Teen dạt vòm và tổn thương khó lành

“Đi bộ đội” hay “dạt vòm” là những thuật ngữ mà teen sử dụng khi tự rời bỏ mái ấm gia đình để tụ tập trong các quán net, hoặc sinh hoạt tập thể...

Teen dạt vòm và tổn thương khó lành

>> Teen Việt đua đòi sống không phụ thuộc

“Đi bộ đội” hay “dạt vòm” là những thuật ngữ mà teen sử dụng khi tự rời bỏ mái ấm gia đình để tụ tập trong các quán net, hoặc sinh hoạt tập thể...

Chỉ vì những một vài lời rủ rê mà các bạn trẻ bỏ mái ấm gia đình lao vào những cuộc vui không giới hạn. Ảnh minh họa: Người lao động .

Những lý do… rất teen

Muốn…“trả thù” gia đình vì bức bối, thất vọng khi bị bố la mắng suốt ngày mà L (15 tuổi, thành phố Hồ Chí Minh) đã bỏ nhà đi bụi. Bạn kể: “lúc nóng giận đã gom đồ đạc muốn bỏ đi chứ chưa hề nghĩ sẽ đi đâu, làm gì ngoài đường”. Thế mà cuộc “dạt vòm” ấy cũng diễn ra được ba ngày: Ngày đầu tiên, đến ngủ nhờ nhà bác bảo vệ khá thân ở trường cấp 2; đêm thứ hai ù tai trong quán net; đêm thứ ba lang thang ở cầu Sài Gòn và hoảng sợ trước những lời mời mọc của các cô gái “ăn sương”. Tiền hết, không có nơi để đi. Rồi như một thói quen, L lên xe buýt trên con đường quen thuộc dẫn về nhà với ý định nếu không có ai ở nhà sẽ lấy tiền trong hũ tiết kiệm và tiếp tục đi bất định nhưng bị người anh trai bắt gặp và bạn được đưa ngay về nhà.

Cũng vì buồn chán, Trần Minh Minh, học sinh THPT tư thục Khai Trí, đường Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5, TP.HCM đã rủ một người bạn gái cùng trường bỏ nhà đi bụi. Ban đầu, cả hai thuê phòng khách sạn ở TP.HCM để ở. Bốn ngày sau, cậu và bạn gái bắt xe đò đi thành phố Đà Lạt tiếp tục thuê phòng trọ sinh sống cho đến khi bị phát hiện.

Lại có cô bạn gái, cha mẹ vì cuộc sống “cơm áo, gạo tiền” mà không có nhiều thời gian chăm sóc cho con, chỉ trông cậy vào bà giúp việc. Bỗng một ngày, cô con gái cưng bỏ đi, tìm khắp mọi chỗ quen biết đều không thấy đâu. Chỉ đến khi cơ quan công an vào cuộc cha mẹ mới ngã ngửa: cô con gái cưng bỏ nhà đi bụi chỉ vì lời rủ rê của một cậu bạn mới quen qua mạng và được tìm thấy trong nhà nghỉ cùng người yêu. Khi ấy, cô mới 14 tuổi, học lớp 9 của một trường trung học phổ thông ở Hà Nội. Người lớn hỏi nguyên nhân cô bỏ nhà thì cô nói ráo hoảnh: “Thích thì đi thôi!”

Một nhóm học sinh khác chỉ vì xem một bộ phim trên mạng, muốn khẳng định bản thân mình cũng có thể làm được như nhân vật trên phim đã lấy trộm tiền của bố mẹ, chia nhau rồi cùng nhau bỏ trốn. Chỉ đến khi một trong số các em không thể chịu được cảnh đói, rét, gọi điện về cầu cứu gia đình thì cả nhóm mới được tìm thấy và đưa về nhà an toàn.

Teen “dạt vòm” không chỉ làm cha mẹ lo lắng mà chính bản thân các bạn trẻ còn có thể gặp phải những tổn thương khó lành. ảnh minh họa: forum.vietyo.com.

Những chia sẻ của người trong cuộc

Không phải bất cứ teen nào khi bỏ nhà “đi bụi” cũng cảm thấy thoải mái, sẵn sàng lao vào các cuộc chơi thâu đêm. Cũng không phải bất cứ teen nào “dạt vòm” cũng được trở về nhà an toàn trong vòng tay cha mẹ. Có những teen sau một thời gian bỏ nhà đã bị lừa bán, trở thành con mồi béo bở cho các chủ nhà chứa, hay làm nô lệ tình dục ở vùng giáp ranh biên giới…

Báo chí cũng đã đăng tải nhiều trường hợp như: Ngày 9-3, một cô học trò 15 tuổi, trú tại Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã bị một "yêu râu xanh" lợi dụng giở trò đồi bại khi bỏ nhà đi vì bị bố mẹ mắng bởi kết quả học tập sút kém; Đào Thu Hương, mới 14 tuổi đã cầm đầu nhóm cướp, hiếp dâm trẻ em, bị Công an Hà Nội bắt vào cuối tháng 7-2010, cũng là một nạn nhân của xã hội bởi gia đình ly tán, Hương ở với bố, nhưng lại không được sự quan tâm của bố, cảm thấy lạc lõng và tủi thân, Hương bỏ nhà đi bụi và phạm pháp.

Bạn L (TP.HCM) sau ba ngày “dạt vòm” chia sẻ: “Ý định của tớ là trả thù bố. Ý định độc ác đó đã khiến bố tớ gầy rộc người đi sau 3 hôm tớ bỏ đi. Bước chân vào nhà, tớ cúi đầu đi thẳng, chẳng nói câu nào. Tớ đặt bức thư xuống bàn và bước vào phòng khóa trái cửa. Tớ ngủ một giấc gần 12 tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy, tớ thấy ân hận vô cùng về những chuyện đã xảy ra. Tớ mong nó chỉ là giấc mơ mà thôi. Mâm cơm bố nấu mấy ngày vẫn còn nguyên trên bàn. Những mẩu giấy nhỏ ông ghi số điện thoại của các bạn tớ để hỏi tình hình. Tờ giấy nhỏ dán trước cửa: “Về đi con, bố chờ con đấy” vẫn còn nguyên. Tớ thấy ngực mình đau nhói. Sống mũi cay xè, tớ chạy vào nhà tắm để không ai nhìn thấy nước mắt của tớ. Tớ đã hiểu, bố tớ và anh trai đã lo lắng như thế nào. Tớ biết tớ quan trọng trong lòng bố".

Trải qua một lần dạt vòm vào tận Sài Gòn, Tuân (học lớp 10 tại một ngôi trường nổi tiếng TP Tam Kỳ - Quảng Nam) vẫn còn cảm thấy ngượng ngùng khi kể lại câu chuyện của mình khi chia sẻ trên báo Mực Tím: “Vào đầu năm học, được mấy tuần, mình bỗng cảm thấy chán nản, chẳng muốn học gì cả, chỉ muốn đi làm thôi. Một phút bốc đồng, mình chuẩn bị quần áo và đón xe vào Sài Gòn để tìm việc làm và cũng tiện thể… tham quan thành phố này một lượt. Vào đến nơi, mình đi mãi mà chẳng ai muốn thuê một thằng nhóc gầy còm chỉ quen cầm bút như mình. Vừa hoảng loạn, vừa đói bụng mình chả biết làm thế nào. Vét sạch tiền trong túi để gọi một cuộc về nhà để cầu cứu bố... Một lần thôi mình cạch đến già”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong một lần trả lời phỏng vấn của PV Chuyên đề ANTG về những bất thường có tính chất tiêu cực trong hành vi và lối sống của giới trẻ, tiến sĩ (TS) tâm lý học Hoàng Bích Ngọc - Giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân - người đã từng có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về tâm lý tội phạm khẳng định: Chuyện cá bạn trẻ bỏ nhà “đi bụi" là kết quả của sự lệch chuẩn trong nhận thức, biến thái của nhân cách. Khi tốc độ phát triển kinh tế xã hội quá nhanh kéo theo là sự xuất hiện ồ ạt của những giá trị mới, trong tâm lý của con người bắt đầu xuất hiện những xung đột giữa giá trị mới và truyền thống cũ. Sự xung đột đó có thể tìm thấy ở xã hội, ở trong một nhóm người hoặc thậm chí ở ngay trong chính một con người. Trong sự xung đột đó, nếu con người không có những lựa chọn đúng, không biết lựa chọn những giá trị ổn định thì nhân cách sẽ biến thái lệch lạc.

Còn TS xã hội học Khuất Thu Hồng lại phân tích hiện tượng này ở một góc nhìn khác. Là một nhà nghiên cứu xã hội, bà cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về người lớn bao gồm cả những người làm công tác quản lý, giáo dục và phụ huynh học sinh: Xã hội đang càng xuất hiện nhiều những gia đình mà cha mẹ vì quá mê mải với việc kiếm tiền mà lơi là trong việc quản lý con cái. Họ chỉ lo đáp ứng được nhiều, thật nhiều nhu cầu vật chất cho con và tưởng rằng chỉ cần thế là đủ. Khi con cái vuột khỏi vòng tay của cha mẹ và sa ngã, họ mới tỉnh ngộ rằng, vật chất không phải là thứ duy nhất cần thiết.

Không phải tất cả những em gái “đi bụi” đều là hư hỏng, có hoàn cảnh gia đình éo le, phức tạp, khó khăn về kinh tế, thiếu sự kiểm soát của cha mẹ... Thực tế cho thấy, rất nhiều trẻ trong những gia đình khá giả, cha mẹ là cán bộ nhà nước hoặc có địa vị xã hội, nhưng vẫn bỏ đi lang thang. Không ít em gái khi bị mắng là “ăn bám”, “vô tích sự” đã nổi tự ái, bỏ nhà tìm đường thoát li để... tự lập, rồi bị xâm hại tình dục, bị lừa bán, hoặc bị dụ dỗ tham gia các băng nhóm giang hồ...

Trong khi có biết bao nhiêu người ước mơ có một mái nhà để nương náu thì các teen lại sẵn sàng từ bỏ mái ấm ấy để chạy theo những cuộc vui nhất thời, vô bổ. Giới trẻ không nên coi việc bỏ nhà “đi bụi” là một trào lưu bởi nó đi ngược lại với những chuẩn mực đạo đức sẵn có, không chỉ làm cha mẹ lo lắng mà chính bạn thân các bạn trẻ còn có thể gặp phải những tổn thương khó lành.

Theo Thanh Mai
VietNamNet

Theo Tổng hợp