Tham dự một sự kiện tưởng niệm Thế chiến 2 ở Honiara, thủ đô của Quần đảo Solomon, bà Sherman phê phán những chính phủ đang tìm cách phá bỏ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Bà không nêu tên nước nào, nhưng cạnh tranh giữa các đồng minh của Mỹ với Trung Quốc ở khu vực này ngày càng gay gắt, theo AP.
Năm ngoái, Quần đảo Solomon gây bất ngờ cho Úc và Washington khi công bố thoả thuận an ninh mới với Bắc Kinh.
“Tổng thống Biden ngay từ đầu đã xác định việc đoàn kết với Quần đảo Solomon là một ưu tiên của toàn bộ chính quyền. Chúng ta cũng đã có quan hệ sâu sắc và bền bỉ, như một gia đình Thái Bình Dương”, bà Shermant nói.
Bà kể lại chuyện cha bà, một lính hải quân Mỹ đã bị thương trong trận chiến Guadalcana ở Quần đảo Solomon hồi Thế chiến 2, cho rằng “một số nơi trên thế giới… dường như đã quên bài học bi thương từ đây”.
Bà chỉ trích “những nhà lãnh đạo tin rằng người khác phải yếu đi khi họ mạnh lên và cho rằng những hành vi chèn ép, gây sức ép và bạo lực là công cụ họ có thể dùng mà không bị trừng phạt”.
Không nêu tên lãnh đạo nào, bà Sherment cho rằng họ có vẻ “tin rằng những nguyên tắc và định chế mà thế giới lập ra sau Thế chiến 2, trật tự quốc tế có thể bị phớt lờ, làm suy yếu và phá huỷ”.
Trong năm nay, Mỹ cử nhiều quan chức cấp cao đến nam Thái Bình Dương khi cạnh tranh địa - chính trị ngày càng quyết liệt. Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Samoa và Tonga, sau đó là chuyến thăm của Ngoại trưởng Úc Penny Wong vào đầu tháng 6.
Mỹ cho biết sẽ mở đại sứ quán ở Quần đảo Solomon, Kirabati và Tonga. Ngày 5/8, bà Marie C. Damour được Thượng viện Mỹ phê chuẩn trở thành Đại sứ Mỹ tại Fiji, Kiribati, Nauru, Tonga, và Tuvalu.