Thời điểm đầu năm cũng là dịp để nhiều bạn trẻ năng động tăng thêm vốn làm ăn.
Lập và Đình -Sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân - lên kế hoạch bán cành lộc trước Tết cả tuần lễ. 2 bạn về tận vườn trồng táo, cây trứng gà, cây hải đường... ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc); Sóc Sơn, Đông Anh (Hà Nội) để đặt hàng, thỏa thuận giá cả. Sáng 30 Tết lại quay trở lại vườn nhận cành lộc.
Lập tiết lộ: “Tiền vốn chỉ khoảng gần 300.000 đồng, nếu bán hết trong đêm giao thừa với giá vừa phải, nhỉnh hơn năm ngoái một chút tụi em vẫn lãi từ 4 - 5 lần. Như vậy là có đủ tiền đi chơi trong dịp Tết mà vẫn có tiền lì xì cho các em”.
Nhóm Hoài, Trang, Thu - Sinh viên ĐH Ngoại thương - vừa bán cành lộc lại có cả những chiếc túi lì xì, túi đựng tiền xu tự làm lấy khá bắt mắt thu hút khách hàng trong đêm cuối năm. Theo các bạn nhẩm tính khi hàng được bán hết sẽ thu lời từ 2 - 3 triệu đồng.
Ban điều hành của hãng taxi Cổ phần CP Hà Nội, Vạn Xuân, Tân Hoàng Minh... cho biết muốn có xe trong đêm giao thừa, 3 ngày từ mùng 1 - 3 Tết, khách hàng phải gọi từ sáng 28, 29 (âm lịch) đăng ký thời gian, địa điểm đi và đến để kịp lên lịch và bố trí xe. Tuy nhiên, có không ít gia đình bị lỡ xe mặc dù đã đăng ký từ trước.
TPHCM: Các điểm vui chơi hút khách
Sôi động nhất là các hoạt động biểu diễn, lễ hội đường phố tại nhiều khu vực trong TP. Những hoạt động như múa lân, đi cà kheo hay xiếc nghệ thuật thu hút hàng trăm ngàn người.
Lễ hội đón Giao thừa Bính Tuất do Cty Tổ chức biểu diễn TPHCM cùng các đoàn nghệ thuật Bông Sen, Nhà hát giao hưởng vũ kịch, Nhà hát Bông Sen, Đoàn ca múa những ngôi sao nhỏ, đoàn xiếc TPHCM và Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP tổ chức tại một số công viên, sân khấu trung tâm đã trở thành tâm điểm cho khách tham dự hội Xuân.
Con đường Hoa Nguyễn Huệ vẫn là trung tâm thu hút mọi người đến chiêm ngưỡng với hơn 1 triệu khách đến tham quan và thưởng ngoạn hoa Xuân. Ngày mùng 2 Tết, lễ hội rước bánh tét đã thu hút trên 10.000 người tham dự và thưởng thức lộc bánh tét đầy long trọng.
Hội chợ Hoa Tao Đàn với hơn 800 nghệ nhân trong và ngoài nước tham gia triển lãm nhiều loại hoa mới độc đáo cũng thu hút khách không kém.
Tết trên TP mang tên Bác còn có những lễ hội độc đáo như đua thuyền vượt sông Sài Gòn, nghệ thuật xe hoa đường phố “Mừng Đảng mừng Xuân”, các chương trình văn hoá nghệ thuật dân gian ở khắp các khu du lịch, các khu vui chơi giải trí.
Bên cạnh đó, các khu du lịch với nhiều hoạt động bình dân cũng thu hút hàng ngàn khách.
Một nét mới năm nay của người Sài Gòn là đi du lịch trong dịp Tết. Trong những ngày Tết vừa qua, các tour du lịch trong và ngoài nước đều… hết vé vì khách đăng ký đi du lịch. Thậm chí với nhiều Cty lữ hành phải hủy tour vì không thu xếp được.
Nghệ An: Đầu xuân, ra thăm hòn Ngư, hòn Mắt
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An do ông Phan Đình Trạc - Chủ tịch tỉnh - làm trưởng đoàn ra thăm và chúc tết các cán bộ chiến sĩ đảo Mắt và đảo Ngư.
Một chiến sĩ đảo Mắt cho biết: “Những ngày này cảng đảo luôn nhộn nhịp bởi từng chuyến tàu mang theo những món quà gửi từ đất liền. Năm nào cũng vậy, hầu hết cán bộ chiến sĩ ở lại đón Tết trên đảo, vui xuân mới không quên nhiệm vụ”.
Cũng “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, không khí tết trên biển chẳng kém gì đất liền...Nguyễn Ngọc Đức (21 tuổi, phường Hưng Bình, TP Vinh) lần đầu tiên phải đón tết xa nhà, nhưng anh luôn lạc quan: “ở đây chúng em có đồng đội, đồng chí. Mọi thứ đã được người thân gửi ra đảo cách đây vài hôm.
Chia tay đảo Mắt, đoàn khách ghé thăm đảo Ngư. Chúng tôi dâng hương trước tượng đài liệt sĩ. Trong ánh nắng ban mai, trong rì rầm sóng vỗ, không khí trang nghiêm như gợi lại chuyện xưa.
Ông Phan Đình Trạc xúc động: “Thắng lợi về mọi mặt của nhân dân Nghệ An trong năm qua, có sự đóng góp to lớn của những người lính đảo”.
Nhân dịp này, lãnh đạo địa phương tặng các chiến sỹ ở hòn Mắt, hòn Ngư 2 chiếc ti vi và một số nhu yếu phẩm phục vụ đón tết nơi đảo xa.
Đăk Lăk: Chơi Tết vui nhờ xe bus
Giá cà phê duy trì ở mức cao (trên dưới 18.000 đ/kg) trong nhiều tháng qua nên người trồng cà phê ở Đăk Lăk tuy không được mùa, nhưng vẫn đón Tết sung túc.
Ngoài ra, các đơn vị, ban ngành tỉnh Đăk Lăk đã huy động 6,326 tỷ đồng và 100 tấn gạo từ nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ với mức từ 70.000 đồng trở lên cho mỗi đối tượng chính sách và 10 kg gạo cho mỗi người nghèo.
UBND tỉnh Đăk Lăk còn chỉ đạo 13 huyện thành sử dụng ngân sách địa phương lo cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc đón Tết được vui hơn.
Điểm nổi bật năm nay ở Đăk Lăk là các Cty Cổ phần Xe khách Đăk Lăk, HTX Vận tải Thành Công, HTX Vận tải Quyết Thắng, Cty Cổ phần Công trình Giao thông đã đưa hơn 50 chiếc xe bus chạy khắp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nối các trung tâm huyện với TP Buôn Ma Thuột với tần suất 30 phút/ chuyến. Nhờ vậy, người dân đi chơi Tết được thuận lợi hơn và hạn chế đáng kể số vụ tai nạn giao thông.
Điều bất ngờ về thị trường hoa Tết Đăk Lăk năm nay, là hoa từ các tỉnh đồng bằng chở lên, từ Đà Lạt chuyển sang bao nhiêu cũng không đủ bán.
Mỗi chậu hoa mai từ vài trăm ngàn đến hơn 10 triệu đồng, cúc từ 50.000 đến 100.000 đồng, hoa giấy 200.000 đồng đến 2 triệu đồng đã hết sạch từ chiều 29 Tết. Quất do mất mùa, ít và không đẹp vẫn đắt gấp đôi ba lần năm ngoái.
Khánh Hòa: Lượng du khách đông hơn Tết trước
Do ảnh hưởng những đợt mưa lạnh kéo dài đến đầu tháng Chạp năm Ất Dậu, Tết này hoa ở Khánh Hòa có phần kém đẹp.
Bù lại, rất nhiều đèn lồng và bóng bay với đủ loại hình dáng bắt mắt được bày bán trên đường phố Nha Trang, tiêu thụ khá mạnh.
Thời tiết những ngày Tết ở đây rất đẹp, trời nắng và dịu mát. Cộng thêm việc Tết này có thời gian nghỉ dài ngày, lượng du khách về Nha Trang đông hơn nhiều so với dịp Tết Ất Dậu.
Hầu hết các khách sạn ven bờ biển đã kín chỗ, nhiều khách sạn tăng giá phòng 50 - 100% so với ngày thường. Đêm mùng 3 Tết (31/1) và mùng 4 Tết, nhiều du khách, kể cả “Tây ba lô” phải ngủ trên xe ô tô hoặc ở bờ biển. Các khách sạn loại 4 - 5 sao như Sun Rise, Vinpearl, Yasaka… cũng đạt công suất phòng trên 90%.
Sáng mùng 3 và mùng 4 Tết, nhiều lần xảy ra tình trạng kẹt xe ở lối vào cảng du lịch Cầu Đá, do lượng khách đến đây để ra các đảo Hòn Tằm, Hòn Mun, Trí Nguyên… quá đông.
Các khu du lịch ở xa Nha Trang đều thu hút đông du khách. Đến ngày mùng 4 Tết, khu du lịch Dốc Lết đã đón hơn 12.000 khách không kể trẻ em.
Khách sạn Yasaka Sài Gòn - Nha Trang tiếp tục nâng kỷ lục bánh tét dài nhất Việt Nam lên độ dài 31 m, được gói từ 388 kg nguyên liệu gồm 188 kg nếp, 46 kg đậu các loại, 31 kg thịt heo, 155 kg lá chuối, gấc, dừa bào, lá cẩm…
Tối 30 Tết, hàng ngàn người dân Nha Trang và du khách đã dự lễ cắt bánh và ăn lộc bánh. Giá bán mỗi mét bánh tét là 500.000 đồng, mỗi phần lộc bánh là 10.000 đồng, toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng vào công tác từ thiện.
ĐBSCL: Sản phẩm nông nghiệp được giá
Tết Bính Tuất, nông dân ĐBSCL có những mùa bội thu về năng suất và giá nên đón Xuân sung túc. Lúa cả năm 3 vụ đạt năng suất khoảng 13 tấn/ha, giá bình quân trên 2.000 đồng/kg, hiện nay có nơi đang ở mức 2.500 đồng/kg.
Giá mía đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, 550 đồng/kg. Giá heo hơi từ 13.000 đồng/kg năm trước vọt lên có nơi đến 19.000 đồng/kg. Tôm, cá, trái cây cũng có giá trung bình cao hơn nhiều năm trước.
Hàng Tết dồi dào, tuy nhiên bà con chuộng hàng nội có thương hiệu và đây là một tín hiệu lành mạnh trong tâm lý người tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất phát triển ở thời hội nhập.
Hoa kiểng cũng đòi hỏi giới kinh doanh phải chuyên nghiệp nắm được thị hiếu người tiêu dùng. Năm nay, những gốc hoa mai nhỏ giá dưới 1 triệu đồng/gốc bán chạy còn giá cao thì khó bán, chứng tỏ người tiêu dùng đã chuyển từ “sắm Tết” sang “chơi Xuân”. Hoa đào miền Bắc đưa vào ĐBSCL nở đẹp và tiêu thụ hết.
Quảng Bình: Tết yên bình và ấm tình người
Điều đặc biệt trong Tết Bính Tuất ở QB năm nay là, ngay chiều 29 sáng 30 Tết ngót 2 vạn cây quất và đào đã được bán hết veo. Những người do bận công việc hoặc có “âm mưu” mua hoa và cây cảnh gần sát giờ giao thừa như mọi năm đã mất cơ hội.
Thịt các loại đội giá. Một chợ nhỏ ở Lệ Thủy trong một buổi chiều đã bán hơn 20 con lợn ngót tạ và 3 con bò. Thịt lợn rừng được săn mua ráo riết với quan niệm ăn “xả xui, lấy hên” đầu năm đã có giá kỷ lục 1 kg lên đến 250 ngàn đồng.
Dẫu vậy, các gia đình nghèo và các đối tượng chính sách, được sự quan tâm của các đoàn thể, chính quyền và MTTQ vẫn luôn có một cái Tết ấm nồng của sự sẻ chia đùm bọc...
Ngay sáng 4 Tết, Tỉnh Đoàn đã tổ chức Lễ ra quân Tết trồng cây ơn Bác ngay tại dưới chân tượng đài TNXP thời chống Mỹ ở Xuân Sơn (Bố Trạch ) với sự tham gia của hàng ngàn ĐVTN. Ngay sau lễ ra quân, đã có hàng ngàn cây xanh được trồng quanh khu đài tưởng niệm và các công trình phúc lợi trong vùng.
Cũng được coi là “bất thường” khi lượng khách du lịch đổ về Phong Nha - Kẻ Bàng trong dịp Tết đông hơn hàng năm. Mỗi ngày ở trung tâm đón từ 500 - 1.000 khách. Một dấu hiệu đáng mừng cho mùa du lịch sắp tới.
Lâm Đồng: Gióng tiếng chiêng, cồng mở đầu mùa lễ hội
Từ đêm Giao thừa, gần chục nhóm cồng chiêng của các nghệ nhân Lạch, K’ho ở chân núi Lang Bian (nơi khai sinh ra Đà Lạt) bắt đầu gióng tiếng chiêng, cồng mừng năm mới và phục vụ du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Những tiếng cồng, tiếng chiêng này sẽ lan tỏa, giục giã các tộc người thiểu số cư trú lâu đời ở miền đất Tây Nguyên tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc trong tiết xuân ấm áp.
Đã thành thông lệ, nhiều thập niên qua, cứ đến rằm tháng giêng là hàng vạn du khách trong và ngoài nước trẩy hội thác Pongour để thưởng ngoạn cảnh đẹp và nguyện cầu những điều may mắn, tốt lành, lập kỷ lục về số người tham quan thác nước trong một ngày ở Việt Nam.
Tại lễ hội Pongour, du khách được chứng kiến nghi lễ “Rước nước” và lễ hội mừng lúa mới của người K’ho; xem biểu diễn cồng chiêng, múa xoè Thái hoặc tham gia các cuộc thi leo núi , nấu cơm lam và nhiều trò chơi dân gian khác.