Thái Lan: Tiếp tục biểu tình phản đối Thủ tướng

Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã đưa ra nhượng bộ đối với những người chỉ trích ông rằng ông có thể sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để sửa đổi Hiến pháp.
Cuộc biểu tình tuần trước là cuộc phản đối chính phủ lớn nhất trong 14 năm

Ông nói: "Tôi hoan nghênh lời kêu gọi thay đổi, nhưng tôi sẽ phải hỏi ý kiến của công chúng đã".

Ông đưa ra tuyên bố này tại bài phát biểu hàng tuần trên đài phát thanh, không lâu trước khi những người biểu tình phản đối đề nghị ông từ chức.

Đến buổi chiều, khoảng 5.000 người đã tụ tập tại Royal Plaza, hô vang các khẩu hiệu phản đối ông Thaksin.

Ông đã từ chối từ chức, mặc dù đám biểu tình liên tục đòi ông rời nhiệm sở.

Cuộc biểu tình thứu bảy tuần trước thu hút ít nhất 50.000 người, cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi ông Thaksin lên nắm quyền vào năm 2001.

Người ta tham gia cuộc biểu tình tuần trước phản đối vụ làm ăn trị giá 1,9 tỷ USD liên quan đến gia đình ông Thaksin. Họ cáo buộc ông là tham nhũng.

Ông Thaksin đã khẳng định rằng ông và gia đình không làm điều gì sai trái. Nhưng ông nói sẽ hỏi ý kiến các quan chức bầu cử về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý đối với những lời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp.

Ông cảm ơn những người ủng hộ ông sau cuộc mít tinh phản đối chính phủ lớn nhất trong 14 năm diễn ra cuối tuần trước.

Ông kêu gọi họ hãy tránh xa cuộc biểu tình tiếp theo. "Tôi không muốn nhìn thấy bất kỳ một xung đột nào trong xã hội này nơi một bên ủng hộ và bên kia thì phản đối. Điều đó sẽ tạo ra chia rẽ trong xã hội".

Ông Thaksin nói nếu người dân muốn sửa đổi Hiến pháp thì điều đó sẽ được thực hiện

Hiến pháp có sai lầm

Cuộc biểu tình tuần này dự định diễn ra vào 9 giờ giờ GMT và sẽ kéo dài đến tận tối.

Những người biểu tình nói họ sẽ tụ tập tại Royal Plaza, gần tòa nhà Quốc hội và cung điện Hoàng gia, mặc dù cảnh sát đã cấm họ tụ tập tại đây từ hồi đầu tuần.

Các phóng viên nói người ta rất quan tâm đến số người tham gia cuộc tuần hành này, để xem cuộc phản đối chống chính phủ đang ngày một căng thẳng hay ngày một yếu đi.

Ít nhất 15.000 người đã tụ tập tại Royal Plaza hôm thứ Bảy tuần trước, các quan chức Thái Lan cho biết. Hô vang khẩu hiệu "Thaksin hãy từ chức", nhiều người phản đối còn đeo băng tay trên có dòng chữ "Hãy cứu lấy quốc gia".

Người ta quan tâm tới vụ làm ăn liên quan tới gia đình ông Thaksin bán gần 50% cổ phiếu của tập đoàn viễn thông Shin Corp cho một Cty đầu tư quốc doanh của Singapore.

Nhiều người trong ngành luật nói con trai ông Thaksin có thể đã vi phạm luật do không chịu công bố thông tin về những thay đổi trong cổ phiếu mà ông có.

Nhưng Ủy ban Chứng khoán Thái lan nói rằng họ không tìm thấy bằng chứng của việc gian lận trong mua bán cổ phiếu.

Một số nhà phê bình đã kêu gọi thay đổi Hiến pháp năm 1997, họ nói nhiều phần trong Hiến pháp đó đi ngược lại những nguyên tắc dân chủ.

Ông Thaksin nói ông sẽ hỏi ý kiến của các quan chức tổ chức bầu cử về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cùng lúc với bầu cử thượng viện vào ngày 19/4 tới.

Mặc dù ông Thaksin đã đánh mất sự ủng hộ của nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu, ông vẫn được người dân ở nông thôn Thái Lan ủng hộ nhiệt tình.

Phóng viên BBC Kylie Morris tại Bangkok cho biết ông đã từng vượt qua được những cuộc khủng hoảng tương tự như hiện nay.

Theo BBC