sưu tầm được 83 truyện ngắn và 29 kịch ngắn trên Tiểu thuyết thứ bảy (từ 1939 đến 1944), 27 truyện vừa đăng trên Truyền bá, cùng hai tiểu thuyết Thuốc mê và Nỗi ân hận dài. Những tác phẩm vừa ra mắt cũng cho hậu thế được biết đến một Thâm Tâm viết văn với góc nhìn hiện thực về số phận con người, xã hội đương thời.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định, Thâm Tâm góp phần không nhỏ dựng lên giá trị văn chương Việt Nam, tư cách, tư tưởng lớn của văn chương nước nhà. Hôm nay ra mắt sách của Thâm Tâm nhưng chúng ta không chỉ nói về tác phẩm của ông, mà nhìn lại giá trị văn chương để người cầm bút trẻ thấy cần có lương tri, trách nhiệm với xã hội. Mặc dù sống trong thời chiến tranh, loạn lạc, đói rét nhưng ông và các thế hệ nhà văn cùng thời với ông đã làm nên trang sử văn chương lộng lẫy và đầy thi vị”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói. Sức viết và lối viết đặc biệt của cây bút đoản mệnh để lại nhiều tác phẩm mang hơi thở thời đại, rất mạnh mẽ và ấn tượng.
Con trai cố nhà thơ cho biết, quá trình tìm kiếm và sưu tầm những tác phẩm của Thâm Tâm vẫn được duy trì.
Ngòi bút văn xuôi thế sự
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, chỉ tính riêng mảng thơ, ngòi bút Thâm Tâm bất tử. “Thơ ông đủ tạo nên sự nghiệp lớn, nhưng Thâm Tâm không chỉ có thơ mà còn có văn xuôi. Tôi từng đọc cuốn Thuốc mê và cho đây là cuốn mang hơi thở văn chương hiện đại, thể hiện xu hướng mà văn chương thế giới đang đi theo. Bầu không khí những năm 40 hòa trong lối viết ngắn gọn”, Trần Đăng Khoa nêu.
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định, cái hay mà Thâm Tâm đưa vào truyện ngắn thể hiện ở cả dung lượng tác phẩm và lối kể chuyện. “Nhiều truyện ngắn, truyện vừa có dung lượng một tiểu thuyết, nhưng Thâm Tâm thu gọn lại cho một người kể chuyện. Đây là cách tự sự gián tiếp. Mỗi tác phẩm của Thâm Tâm đều thể hiện bản lĩnh vươn tới, tính tư tưởng, lý tưởng”, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ.
Một người mà truyện ngắn có mặt tương đối đều đặn trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy từ 1941 đến 1944, chắc hẳn phải chiếm được cảm tình của độc giả đương thời, thuyết phục được ông chủ báo về chất lượng sáng tạo của mình. Đồng hành với gia đình Thâm Tâm trong việc sưu tầm tác phẩm của cố nhà thơ, PGS.TS Ngô Văn Giá nói rằng, mỗi truyện của Thâm Tâm đều có một thứ keo dính nào đó bắt được vào tâm hồn của bạn đọc. Các nhân vật trong truyện ngắn của ông được quan tâm mô tả chủ yếu ở phương diện tinh thần, những suy tư day dứt, những cảm xúc và tâm trạng khá tinh tế”, nhà văn Ngô Văn Giá cho hay.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xót xa khi nhìn vào di sản của Thâm Tâm, thế hệ văn sĩ ngày nay tự đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta sống trong thời đại đủ đầy nhưng văn học Việt Nam vẫn lúng túng. “Những người trẻ có thể đọc nhiều gấp 10 lần những tác phẩm mà Thâm Tâm được đọc. Mọi tác phẩm kinh điển nhất, hay nhất của thời đại, chúng ta đều có cơ hội tiếp cận. Vậy mà ta vẫn đợi chờ một nhà văn, nhà thơ như Thâm Tâm xuất hiện”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Ông cho rằng, Thâm Tâm và những nhà văn thế hệ trước dấn thân trọn vẹn cho văn chương, yêu con người đến tận cùng, đặt sứ mệnh của họ đến tận cùng. Ngày nay, phải chăng con người sống khác đi, ích kỷ hơn, ngạo mạn hơn nên văn chương đang bị siết chết.
Độc giả có thể xếp ông vào khuynh hướng văn xuôi hiện thực, tuy rằng cách viết mang hơi hướng phong cách lãng mạn. Thâm Tâm thường đặt nhân vật vào trong một tình huống tâm lý gắn liền với một chi tiết sinh hoạt thường ngày nào đó. Nhờ vậy, cuộc sống đời tư của mỗi cá nhân với thiên hình vạn trạng những biểu hiện phức tạp nhất được hiện lên.
“Mỗi truyện ngắn của ông đều được xây dựng trên một tứ thơ… Tứ thơ được tự sự hóa, văn xuôi hóa, mỗi truyện ngắn mang dáng dấp của một bài thơ văn xuôi. Cách thức sáng tạo truyện ngắn của Thâm Tâm hầu hết đều đi theo con đường như vậy. Nhưng cũng cần phải nói ngay rằng đó là những bài thơ văn xuôi thế sự. Thâm Tâm đã hướng cảm xúc của mình vào những cảnh ngộ, những thân phận có nhiều nông nỗi éo le, uẩn khúc với những mối quan hệ giữa người nọ với người kia trong tình yêu, tình bạn, tình anh em ruột thịt... để từ đó nêu bật vấn đề nhân cách và đạo lý đối với con người”, PGS.TS Ngô Văn Giá nhận xét.