Hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc lên kế hoạch áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Giờ đây, lợi dụng đại dịch toàn cầu COVID-19, biểu tình chống kì thị chủng tộc lan khắp nước Mỹ và vai trò lãnh đạo của Nhà Trắng suy giảm, Bắc Kinh đang thách thức Washington và các nước láng giềng ở châu Á bằng các tuyên bố, kế hoạch về không phận và cáp quang dưới biển. Tháng trước, cơ quan quốc phòng Đài Loan cảnh báo một nguy cơ ngày càng tăng là Trung Quốc sẽ áp đặt ADIZ ở Biển Đông.
Năm 2013, Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Hoa Đông chồng lấn với không phận và các đảo mà Nhật Bản cũng như Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Việc Trung Quốc áp đặt ADIZ dẫn tới căng thẳng với Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan, nhưng các chuyến bay thương mại vẫn hoạt động bình thường. Thời điểm đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục các chuyến bay dân sự tuân thủ nguyên tắc nhận dạng của Trung Quốc. Nhưng giờ đây, cách phản ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khác, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Gần đây nhất, Nhà Trắng cấm tất cả các chuyến bay thương mại chở khách của Trung Quốc bay tới Mỹ.
Vì một ADIZ trên Biển Đông sẽ liên quan vùng trời phía trên các quần đảo Pratas, Hoàng Sa và Trường Sa nên Mỹ tái khẳng định rằng, yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đe dọa nghiêm trọng quyền tự do đi lại trên các vùng biển. Mỹ vẫn đang duy trì các tiêu chuẩn tự do hàng hải. Trong một tháng qua, Mỹ đã gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Có thêm tàu hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ đi qua khu vực Biển Đông. Mỹ muốn sự hiện diện của mình trong khu vực được các đồng minh, đối tác và Trung Quốc cảm nhận một cách rõ ràng. Gần đây, Trung Quốc liên tục quấy rối một số nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, như Việt Nam, Philippines, Malaysia. Phía Trung Quốc đâm va tàu cá, quấy nhiễu tàu cảnh sát biển, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á này.
Các động thái của Trung Quốc bắt nguồn từ mưu đồ và kế hoạch có hệ thống của họ. Trung Quốc ngang nhiên cải tạo các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, biến chúng thành các tiền đồn để triển khai máy bay, hệ thống tên lửa phòng không, radar, khí tài chống tàu nổi, tàu ngầm. Trung Quốc cũng tìm cách gia tăng kiểm soát các mạng lưới toàn cầu và hệ thống cáp dưới biển dùng để truyền thông tin, dữ liệu. “Hầu hết những người theo dõi Biển Đông sát sao nhất đều thấy rằng, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc biến thành tiền đồn là nhân tố chính thay đổi cuộc chơi nếu có bất kỳ xung đột Mỹ-Trung nào xảy ra trong tương lai”, ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định.
“Con đường tơ lụa thông tin”
Không chỉ sử dụng ADIZ và các đảo nhân tạo ở Trường Sa để giám sát bầu trời, coi đây là hệ thống cảnh báo sớm, Trung Quốc còn đang phát triển “con đường tơ lụa thông tin”. Đó là hệ thống cáp dưới biển phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự. Chúng được dùng để thu thập thông tin giám sát quân sự và khoa học, truyền dữ liệu về Trung Quốc. Việc này tạo ra một nguy cơ an ninh tiềm tàng. Các nhà phân tích cảnh báo rằng, Hải quân Trung Quốc tìm cách gia tăng kiểm soát eo biển Luzon và Biển Đông để nước này tạo ra một khu vực liên kết rộng lớn, có thể kết nối với đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thuộc Trường Sa (của Việt Nam) thông qua mạng cáp quang dưới biển. Các nước cần tìm hiểu sâu về các kênh liên lạc nhạy cảm đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin tình báo và bảo đảm năng lực quân sự.
“Trong khi xem xét các thách thức mà Trung Quốc tạo ra trên bề mặt Biển Đông, chúng ta cũng cần nhìn sâu xuống đáy biển u tối để xem họ làm gì dưới đó”, đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis nói. Hiện có khoảng 400 tuyến cáp quang dưới biển truyền dữ liệu với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng. Khối dữ liệu này bao gồm email, văn bản và các giao dịch tài chính của thế giới trị giá 15.000 tỷ USD.