Khu liên hiệp xử lý chất thải Sông Công (xóm Tân Mỹ 2, xã Tân Quang, TP Sông Công) có diện tích hơn 26,5 ha, công suất thiết kế trên 3.500 tấn/ngày do Công ty TNHH Môi trường Sông Công trực tiếp quản lý vận hành. Đây là doanh nghiệp xử lý, tái chế rác thải trên địa bàn TP Sông Công và các huyện, thành phố của tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, Công ty này lại liên tục bị tố xả thải “bức tử” môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, cuộc sống người dân sống quanh khu vực.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong, sáng 26/2, cách xa cả km đã phát hiện lượng lớn khói đen từ phía nhà máy xử lý chất thải của Công ty TNHH Môi trường Sông Công đang xả thẳng vào môi trường. Tiếp cận gần, những cột khói đen có mùi khét lẹt, khói càng lúc đậm đặc, bốc cao hàng chục mét, u ám cả một khoảng trời. Cùng với đó, nhà cửa, hoa màu của các hộ dân sinh sống xung quanh bị bám đầy bụi bẩn.
“Khói như này vẫn còn nhạt chán đấy! Nhiều lúc khói còn khủng khiếp hơn, đen kịt, theo gió xộc thẳng vào nhà làm tôi cay rát mũi, muốn tắc thở, không chịu nổi phải trốn. Bé nhà tôi lúc bé xíu còn chả bao giờ ốm đau mà từ khi có công ty này cháu ho, hen suốt. Bụi bẩn trong khói màu đen như than, bay bám đầy nhà các hộ gia đình, vào rau, cây trồng không dám ăn”, chị Hường, thôn Tân Mỹ 2, xã Tân Quang nói.
Người phụ nữ này cũng cho biết, những tác động tiêu cực từ hoạt động của Khu liên hiệp xử lý chất thải Sông Công gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái, cuộc sống của người dân ngay từ khi vận hành vào cuối năm 2021, họ đã gửi đơn cầu cứu đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhưng chưa có phương án xử lý triệt để.
Cùng là người dân tại thôn Tân Mỹ 2, chị Huyền cũng than trời: “Ngày đã vậy, đêm xả thải còn kinh khủng hơn, máy móc kêu giật mình, mất ngủ. Mùi khói đến người lớn còn đau đầu, buồn nôn thì không biết nó độc hại đến mức nào. Cùng với đó, ngày mưa thì đường đất lầy lội, ngày nắng xe tải chở rác ra vào bụi mịt mù, rò rỉ nước hôi thối. Người dân chúng tôi quá khổ mà kêu rát họng không ai hay”.
Với vẻ mặt buồn rầu và mệt mỏi, người đàn ông tên Hồng nói: “Sau quá nhiều lần kiến nghị, cơ quan chức năng đã về kiểm tra nhưng tình trạng ô nhiễm gây ảnh hưởng không hề giảm mà tiếp tục tiếp diễn. Người dân chúng tôi đã thành lập hội nhóm trên mạng xã hội để cùng nhau ghi nhận tình trạng xả thải gây ô nhiễm của nhà máy để tố. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm đơn, đề nghị Chủ tịch UBND TP Sông Công chỉ đạo xử lý”.
Trong khi người dân cho biết họ vẫn tiếp tục làm đơn kiến nghị vì tình trạng ô nhiễm chưa được xử lý dứt điểm, song khi trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch xã Tân Quang khẳng định: “Trước Tết, đơn kiến nghị của người dân gửi chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng rất nhiều nhưng đợt này phía Công ty họ đã cố gắng làm tốt hơn rồi. Sau Tết, chưa nghe thấy công dân phản ánh thêm. Mỗi khi người dân phản ánh, chúng tôi đều thông tin tới doanh nghiệp để họ có biện pháp xử lý kịp thời”.
Một cán bộ phòng Tài Nguyên và Môi trường TP Sông Công, thời điểm trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra đối với Công ty TNHH Môi trường Sông Công...
Tuy nhiên, đến nay, chưa rõ phương án giải quyết; trong khi, tình trạng ô nhiễm khiến người dân bức xúc vẫn tiếp diễn.