Tên lửa đạn đạo ATACMS của Mỹ lần đầu được khai hỏa ở Australia

TPO - Quân đội Mỹ lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS tại Australia. Vụ phóng được coi là một phần trong cuộc tập trận Talisman Sabre 23 hiện đang diễn ra ở quốc gia này.

Nếu trước đây ATACMS là loại vũ khí được ít người biết đến, thì giờ đây nó đã trở thành một mối quan tâm của giới quân sự sau khi Ukraine liên tiếp kêu gọi Mỹ cung cấp tên lửa nhằm chống lại các cuộc tấn công từ Nga.

Quân đội Mỹ đã công bố thông tin về vụ phóng ATACMS vào hôm 2/8 nhưng thực tế, tên lửa này đã được bắn vào tuần trước. Việc phóng ATACMS tại Australia ít nhiều đã làm dấy lên đồn đoán Canberra đang chuẩn bị mua hệ thống vũ khí mạnh mẽ này.

Trước đó, ngày 25/7, Australia đã công bố thương vụ trị giá 9,8 tỷ đô la Úc (6,6 tỷ USD) để mua 20 máy bay vận tải quân sự Super Hercules mới từ Mỹ.

Tên lửa đạn đạo ATACMS của Mỹ lần đầu được khai hỏa ở Australia.

Theo thông tin được công bố, tên lửa được phóng từ hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 HIMARS thuộc Lữ đoàn pháo binh dã chiến số 17. Máy bay vận tải MC-130J Commando II của Lực lượng Không quân Mỹ đã giúp di chuyển HIMARS nhanh chóng đến vị trí khai hỏa.

Quân đội Mỹ cho biết tên lửa được bắn là loại MGM-140, nhưng không tiết lộ biến thể cụ thể. Tuy nhiên, theo đoạn video được bố, tên lửa đã bay khoảng 260 km đến mục tiêu. Giới quan sát đánh giá rằng đây rất có thể là biến thể MGM-140E.

MGM-140E/MGM-168A hay còn gọi ATACMS Block IVA được giới thiệu vào đầu những năm 2000 và có đầu đạn nổ mạnh khoảng 226 kg, cũng như tầm bắn tối đa là 300 km, được sử dụng để tấn công các mục tiêu kiên cố.

Là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tất cả các biến thể ATACMS đều đạt tốc độ tương đối cao khi chúng lao xuống ở giai đoạn cuối của chuyến bay. Điều này có thể khiến hệ thống phòng không của đối phương phải đối mặt với một thách thức lớn.

Các bệ phóng chính cho ATACMS là hệ thống tên lửa phóng nhiều lần M270 MLRS và M142 HIMARS. Những bệ phóng này cũng có thể bắn rocket 227mm cũng như các loại đạn dẫn đường chính xác.

Theo The Drive