Tên một thuyền trưởng ở Trường Sa

TP - Đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa được đặt theo tên vị thuyền trưởng tàu không số anh hùng Nguyễn Phan Vinh, người hy sinh ở tuổi 35…
Ông Nguyễn Văn Phong

> 40 năm tìm gặp nữ giao liên

Ông Nguyễn Văn Phong.

Ông Nguyễn Văn Phong 71 tuổi, hiện sống tại TP Hải Phòng, là một trong những thủy thủ, pháo thủ trên tàu không số (mật số 235) do Trung uý Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng. Quê ở xã Trung Đông (Trực Ninh, Nam Định), năm 1963, khi còn học trung học, ông Phong xin ra chiến trường, bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) và bị thương nặng.

Sau khi dưỡng thương, tháng 6 - 1966, ông Phong làm thủy thủ tàu 235 nhận lệnh chở 60 tấn vũ khí vào Nam. Đầu tháng 2 - 1968, tàu xuất phát từ Vịnh Hạ Long với 20 người. Dù giả dạng tàu đánh cá nước ngoài, đi lòng vòng, nhưng tàu 235 vẫn nằm trong tầm ngắm của địch.

Rạng sáng 1-3-1968, sau khi cắt đuôi theo dõi của máy bay, tàu chiến địch, tàu 235 tăng tốc nhằm thẳng Hòn Hèo (Nha Trang, Khánh Hòa) rồi thả các kiện vũ khí xuống biển như quy ước. Đang tìm cách dìm một số kiện vũ khí nổi trên biển thì bất ngờ tàu bị khoảng 7 tàu chiến địch cùng máy bay đồng loạt tấn công dữ dội. Anh Phan Vinh, người nhiều hơn ông Phong 12 tuổi, hạ lệnh các thủy thủ quyết tử.

Sau khi bắn hết 12 hòm đạn, nhiều chiến sĩ bị thương. “Anh Phan Vinh đầu quấn băng, máu chảy ròng ròng ra lệnh: "Các đồng chí chuẩn bị đánh bộc phá, rời tàu". Sau khi đặt hẹn giờ 15 phút để nổ tàu, tất cả theo lệnh thuyền trưởng Phan Vinh lao xuống biển và tìm cách bơi vào bờ. Ít phút sau, kèm theo tiếng nổ là quầng lửa sáng rực. Tàu không số không để lại một dấu vết”, ông Phong hồi tưởng.

Ông Mai Văn Khung.
 

Thuyền trưởng Phan Vinh cùng một số chiến sĩ bơi theo hướng khác, nhóm ông Phong cũng bơi được vào bờ, nhưng thuyền phó Nguyễn Văn Nhi (quê Quảng Bình) hi sinh. Sau này ông Phong được đồng đội kể rằng thuyền trưởng Phan Vinh và anh Ngô Văn Thứ gặp phải ổ phục kích của địch, chiến đấu ngoan cường đến hơi thở cuối cùng. Nhóm ông Phong sau gần 2 tuần lưu lạc trong rừng trong tình cảnh bị thương, đói khát, bị địch truy đuổi, nhưng vẫn sống sót.

Trong trí nhớ của người thủy thủ già, thuyền trưởng Phan Vinh có dáng người thư sinh, trắng trẻo, trán hơi hói. Tuy nhiên, những ngày vượt biển, thoát khỏi sự truy quét của địch, anh Phan Vinh (quê Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam) luôn khiến cánh lính trẻ nể phục bởi sự nhanh nhẹn, hoạt bát và quyết đoán khi đối mặt nguy hiểm.

“Thuyền trưởng có lập trường vững vàng, quyết liệt đến mức hơi nóng nảy vì nhiệm vụ, nhưng không bao giờ để bụng”, ông Phong kể. Trong số các đồng chí của thuyền trưởng Phan Vinh, ông Phong là một trong những người thân thiết nhất với gần 2 năm gắn bó.

“Anh luôn đùm bọc, che chở, hướng dẫn tôi tận tình trong công việc, chiến đấu cũng như cuộc sống hàng ngày. Tôi thấy ai cũng quý anh, không ai mâu thuẫn vì anh sống chan hòa, luôn nhận phần thua thiệt, gian khó về mình... Anh hi sinh lúc 35 tuổi, chưa có vợ vì tập trung cho nhiệm vụ, ít quan tâm tới cuộc sống riêng”, ông Phong nghẹn ngào.

Trên chuyến tàu huyền thoại đó chỉ có 6 người sống sót, nhưng đều bị thương. Ngoài ông Phong còn có ông Mai Văn Khung (68 tuổi, quê Thái Thụy, Thái Bình hiện trú tại quận Hải An, Hải Phòng). “Anh Phan Vinh ít nói, nhưng thương yêu anh em, luôn động viên, lên tinh thần chiến đấu cho chúng tôi và đặc biệt luôn nhận việc gian khó về mình”, ông Khung kể.

Trận đánh ác liệt với địch hơn 43 năm về trước để lại trong người ông Khung nhiều mảnh đạn. Giơ cánh tay trái cho tôi xem, ông Khung nắn nắn rồi cười nói: “Vẫn còn mảnh đạn trong tay, nó đây này. Tôi quyết không mổ lấy ra mà để lại làm kỷ niệm...”. Giọng ông Khung trầm xuống: “So với nhiều đồng đội đã hi sinh, mình còn sống là may mắn lắm rồi”.

Bài cuối - Cồn cào sóng biển

Theo Báo giấy