Lịch sử nhỏ
HMS Argus là con tàu sân bay (TSB) đầu tiên do người Anh đóng vào năm 1918, dựa trên khung của một tàu buôn dài 170m, có thể chở được 20 máy bay. Thủy thủ đoàn cùng với các phi công là 400 người. Để cất và hạ cánh an toàn thời đó, đòi hỏi những phi công dũng cảm và điêu luyện, mỗi lần cất cánh và hạ cánh thành công đều được cổ vũ nhiệt liệt.
Nhưng con TSB thực thụ đầu tiên là do các kỹ sư thuộc lực lượng Hải quân Nhật Bản thiết kế, mang tên Hosho được hạ thủy trong tháng 11-1921, với 600 nhân viên và 26 phi cơ trên boong.
Hơn 6 năm sau lại chính người Nhật đã đóng con TSB lớn nhất trước Thế chiến II - chiếc Kaga: dài 213m, mang 60 máy bay, với vận tốc trung bình trên 40km/giờ cùng 2.000 nhân viên phục vụ. Tới năm 1938 người Anh hạ thủy chiếc HMS Ark Royal dạng tương tự. Nhưng con tàu được mệnh danh là "niềm tự hào của Hải quân Hoàng gia" tồn tại không lâu lắm, tới giữa tháng 10-1941 TSB này bị ngư lôi Đức đánh đắm.
Cỗ TSB đầu tiên trên thế giới HMS Argus thuộc Hải quân Hoàng gia Anh.
Con tàu đầu tiên chuyên dụng làm TSB, được người Mỹ biên chế chính thức trong hạm đội của mình là vào giữa thập niên 30 thế kỷ trước; dù rằng trong những năm 1920 họ đã có 3 chiếc thuộc dạng này: 2 chiếc thuộc kiểu pháo hạm và một chiếc từng là tàu vận tải. Nhưng khi có cuộc chiến với người Nhật sau vụ Trân Châu cảng, họ nhanh chóng cho hạ thủy một loạt các "sân bay biết bơi", như chiếc USS Essex được hạ thủy cuối tháng 7-1942, lượng rẽ nước (LRN) 27.000 tấn, dài 270m với đoàn phục vụ là 2.700 người, mang theo tới 80 phi cơ, đạt được vận tốc 60km/giờ - đã phá "kỷ lục của mọi thời".
Các loại hàng không mẫu hạm
TSB được chia theo mục đích sử dụng và xếp thành 3 loại: tấn công, phòng thủ và đổ bộ, trong đó 2 loại sau mới xuất hiện khoảng giữa thập niên 1950. Mục đích chính của TSB phòng thủ là chống lại tàu ngầm và bảo vệ đường hàng hải khỏi các cuộc tấn công của quân địch.
Trung bình trên boong có từ 30-40 đơn vị chiếc, gồm những máy bay có tầm hoạt động ngắn cùng với trực thăng. TSB đổ bộ ngoài khả năng mang theo phi cơ và trực thăng, còn chứa được tới 2.000 binh sĩ cùng các phương tiện cơ giới vũ trang, xe tăng cũng như nhiên liệu dự trữ và bảo đảm công tác hậu cần. Ở Mỹ người ta không tính các tàu này vào đội TSB, mà là những tàu đổ bộ đặc biệt dùng cho lực lượng phản ứng nhanh.
Tàu đa năng Kirov của Hải quân Nga.
Loại quan trọng nhất đương nhiên là TSB tấn công, hay còn được gọi thông dụng là "TSB của hạm đội", nhằm mục đích tấn công các tàu chiến của đối phương, làm tê liệt các tuyến đường biển của địch, tăng viện đường không cho lực lượng đổ bộ và bảo đảm phòng không cho đoàn tàu chiến của mình.
TSB tấn công thường được hộ tống bởi từng nhóm hàng chục các loại tàu chiến chuyên dụng khác nhau như tàu khu trục, tàu phóng lôi, tàu ngầm… Những con TSB lớn nhất tính theo LRN lên tới cả 100.000 tấn, thường có từ 90-100 máy bay, hay đúng hơn là nhiều loại máy bay khác nhau: tiêm kích nhẹ và cường kích đeo bom hạng nặng, phản lực cơ và trực thăng săn tàu ngầm, phi cơ không thám, máy bay tiếp dầu trên không và máy bay vận tải.
Đường băng được dựng theo yêu cầu, khiến cho hình dáng của các TSB hiện đại trông rất "dữ tợn và kỳ dị". Nhưng chính vậy mới tạo khả năng cho từng cặp phi cơ siêu thanh cất cánh trong vòng 10 giây đồng hồ và hạ cánh trong vòng một phút. Một đường băng cho máy bay phản lực trên bộ cần tới 2-3km, hiển nhiên là nếu không áp dụng các phương tiện đặc biệt - dành cho phi cơ cũng như cho tàu chiến, thì việc cất và hạ cánh không thể thực hiện nổi trong khoảng giới hạn ít hơn 100m mà TSB có được.
Phi cơ cất cánh rời mặt boong nhờ hệ thống phóng.
Việc tăng vận tốc phi cơ tới độ cất cánh được là nhờ vào hệ thống phóng. Dù cách đóng khác nhau nhưng chúng cùng chung một nguyên tắc hoạt động: ở khoảng giữa của sàn cất cánh có một cái móc luôn chuyển động và máy bay được móc vào qua một sợi dây thép đặc chủng. Áp lực hơi hoặc khí nén giữ cái móc dưới một lực khổng lồ, cùng với phi cơ đang đạt được công suất động cơ tối đa…
Đúng lúc thích hợp, móc được "tháo" ra và máy bay bị "bắn" đi theo quán tính - đó là "đà" cất cánh, tạo điều kiện cho phi cơ lấy được độ cao cần thiết. Bản thân con tàu cũng góp thêm vào lực cất cánh, khi đó nó chạy hết tốc lực ngược lại với chiều gió.
Hạ cánh dĩ nhiên khó hơn việc cất cánh rất nhiều, đòi hỏi sự điêu luyện của phi công cũng như nhân viên chuyên trách trên boong. Nhất là khi tàu chòng chành do các con sóng lớn gây ra, làm mặt boong - đường băng bị nghiêng. Vấn đề quan trọng nhất của công việc hạ cánh là "bắt" các phi cơ đang lao xuống với vận tốc khủng khiếp đột ngột phải dừng lại. Cách làm cũng giống như những lần thử nghiệm đầu tiên dạo trước Thế chiến I, chỉ khác về cấu trúc phương tiện cùng sự trợ giúp của kỹ thuật.
Thẳng trên mặt boong, ở độ cao 20cm người ta căng vài sợi dây kim loại đặc chủng (năm 1910 dây được làm bằng cước bện, còn độ căng được dằn từ các bao cát). Khi chuẩn bị hạ cánh tiếp mặt boong tàu, phi công đồng thời cũng hạ luôn một cái móc ở phía sau thân máy bay nhằm móc vào sợi dây nói trên, khiến vận tốc sẽ chậm lại - cho tới khi dừng hẳn.
Nếu phi cơ không dừng lại được, để khỏi bị lật xuống biển, ở cuối đường băng nó sẽ bị chặn lại bởi một tấm lưới thép hoặc plastic ép đặc biệt - được nhấc lên hạ xuống trong chớp mắt qua sự điều khiển từ đài chỉ huy.
Loại TSB "siêu hạng" như chiếc USS Constellation đưa vào hoạt động trong năm 1961, hay chiếc USS Enterprise - cỗ TSB chạy bằng năng lượng hạch tâm đầu tiên được hạ thủy vào cuối tháng 9-1960…
Trong 1/4 thế kỷ sau, Hải quân Mỹ có thêm 4 chiếc TSB chạy năng lượng nguyên tử nữa gồm Nimitz, Dwight D. Eisenhower, Carl Vinson và Theodore Roosevelt (đều thuộc loại "siêu hạng" - LRN 100.000 tấn). Động cơ hạt nhân (như của chiếc Enterprise) gồm 8 lò phản ứng cùng 4 tuốc-bin, với tổng công suất tương đương 250.000kw, cho phép con tàu chạy liên tục trong nhiều thập niên ròng không ngơi nghỉ cùng vận tốc 60km/giờ.
Đoàn phục vụ của con tàu khổng lồ dài hơn 300m này lên tới 6.000 người: 50% chuyên về hải quân và 50% chuyên về không quân, được thay đổi định kỳ tùy theo yêu cầu nhiệm vụ. Các TSB dạng nhỏ hơn với LRN từ 75.000 - 80.000 tấn như chiếc USS Forrestal, hoặc chiếc USS Midwey có LRN 60.000 tấn… chạy bằng động cơ đốt trong và đều được đóng trong thập niên 60 thế kỷ trước.
Cồng kềnh, tốn kém dễ biến thành… "mồi ngon"
Con TSB chạy năng lượng hạch tâm đầu tiên trị giá một tỉ USD; còn như chiếc "siêu hạng" Theodore Roosevelt có giá tới 4,5 tỉ USD, cũng như chiếc Abraham Lincoln đóng cuối những năm 1980, hay chiếc George Washington đóng đầu thập niên 1990 vậy. Các TSB nói trên đều là của người Mỹ.
Các TSB Mỹ "siêu hạng" luôn được lực lượng hậu thuẫn đông đảo tháp tùng.
Đến giữa những năm 1970, người Nga chưa có một chiếc TSB nào cả. Sau đó lần lượt họ cho hạ thủy tới ba chiếc: Kiev, Minsk và Kirov. Nhưng chúng không đóng vai trò như các TSB truyền thống, mà giống như các pháo hạm có mang theo trực thăng trên boong cùng các phản lực cơ cất - hạ cánh theo chiều thẳng đứng. Nôm na là một dạng tàu "đa năng": chống tàu ngầm, bảo vệ tàu chiến và hỗ trợ hạm đội. Duy nhất là chiếc Đô đốc Kuznetsov đang còn hoạt động, được hạ thủy dạo cuối năm 1985 mang theo 17 máy bay tiêm kích và 24 trực thăng, cùng 1960 nhân viên phục vụ, trong đó phi hành đoàn là 626 người.
Quân đội Mỹ sử dụng TSB trong vai trò là căn cứ không quân ở những vùng xa lãnh thổ đất nước, nơi các hạm đội Mỹ "thường trực" trước các cuộc xung đột khu vực. Còn giới quân sự Nga thì cho rằng, trong điều kiện hiện đại với sự chính xác cùng sức tàn phá của các loại tên lửa đường dài, việc tìm ra và phá hủy một "vật cồng kềnh" giữa biển như TSB là điều "dễ như trở bàn tay", không như vũ khí hồi xưa cách đây hàng chục năm nữa. Bởi vậy nên đóng những con tàu có kích thước nhỏ hơn với nhiều tính năng hơn.
Nhưng đó cũng chưa phải là lý do duy nhất chống lại việc đóng mới những con TSB "siêu hạng". Việc bảo vệ một con tàu với hàng chục máy bay đắt tiền trên boong đòi hỏi số tàu tháp tùng ngang một hạm đội chuyên trách: tàu khu trục, phóng lôi, tàu ngầm…
Ngoài ra một phần đáng kể số lượng phi cơ trên boong cần phải ở lại túc trực thường xuyên, nhằm bảo vệ con tàu chống lại những cuộc oanh kích đường không bất ngờ. Động cơ hạt nhân đúng là tạo điều kiện cho con tàu hoạt động liên tục nhiều năm liền không nghỉ, nhưng các máy bay lại luôn cần số lượng nhiên liệu khổng lồ mà "tàu mẹ" không thể đáp ứng nổi, vậy phải luôn làm đầy bồn chứa bằng các tàu chở dầu - "mồi ngon" cho đối phương.
Kết quả việc duy trì một cỗ TSB "siêu hạng" cùng với đoàn tàu hùng hậu hộ tống nó luôn vượt quá giá thành tốn kém của bản thân con tàu, cũng như việc duy trì - bảo dưỡng từng chiếc một theo hạn định.