Ở nước ngoài, có khá nhiều thanh thiếu niên, thậm chí mới khoảng 15-17 tuổi đã tách khỏi gia đình để sống tự lập hoàn toàn. Nhưng trong con mắt của các bậc phụ huynh ở Việt Nam, những đứa con dưới 18 tuổi của họ còn rất bé bỏng và vẫn nằm trong vòng bao bọc của cha mẹ.
Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ Việt Nam, tuy đang sống cùng gia đình lại mong muốn được thuê nhà “ra ở riêng” để được hưởng cảm giác tự lo cho bản thân và tách khỏi sự quản lý của gia đình, coi đó là bước đầu tiên để có một cuộc sống tự lập. Thậm chí, trên các trang mạng xã hội còn thành lập các diễn đàn mang tên: Hội những người sống tự lập, Tôi thích sống tự lập… Đặc biệt, khi nhìn thấy tấm gương các bạn sinh viên sống xa gia đình không cần lệ thuộc tài chính vào gia đình, vừa có thể học tốt trên giảng đường, vừa có thể làm việc tích lũy thêm kỹ năng sống, mong muốn ra ở riêng để tự khẳng định bản thân lại càng thôi thúc các bạn trẻ.
Sự thôi thúc ấy đã khiến nhiều bạn trẻ có động lực để thành đạt hơn trong công việc cũng như tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Bạn Nguyễn T. Thúy (Đại học Ngoại thương, Hà Nội) là một trong số các bạn trẻ tự tách mình ra ở riêng và đã tự khẳng định được bản thân mình.
Thúy đã bỏ ra một tháng đi kiếm nhà và liên hệ công việc phù hợp với khả năng của bản thân trước khi đưa đề nghị ra ở riêng với bố mẹ. Tự thiết lập cho mình kế hoạch cụ thể cho từng công việc: một tháng lương, phải chi bao nhiêu cho tiền điện nước, tiền ăn uống, tiền học… còn thiếu, Thúy lại xin dạy thêm Tiếng Nhật và nhận dịch vào buổi tối.
Vốn ngoại ngữ tốt lại có kế hoạch chi tiêu hợp lý, Thúy còn dành dụm được tiền đổi điện thoại mới mà mỗi tuần về nhà chơi lại thấy được cha mẹ quan tâm, chăm sóc nhiều hơn, đôi lúc còn “nghe lén” được bố mẹ mang khoe thành tích sống tự lập của Thúy với làng xóm.
Cũng giống như Thúy, dù được sống trong “nhung lụa” nhưng Đỗ N.Anh ngay từ khi là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cộng tác với nhiều tờ báo lớn nhỏ ở Hà Nội. Kết thúc 4 năm đại học, cô đã có thể tự tin xin bố mẹ ra ở riêng và khẳng định được vị trí của mình trong công việc.
N. Anh chia sẻ: “Điều quan trọng khi bạn sống tự lập, đó là bạn phải cân đối được chi tiêu, ngay từ đầu tháng, bạn nên ước lượng và để riêng ra một khoản tiền cho các chi phí cố định như: tiền nhà, điện nước, tiền ăn. Ngoài ra duy trì một quỹ đề phòng khi có sự cố bất ngờ như: ốm đau, đồ đạc hỏng hóc...Tốt nhất là nên có một quyển sổ ghi lại thu chi trong ngày để tiện theo dõi và cân đối cho hợp lý”.
N. Anh cũng nói thêm: “Tự lập không hẳn đã sướng, vì nhiều lúc cảm thấy buồn và cô độc lắm, chỉ muốn trở về với vòng tay của cha mẹ…”.
Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng hiểu đúng nghĩa về “tự lập”. Như nhóm bạn của H gồm 3 cô nàng, ngay từ khi học cấp 2 đã có mong ước viển vông là sau này 3 đứa sẽ được sống cùng nhau, không phải sống với bố mẹ, được tự do làm những gì mình thích như nghe nhạc, xem phim cả ngày, đi chơi mà không cần xin phép, ăn uống xong không bị mắng vì tội không chịu rửa bát luôn, tối tối được nằm với nhau tâm sự đủ thứ trên trời dưới bể…
Nghĩ là làm, ngay khi vừa tốt nghiệp cấp 3, vào đại học họ đã năn nỉ hết nước để bố mẹ phải đồng ý cho ra ở riêng. Hí hửng chưa được bao lâu thì ước mơ của 3 cô nàng sớm sụp đổ khi mà đứa nào cũng lười, ăn xong bát đũa để đầy ra đó, không ai chịu rửa, đều là con gái nên rất hay tị nhau, từ chuyện to như con voi cho đến cỏn con như con kiến cũng không ngoại lệ. Tâm sự mãi thì cũng chán, hết chuyện để nói thì ai lại về phòng người ấy. Vậy là, sau đó không lâu cả 3 quyết định trở về nhà.
Nhiều bạn trẻ ra ở riêng không hẳn là những lý do lớn lao gì, chỉ đơn giản là, ra ở riêng thì sẽ được tự do, sẽ được ăn những gì mình thích, làm những gì mình muốn mà không phải để ý đến những người xung quanh. Ở riêng, mình sẽ không bị ai kêu ca, không phải làm những việc mình không muốn; khi đi đâu sẽ không bị ai quản lý, không phải trình báo này nọ...
Những thái độ sống tự lập để phát triển nhân cách phải hướng tới mục tiêu xây dựng những tương lai, an vui với gia đình, bạn bè và ổn định môi trường sống là đáng khích lệ. Trái lại, nếu ai đó vin vào hai chữ “tự lập” để sống cô lập, ích kỷ hay tách khỏi gia đình để sống buông thả, hưởng thụ thì cuộc sống người đó thật cô đơn, trống rỗng và hoàn toàn không có ý nghĩa.
Bạn Jerumi Tran chia sẻ trên facebook: "Tôi thích sống tự lập" rằng: "Nhiều người đầy tự tin, tự hào khi nói rằng họ sống tự lập không phụ thuộc vào gia đình. Nhưng nếu chú ý kỹ sẽ thấy, bất cứ ai thừa nhận điều đó, trong họ không hiện hữu cái tự mãn mà là sắc mặt nghiêm nghị, dè dặt bởi lẽ 2 từ "tự lập" không đơn giản như mọi người nghĩ. Do đó, nếu bạn quyết định ra sống tự lập có những thứ bạn cần hiểu rõ. 1. Một ý chí quyết tâm: Khi đã chọn ra ở riêng, tức là đem cái bản ngã, cái danh dự ra để thử thách, nếu chỉ vì ra đi nhất thời, nông nổi thì thà đừng làm việc dại dột như vậy. 2. Có khả năng về tài chính: tức là có công việc kiếm ra tiền và biết cách chi tiêu, sử dụng tiền. Có kết hoạch và thói quen tiêu tiền hợp lý. 3. Cần hiểu rõ, mục đích ra sống riêng để làm gì: Khẳng định bản thân có khả năng tự lo cho mình?muốn theo thời? muốn trốn khỏi gia đình? 4. Cuối cùng là dù cho có chuyện tồi tệ nào xảy ra thì đừng bao giờ hối hận”.
Việc bạn trẻ phải đi ở trọ do hoàn cảnh bắt buộc như đi học xa nhà, sớm vào đời để mưu sinh thì không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, các bạn trẻ khi có điều kiện đang được sống một cuộc sống đầy đủ mà muốn ra ở riêng vì bất cứ lý do gì, cần cân nhắc, cần phải xác định: Liệu mình có thể tự xoay xở với vô vàn các tình huống có thể nảy sinh, nhất là những lúc gặp khó khăn, thất bại, lúc cảm thấy cô đơn, ốm đau, bệnh tật,…? Bạn trẻ chỉ ra ở riêng khi cảm thấy thật sự mình có thể tự lập được, có nghĩa là mình có nghề nghiệp ổn định, có thể tự trang trải được cuộc sống của mình và chịu trách nhiệm về cuộc sống ấy. Không nhất thiết phải rời xa gia đình mới có thể sống tự lập. Do đó, nếu tự lập, hãy chọn cho mình những cách tự lập tích cực.
Theo Anh Đào
VietNamNet