Tạo app tư vấn sức khỏe tâm thần học đường

TP - Từ khoảng trống trong tư vấn tâm lí học đường hiện nay, nhóm sinh viên khoa Y, khoa Luật, khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học (ĐH) Hòa Bình đã có ý tưởng xây dựng một nền tảng ứng dụng miễn phí giúp tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần, từng bước đáp ứng nhu cầu của trẻ vị thành niên.

Trưởng nhóm Nguyễn Sơn Hải, khoa Y, Trường ĐH Hòa Bình, cho biết ý tưởng chính của dự án là những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học đường gia tăng nhanh chóng như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử, Hysteria (chứng cuồng loạn) tập thể... Nhóm nghiên cứu của Sơn Hải đưa ra các con số thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường, chưa được chú trọng nhiều. Theo số liệu của UNICEF, tỉ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở trẻ vị thành niên từ 8-29%, tỉ lệ số ca tự tử trên tổng số ca tử vong ở trẻ vị thành viên là 2,3%.

Khảo sát dịch tễ học trên mẫu đại diện của nhóm cũng cho thấy mức trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em, có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. “Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, học tập và sinh hoạt. Mặc dù vậy, chỉ có 8,4% vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho các vấn đề về cảm xúc và hành vi”, nhóm nghiên cứu nêu quan điểm.

Nhóm nghiên của của Sơn Hải trong những buổi làm việc cùng nhau. Ảnh: nhóm cung cấp

Sơn Hải và nhóm mong muốn dự án sẽ là nơi kết nối trẻ em và trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần với các chuyên gia tư vấn tâm lý và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện nay, dịch vụ tư vấn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội mới được cung ứng thông qua các trung tâm bảo trợ và công tác xã hội, bệnh viện tâm thần và phòng tham vấn tâm lý học đường; chất lượng và độ bao phủ của các dịch vụ này còn giới hạn và thường tập trung vào những rối loạn tâm thần nặng.

Vì vậy, ứng dụng công nghệ thông tin một mặt giải quyết những vấn đề trên để góp phần cung cấp thông tin tiếp cận dịch vụ; giúp trẻ vị thành niên và gia đình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng mặc cảm không muốn tiếp xúc trực tiếp có thể tiếp cận với các dịch vụ tư vấn tâm lý; định hướng hành vi lành mạnh cho trẻ, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tự tử hoặc phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên.

Nơi kết nối miễn phí

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, nhóm của Hải đã có ý tưởng xây dựng dự án “Tư vấn sức khỏe tâm thần trực tuyến góp phần phòng ngừa tội phạm ở tuổi vị thành niên” nhằm tạo ra một nền tảng ứng dụng giúp tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần, đặc biệt cho khoảng hơn 3 triệu trẻ em đang mắc những bệnh lý về tâm thần.

Sản phẩm của dự án là xây dựng app sàng lọc rối loạn sức khỏe tâm thần tuổi vị thành niên với đầy đủ các nội dung, kiến thức về sức khỏe tâm thần. Mong muốn của nhóm khi app đi vào thực tế sẽ cung cấp dịch vụ đầy đủ và thông suốt từ tư vấn sức khỏe tâm thần đến tư vấn kiến thức pháp luật phòng ngừa nguy cơ phạm tội đối với trẻ vị thành niên có những triệu chứng có nguy cơ dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật; định hướng tâm lý và hành vi ở tuổi vị thành niên, cung cấp kiến thức pháp luật giúp phòng ngừa nguy cơ phạm tội ở lứa tuổi này; giải quyết được tâm lý mặc cảm, tự ti của nhiều gia đình có con đang mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần đang cần được hỗ trợ, tư vấn nhưng ngại chia sẻ hoặc đi đến các cơ sở khám chữa bệnh. Đây là app hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng.

Với ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, liên quan đến từng cá nhân, gia đình, dự án của nhóm đã được trao giải 3 tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo của Trường ĐH Hòa Bình. App đang được hoàn thiện để đưa vào thực tế.