Thảm họa máy bay khiến 179 người chết: Jeju Air tệ hại, du lịch Hàn Quốc lao đao

TPO - Gần 70.000 vé máy bay nội địa và quốc tế bị hủy, cổ phiếu của nhiều hãng hàng không rớt đáy, các công ty lữ hành phải ngừng quảng cáo và khuyến mại… là những gì đang xảy ra với ngành du lịch Hàn Quốc sau thảm họa máy bay khiến 179 người chết vừa xảy ra.

Jeju Air gặp khủng hoảng

Yonhap đưa tin, sau khi chiếc Boeing 737-800 của Hãng hàng không Jeju Air nổ tung và cướp đi sinh mạng của 179 hành khách xấu số vì sự cố khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Muan, Jeju Air tuyên bố đến cuối ngày 30/12 có 68.000 lượt đặt vé máy bay bị hủy, trong đó có hơn 33.000 vé nội địa và 34.000 vé quốc tế.

Lực lượng cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng Jeju Air tại sân bay quốc tế Muan ngày 30/12. Ảnh: Reuters.

Jeju Air thông báo, tổng mức bồi thường bảo hiểm cho các bên liên quan trong tai nạn của hãng này là khoảng 1 tỷ USD, hạn cuối của bảo hiểm là 30/4/2025.

Việc bồi thường sẽ do 5 công ty chi trả, những người phụ trách bảo hiểm đã bay từ Anh về Hàn Quốc để thảo luận các thủ tục liên quan.

Tổng mức bồi thường bảo hiểm cho các bên liên quan trong tai nạn của Jeju Air là 1 tỷ USD. Ảnh: AP.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, hiện Jeju Air đã hủy mọi chuyến bay đến sân bay Muan. Tính đến hết ngày 30/12, có 10 chuyến bay quốc tế và 5 chuyến bay nội địa bị hủy do đường băng sân bay Muan đóng cửa. Một số chuyến bay đã lên lịch được chuyển hướng đến sân bay ở Seoul và Busan.

Reuters thông tin, trong ngày 30/12, cổ phiếu của Jeju Air giảm 8,5%, thậm chí có lúc giảm tới 15,7%, chạm mức 6.920 won - mức thấp nhất kể từ khi hãng bay này niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2015. Việc này khiến Jeju Air mất hơn 95,7 tỷ won (khoảng 65,2 triệu USD) vốn hóa thị trường. Công ty mẹ của Jeju Air là AK Holdings cũng chịu chung số phận khi cổ phiếu giảm đến 12% - mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua.

The Guardian cho rằng Jeju Air còn thiệt hại lớn về kinh tế, bởi gia đình các nạn nhân đang yêu cầu được hỗ trợ nhiều hơn. “Cách duy nhất mà Jeju Air có thể làm hiện tại để hỗ trợ các gia đình có người thân qua đời là hỗ trợ họ về mặt tài chính. Bởi lẽ nhiều gia đình cả vợ và chồng đều tử vong, chỉ còn lại những đứa trẻ và làm sao có thể để chúng sống một mình”, thân nhân một hành khách tử vong trên chuyến bay của Jeju Air bày tỏ.

68.000 lượt đặt vé máy bay của Hãng hàng không Jeju Air bị hủy trong 1 ngày. Ảnh minh họa: Harlesryan77w.

Ngoài khủng hoảng hủy vé, cổ phiếu và tài chính Jeju Air còn đang đối diện với một làn sóng chỉ trích dữ dội trên các nền tảng mạng xã hội. Tờ Busan thống kê, tính đến đầu ngày 31/12 có hơn 1 triệu bài viết về vụ tai nạn máy bay, trong đó 530.000 bài đăng liên quan chỉ trích “Jeju Air”.

Đặc biệt, theo báo cáo của Munhwa Ilbo, một bài viết được đăng tải từ tháng 2 năm nay từ người tự xưng là nhân viên giấu tên của Jeju Air từng cảnh báo: “Đừng đi Jeju Air. Hiện tại, động cơ liên tục gặp trục trặc. Không biết máy bay sẽ rơi lúc nào. Cả bảo trì, vận hành lẫn tài chính đều đang hỗn loạn” bỗng dưng được tìm kiếm trở lại, khiến làn sóng phẫn nộ đối với Jeju Air ngày càng lớn hơn.

Ngoài ra, xuất hiện tin đồn nhân viên của Jeju Air có xu hướng chuyển sang hãng hàng không khác. Bởi Jeju Air tiết kiệm chi phí bảo trì nên động cơ đã ngừng hoạt động 4 lần ở trên không chỉ trong 1 năm - đây là loại sự cố nghiêm trọng hiếm gặp trong lịch sử khai thác.

Du lịch Hàn Quốc dính vận đen

AP nhận định, vận đen của Jeju Air lan sang ngành hàng không Hàn Quốc vì cổ phiếu của hai hãng bay lớn nhất xứ sở kim chi là Korean Airlines và Asiana Airlines trong ngày 30/12 cũng lần lượt giảm 1,3% và 0,8%. Cổ phiếu của hai hãng bay giá rẻ khác là Jin Air và T'way Air thì giảm nhẹ. Trong khi đó, cổ phiếu của công ty du lịch Hanatour Service và Very Good Tour cũng giảm lần lượt 7% và 11%.

Các công ty lữ hành địa phương cho biết, thảm họa máy bay vừa nêu đã khiến việc hủy tour du lịch tăng đột biến. Thậm chí, nhiều công ty đã phải dừng các chiến dịch quảng cáo trên TV và các nền tảng trực tuyến.

“Chúng tôi đã nhận được khoảng 40 yêu cầu liên quan đến việc hủy chuyến đi chỉ riêng vào ngày 29/12, lượng hủy chuyến tăng gấp đôi so với thông thường và lượng đặt chỗ giảm 50%,” một đại lý du lịch chia sẻ.

Vận đen của Jeju Air lan sang ngành hàng không Hàn Quốc Ảnh: Jeju Air.

Trao đổi với PV Tiền Phong từ Seoul, bà Kim Seo Yeon - chuyên gia du lịch - đánh giá ngành “công nghiệp không khói” của Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều sau thảm họa máy bay của Jeju Air. Trước đó, việc cựu Tổng thống Hàn Quốc Yook Suk Yeol tuyên bố áp lệnh thiết quân luật vào tối 3/12 rồi dỡ bỏ tình trạng vào rạng sáng 4/12 đã khiến ngành du lịch nước này bị “tổn thương” khá nhiều.

BBC cho biết, Jeju Air là một hãng hàng không giá rẻ được thành lập năm 2005, là hãng hàng không lớn thứ ba của Hàn Quốc tính theo lượng hành khách. Sau vụ tai nạn thảm khốc, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok đã ra lệnh kiểm tra an toàn khẩn cấp toàn bộ hệ thống hoạt động hàng không của nước này, trong đó sẽ xem xét “đặc biệt” với loại máy bay chở khách Boeing 737-800.

Theo Reuters, AP, Yonhap