Tôi ngửi thấy mùi thơm của các món ăn cổ truyền, bánh chưng, miến nấu, măng ninh thơm trong trí tưởng tượng. Tôi còn thấy Hồ Gươm nhộn nhịp, gió mang mùi ẩm của hơi nước lẫn trong mùi thơm, xác pháo.
Tôi thấy mẹ tôi lom khom rửa lá dong gói bánh và bố tôi thong thả lau dọn sạch sẽ ban thờ, nơi bao giờ cũng có những bức ảnh xa xăm úa vàng và chục bông huệ trắng muốt, thơm tinh khiết...
N. thì rưng rưng nhớ hai đứa con của cô. Thằng Tư quê ở xứ Thanh, nó kể, bây giờ ở quê nó, chắc người ta thi nhau đụng lợn. Phải tìm một con lợn mà vui tết tập hợp nhau lại thôi. Tôi và H. bàn với nhau làm một cái tết chung đầu tiên với đồng tiền mới.
Khi đó, ở trung tâm Tây Berlin, Nhà thờ cụt đã có một cửa hàng bán thực phẩm châu Á, nhưng hàng hóa ít, chủ yếu bán mì ăn liền, gạo, vài thứ hàng khô, rau héo cho Thợ khách Việt, leo pheo lắm chứ không đa dạng như hôm nay. Thế nên đào đâu ra những món tết truyền thống của quê nhà trong căng tin, ở các cửa hàng vốn nghèo nàn Đông Đức để lại? Vậy thì phải mua một con lợn mà thịt!
Hai chín Tết, như hẹn, H. tới từ tinh mơ và tụi tôi phóng về một làng nhỏ cách đấy khoảng hơn ba chục cây số để bắt lợn. H. là Đội phó kiêm phiên dịch nên hắn nói tiếng Đức và giao dịch với dân bản địa lọc lõi lắm.
Chúng tôi xỉa hơn trăm D.m cho bà chủ lợn, có bộ ngực vĩ đại, cái cổ đỏ au, núng na núng nính, rồi bắt lên xe con lợn chừng hơn năm chục cân. Lợn nuôi vườn, thả rông, chứ không phải thứ lợn công nghiệp nhão và lắm mỡ.
Chúng tôi bỏ chú lợn tội nghiệp nằm chéo kheo trong cốp xe và tức tốc nổ máy, chạy rón rén vòng vèo trên các con đường tắt xuyên rừng, để tránh cảnh sát. Lợn bị trói, đường sá lại không tốt, nên đôi khi nó kêu hét lên làm tôi ngồi bên H. thót tim. Bởi luật pháp Đức khá nghiêm ngặt, cấm đủ thứ...
Mọi lo ngại rồi cũng qua đi. Xe chở tôi và lợn tới cửa Wohnheim - nơi tôi ở, đã thấy hai ba đứa, quân của đội phó H. chạy phắt ra mở cốp xe. Đứa tóm mõm, đứa giữ chân sau lợn, khênh rào rào, quẳng uỵch xuống hầm nhà.
Đội phó H. lại lao xe đi. Gã có nhiệm vụ sang phía Tây tìm mua gia vị và miến, măng cùng vài thứ như cô H.N tóc dài đội tôi đã kê tỉ mỉ trên một tờ giấy. Bấy giờ, hàng hóa tuy èo ọt, nhưng đôi khi cũng có vài bó ngò gai, húng Tầu, riềng, ớt chỉ thiên và tiêu hạt.
Miến và măng của người Tàu chuyển từ Trung Hoa sang… Ba tiếng sau, gã trở về. Rau thơm gia vị không chỉ có hành, húng, riềng, kinh giới…H. vớ được những ba mớ rau răm để thuôn lòng. “Không nhanh tay thì thằng khác nó vơ hết”.
H. bảo và cười tinh quái. Khá lắm! Tôi khen và dặn anh em, không được vứt đi cọng, cả những cái lá răm đã vàng úa. Dùng được hết! Tận dụng, vì tôi biết, ít răm và hành thì chả ra mùi cái anh lòng lợn...
Tôi liếc con dao găm Holand tuần trước mua ở tiệm bán vũ khí bên Tây Đức vào thắt lưng da cho thêm bén...
Mười một giờ rưỡi, bắt đầu giờ ăn trưa của cảnh sát và ít người qua lại. Tôi và ba đứa nữa xuống hầm khênh con lợn giấu trong chiếc thùng phi, xưa dùng đựng than của ngôi nhà tập thể. Tất nhiên tôi phải lấy nước ấm rửa cổ và mõm lợn.
Tất nhiên, tôi phải áng chừng mà vứt vào dúm muối cho đủ hãm hai chục bát tiết canh vào cái chậu men rửa mặt. Con lợn được kê cổ lên cái ghế tựa như ghế đẩu rất chắc ở ta, được hai thằng lính cựu đặc công trong đội H. đè chặt hai chân sau, tóm tai, dí đầu, nhằm không cho nó kêu dù nửa tiếng.
Xong chưa? Chắc chưa? Tôi hỏi ba thằng giữ lợn một lần nữa, rồi ướm lưỡi dao vào cổ chú lợn và cứa nhẹ. Mỡ lợn trắng tinh, rướm máu sau nhát dao hơi bị thạo của tôi. Lưỡi dao rất nhanh thọc lút cả bàn tay, lách sát cổ họng và sâu xuống, trúng cái cơ màng trên, cạnh tim của chú lợn.
Bao nhiêu năm trôi qua rồi, tôi chưa quên cái nghề tôi làm anh nuôi ở thời trận mạc... Chú lợn xác mềm nhũn, hồn bay lên thiên đàng làm kiếp khác, không một tiếng kêu vọt ra ngoài. Nước sôi được mang ngay tới, hòa thêm ít nước lã cho đủ độ làm lông.
Tôi thao tác tưới, ủ tải cho đúng bài mà dễ cạo lông. Lông lợn tây cứng, nên thao tác đơn giản. Con lợn trắng phau, chềnh ệch nằm phưỡn trên tấm gỗ cánh cửa, được cắt pha lập tức. Sau hai chục phút, công việc đã hoàn tất. Đâu ra đó, từ thủ, chân và các loại thịt, mỗi thứ dùng cho từng món khác nhau…
Chúng tôi luộc lòng, quay thịt tại vườn, nấu vài món nấu. Than hừng hực cháy trong khi tuyết bắt đầu lại rơi tan nhanh trên ngọn lửa củi trong vườn. Tôi phân công kẻ thái hành, băm thịt, trộn rau thơm làm món tiết canh đầu tiên.
Hai mươi nhăm bát tiết hồng tươi đông cứng như thạch tới độ úp bát xuống không rơi, được rắc thêm lạc, gan thái mỏng, vài sợi húng thái nhỏ (vì tiết kiệm).
Tôi nhồi lòng, thuôn mỡ chài, tiết đọng, hành, răm, đủ lệ bộ, để khi luộc mùi thơm phưng phức đặc trưng quen thuộc của món dồi đã tỏa khắp không gian quanh đó.
Tôi còn bảo anh em ướp thịt thủ, tai lợn và dăm miếng bạc nhạc để gói món giò xào loáng thoáng tiêu hạt…Giò được bó nhanh bằng giấy ăn quấn bên ngoài giấy bạc.
Chọn hai thanh gỗ, ép cây giò lại bằng bốn năm quả tạ vẫn dùng để giữ chân ô bán hàng nên khi thái thử, dưới trời âm mười ba mười bốn độ, miếng giò xào đông cứng và mịn giòn.
Tuy thiếu mẻ nhưng nhờ có hai củ riềng, dăm nhánh sả khô, bọn tôi cũng làm được món rựa mận từ bốn cái chân giò. Chị H. N. là chủ công thao tác các món xào và miến.
Nước xương ngọt dịu và đậm đà giúp cho món miến nấu với gà không chân mua ở cửa hàng làm cho mâm thờ cúng của tụi tôi bữa đó thật rôm rả.
Đó là một ngày không thể quên ở nước Đức. Mặc cho bên ngoài, tiếng tuyết rít lên trong cơn xoáy, gió toát lạnh điên cuồng suốt đêm, chúng tôi vui tới nửa đêm, uống cạn sạch năm chai Goldwein, mới ai về nhà nấy.
Tính ra, bọn đội xây dựng thuộc quân của H. sẽ quay lại Potsdam trong đêm tối, khoảng ba bốn chục cây chạy xe để sớm mai đi làm. May mà xe bus chạy đúng giờ, chứ không có đứa sẽ chết lạnh vì nhiệt độ nửa đêm xấp xỉ hai chục độ âm.
Sau này, ai cũng có xe riêng, nhưng cái đêm ấy, thằng Lâm trâu mộng vẫn còn nhớ, rượu say đứ đừ, đứng trong nhà chờ xe nghe gió hun hút tỉnh rượu ngay vì cái lạnh buốt xuyên qua mọi tầng áo ấm…
Hai mươi năm đã trôi qua ở xứ người…Đội phó H thì thành đại gia lớn nhất nước Đức buôn khắp thế giới, cộng với việc làm ông chủ hai trung tâm Đồng Xuân Mark, nằm ở Berlin và Leipzig, thu lợi mỗi ngày cả vài kí lô vàng ròng.
Tôi trải qua bao nghề kiếm sống, bao chiêm nghiệm và, trở thành nhà văn. Cô công nhân H. N. tóc dài buôn bán quặt quẹo trên hè phố rồi một ngày đột ngột đồng ý lấy tôi.
Cuộc đời của hai đứa, như hai cái lá, trên sóng cả, dạt vào dính bên nhau, nên vợ nên chồng… Những khuôn mặt có dự bữa Tết của đêm đó, đều nên ông nên bà, có thằng còn có chắt và, đại đa phần đều miếng ăn miếng để; nhưng cũng có kẻ đã trở thành nắm tro trong bình gốm bay trên những chuyến siêu thanh trở về Tổ quốc, vì bại thận hoặc một chứng nan y do nhiễm lạnh trong những năm tháng dài buôn bán vặt trên các hè phố, khu chợ ngoài trời.
Các mặt hàng Tết giờ đây ăm ắp ngồn ngộn trong các quầy hàng trong địa phận hai Trung tâm bán buôn của Ông chủ H. Kể cả các nguyên liệu để chế các món ăn tết cho vua chúa như yến và vây, tất nhiên như vậy thì không thể thiếu bánh chưng, mứt tết, hương hoa cùng các gia vị từ Đất Mẹ mang sang; thậm chí có cả những cành mai Đà Lạt, đào Nhật Tân còn ngậm hơi sương xứ mình…
Nhưng có lẽ khó ai có thể quên được bữa đón tết của ngày hôm ấy. Quên được chi tiết, cả tụi sau này đều biết là: Hai ngày sau, tôi được nói chuyện với Trưởng phòng bảo vệ của nhà máy, Lão Lotha, thằng bạn thân nhất với tôi thời Đông Đức, rất am tường Việt Nam.
Thì ra, ở tây, người ta chả can thiệp vào riêng tư của anh đâu, nếu như anh không làm điều gì phạm pháp. Việc làm của chúng tôi cẩn thận tới vậy, nhưng không che nổi mắt của những bà già vốn hay ngồi bên cửa sổ buông rèm, lắng nghe cả tiếng lá rụng và có thể họ đã báo cho nhà máy. May mà khu ấy thuộc nhà máy quản lí, chứ nếu thuộc ngoài khu nhà máy thì sự thể sẽ rắc rối.
Bây giờ tôi còn nhớ hắn, Lotha, bạn thân của tôi với cương vị nắm giữ luật pháp, cất giọng âm âm chậm rãi trong bốn bức tường, cửa im ỉm kín mít:
“Tao hiểu chúng mày lắm, nhưng cứ nghĩ đi Thọ ạ. Vì một phong tục mà giết mổ bừa bãi, lại quăng đủ các thứ thải sau khi giết lợn ra một đống bên vườn nhà cho ruồi nhặng bu đen như thế… nếu tao không hiểu tụi mày để lờ đi. Tao lôi mày ra pháp luật, hỏi rằng mày sống ra sao dưới con mắt của dân chúng Teltow này…”.
Lần cuối cùng này thôi đấy! Hắn tiễn tôi ra cửa và nháy mắt! Tôi hiểu, đó là một sự bỏ qua độc nhất vô nhị của một người Đức gốc và điều ấy, dạy cho tôi rằng, ở xứ sở của luật pháp, con người ta bị kiểm soát tới chân tơ kẽ tóc mà chẳng biết.
Cũng như nhờ vậy, tôi đã tránh được biết bao phiền toái trong cuộc sống sau này, để nhẹ nhàng hòa vào đời sống mới. Một đời sống cần điều chỉnh những phong tục tập quán cho phù hợp với xứ sở của người ta, của thế giới mở cửa hôm nay.