> Hình ảnh mới nhất về thuyền viên tàu Saigon Queen
> Thuyền viên tàu Saigon Queen kể về giây phút tàu chìm
Có thể vớt được tàu chìm
Chiều 31-10, Giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng Hải Việt Nam (Vietnam MRCC) Nguyễn Anh Vũ, cho biết: “Đáng lẽ, tàu Pacific Skipper cập cảng ngày 3-11, nhưng sẽ về chậm hơn lịch trình một ngày. Hành động lên tàu cứu nạn sau cùng thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân thật đáng khâm phục”.
rên trang web của chủ tàu (Cty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn), hình ảnh tàu Saigon Queen được treo ngay trang đầu để quảng bá cho doanh nghiệp. Công ty này thành lập ngày 22-9-1981 theo quyết định của UBND TP HCM (hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Sở GTVT TP HCM). Ngày 9-12-2004, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước Cty Vận tải biển Sài Gòn thành Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn. Năm 2006, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp Công ty Cổ phần lần đầu - Vốn Điều lệ 109 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Tổng Công ty Samco chiếm 51%.
Về con tàu chìm, ông Vũ cho biết đã xác định được vị trí, không sâu như vị trí tàu Vinalines Queen (chìm tại phía đông bắc Đảo Luzon- Philippines ở độ sâu 5.000m) nên có thể trục vớt được. Tuy nhiên, có trục vớt hay không sẽ do chủ tàu cùng đơn vị bảo hiểm quyết định.
Trước đó, trưa 30-10, Vietnam MRCC nhận được thông tin tàu Saigon Queen (hô hiệu 3WLR, dài 102.79 mét, rộng 17.028 mét thuộc Cty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn), với 22 thuyền viên, vận chuyển gỗ hành trình từ Miến Điện đi Ấn Độ, phát báo nạn khẩn cấp tại vùng biển Srilaka.
Ngay lúc đó, Vietnam MRCC đã liên lạc với tàu, nhưng không thể kết nối được. Khu vực tàu Saigon Queen hoạt động thời tiết rất xấu, đang chịu ảnh hưởng của cơn bão TWO.
Trước khi báo nạn, hàng trên tàu đã bị xô lệch và đã phải quay đầu để chằng buộc lại.
Vietnam MRCC đã phát thông báo hàng hải khẩn cấp, phối hợp với lực lượng tìm kiếm cứu nạn Sri Lanka (MRCC COLOMBO) và các cơ quan khác trong vùng tìm kiếm, cũng như tàu thuyền hoạt động trong khu vực triển khai ngay các hoạt động cứu nạn thuyền viên tàu Saigon Queen.
Thuyền trưởng hành động trách nhiệm
Đến 19h25 ngày 30-10, tàu Pacific Skipper (mang cờ Cộng hòa Síp) đã cứu được 3 thuyền viên tại vị trí tàu Saigon Queen chìm (tọa độ 07-59N; 084-07E lúc 11h30 cùng ngày) và giữ liên lạc được với 16 thuyền viên khác trên bè cứu sinh.
Do thời tiết khu vực rất xấu, lại vào ban đêm, dẫn tới việc cứu nạn 16 thuyền viên còn lại vô cùng khó khăn. 22h40 cùng ngày, tại toạ độ 08-02N; 084-34E, tàu Pacific Skipper đã cứu được 15 thuyền viên trên bè cứu sinh trong tình trạng sức khỏe tốt (chỉ 1 thuyền viên bị thương nhẹ).
Chờ cho các thủy thủ lên tàu Pacific Skipper hết, thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân mới đu dây leo lên. Ngay lúc đó, những cột sóng cao 6-7m ập tới, gió giật cấp 7 đã cuốn phăng vị thuyền trưởng.
Giám đốc Vietnam MRCC Nguyễn Anh Vũ nói: “Người thuyền phó sống sót kể lại, thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân (51 tuổi) sau nửa ngày chống chọi sóng gió dữ dội đã mệt lả. Khi bị sóng cuốn, thuyền trưởng Luân chỉ mặc áo phao. Còn 3 thủy thủ mất tích trước đó (ngay khi tàu chìm) chắc chắn không bị kẹt dưới con tàu Saigon Queen, mà đang trôi dạt trên biển. Họ có mặc áo phao và áo cách nhiệt”.
Vietnam MRCC cho biết, hoạt động tìm kiếm cứu nạn 4 thuyền viên mất tích đang được các lực lượng chức năng triển khai ở mức độ cao nhất.
Tối cùng ngày, Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật thông tin: “Chúng tôi sâu sát việc phối hợp tìm kiếm cứu nạn những người mất tích. 18 thuyền viên được cứu sẽ cập cảng đúng ngày 4-11. Đại sứ quán và chủ tàu sẽ đón. Hiện, chủ tàu đã đến từng gia đình 4 thuyền viên mất tích để thăm hỏi, động viên”.
Tàu hàng lớn nhất khu vực phía Nam
Sáng qua 31-10, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đỗ Ngọc Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải biển Sài Gòn, cho biết đang nỗ lực cùng các đơn vị chức năng tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên mất tích ở vùng biển Sri Lanka.
Theo ông Lâm, khi lâm nạn, con tàu đang chở gỗ từ Myanmar đi Ấn Độ với 22 thuyền viên trên tàu.
“Khoảng 12 giờ 15 phút, ngày 30-10, chúng tôi nhận được thông tin từ Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) cho biết, tàu Saigon Queen bị chìm. Chúng tôi đang tích cực tìm hiểu nguyên nhân và cứu nạn” - ông Lâm nói.
Một cán bộ của đơn vị này cho biết đã có danh sách thuyền viên được cứu sống cũng như đang mất tích, đồng thời đã thông báo với gia đình thuyền viên.
Tàu Saigon Queen có tải trọng 6.500 tấn, là con tàu hàng lớn nhất khu vực phía Nam với chiều dài 102 m, rộng 17 m được bàn giao vào cuối năm 2006 với tổng vốn đầu tư 118 tỷ đồng.
Sau đó, Saigon Queen được cho một công ty của Đan Mạch thuê. Tháng 10-2008, Saigon Queen được Công ty CP Vận tải biển Sài Gòn lấy lại và khai thác cho đến nay.
Saigon Queen được một cơ quan của Nhật thiết kế kỹ thuật và được Trung tâm tư vấn Tàu thủy Sài Gòn ứng dụng các phần mềm để thi công phần vỏ tàu.
Theo ông Lâm, toàn bộ phần thân tàu, máy móc, trang thiết bị được lắp đặt theo tiêu chuẩn của Đăng kiểm Việt Nam và các công ước quốc tế.