“Chiến lược” là thuật ngữ thường dùng để chỉ những loại vũ khí có năng lực hạt nhân.
Theo bản tin của KCNA, vụ phóng xác nhận độ tin cậy của hệ thống và thử nghiệm hoạt động tấn công dưới nước của các đơn vị tàu ngầm cấu thành năng lực răn đe hạt nhân của Triều Tiên. Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc cho biết, quân đội nước này được đặt trong trạng thái báo động cao và cơ quan tình báo đang làm việc với Mỹ để phân tích cụ thể vụ phóng.
Ngày 12/2, quân đội Hàn Quốc và Mỹ chuẩn bị triển khai chiến dịch tập trận chung kéo dài 11 ngày mang tên “Lá chắn tự do 23”, với quy mô chưa từng thấy kể từ năm 2017.
Đợt tập trận sẽ tăng cường thế trận phòng thủ phối hợp của hai đồng minh, bao gồm bài tập tấn công đổ bộ, quân đội hai nước khẳng định.
Triều Tiên lâu nay luôn khó chịu với các cuộc tập trận chung mà họ gọi là diễn tập xâm lược.
Hai vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm thể hiện quyết tâm của Triều Tiên trong kiểm soát tình hình, khi “Mỹ và Hàn Quốc ngày càng lộ liễu trong các cuộc tập trận chống Triều Tiên”, Bình Nhưỡng tuyên bố.
Bản tin của KCNA cho biết, hai tên lửa hành trình chiến lược được phóng từ tàu ngầm 8.24 Yongung ở vùng biển phía Đông trong sáng sớm 12/3, vượt qua quãng đường khoảng 1.500km trước khi đánh trúng mục tiêu trên biển.
Triều Tiên có đội tàu ngầm đông đảo, nhưng tàu 8.24 Yongung là tàu ngầm tên lửa đạn đạo duy nhất được biết đến với các cuộc bắn thử tên lửa. Theo giới phân tích, con tàu này đóng vai trò chủ chốt trong phát triển tên lửa, công nghệ tàu ngầm và quy trình vận hành, cũng như đào tạo các thuỷ thủ tàu ngầm mới.
Khi đi thị sát một cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn hôm 9/3, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ đạo quân đội tăng cường tập trận để ngăn ngừa và đáp trả nếu “chiến tranh thật sự” xảy ra.
Ngày 12/3, báo chí Triều Tiên đưa tin, ông Kim đã chủ trì một cuộc họp của đảng nhằm bàn bạc và quyết định “những biện pháp thực tế quan trọng” nhằm tăng cường năng lực răn đe chiến tranh của đất nước, khi Mỹ và Hàn Quốc gia tăng hành động.