Phải có cơ chế ngăn “tham quyền cố vị”
Lý do được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra khi nghiên cứu phương án tăng tuổi nghỉ hưu tới từ nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội, tốc độ già hóa dân số nhanh và theo thông lệ quốc tế. Tuy chưa có phương án tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, nhưng điều này đã gây không ít băn khoăn, khi lo ngại tình trạng “tham quyền, cố vị”, mất cơ hội có việc làm của người trẻ. Đặc biệt, kéo dài tuổi làm việc có thể tăng áp lực lên quỹ lương của ngân sách nhà nước chi trả. Vì khi người tới tuổi nghỉ hưu (theo luật hiện hành) được làm thêm 2-3 năm, sẽ phải kéo dài thêm thời gian trả lương từ ngân sách nhà nước cho người đó, khi những người sát tuổi hưu thường có hệ số lương cao do thâm niên công tác mang lại.
Vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải tăng tuổi hưu hay không. Quan trọng hơn phải giải quyết câu chuyện chưa tới tuổi nghỉ hưu nhưng chất lượng làm việc đã già.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Chiều 12/10, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải tăng tuổi hưu hay không. Quan trọng hơn là phải giải quyết câu chuyện chưa tới tuổi nghỉ hưu nhưng chất lượng làm việc đã già. Theo xu thế, chúng ta phải điều chỉnh lương theo sức lao động, vì nếu người có kinh nghiệm, năng lực thì họ giải quyết công việc bằng mấy người mới nhận vào, không phải chất lượng lao động xấu - tốt đều được hưởng lương như nhau như hiện nay.
“Phải có cơ chế để người không đảm bảo năng lực phải được thải loại, loại trừ, để không xảy ra tham quyền, cố vị. Lãnh đạo phải giỏi thì mới làm được lãnh đạo, không phải như hiện nay”, ông Lợi nói.
Để giải quyết câu chuyện tuổi hưu và ổn định Quỹ Bảo hiểm Xã hội, quỹ lương ngân sách, theo ông Lợi, nếu gần tới tuổi nghỉ hưu người nào không đáp ứng được yêu cầu công việc có thể chuyển công việc khác phù hợp hơn. Thậm chí, có cơ chế để người không đáp ứng công việc được nghỉ hưu sớm và nhận trợ cấp xã hội, về nghỉ vài năm tới tuổi nghỉ hưu mới được giải quyết hưởng lương hưu.
“Phải hướng tới xây dựng tài khoản cá nhân cho người tham gia bảo hiểm hưu trí, để ai cũng biết được mình đã đóng được bao nhiêu. Tới tuổi nghỉ hưu, để lại trong tài khoản số tiền của mọi người như nhau và chi trả lương như nhau, ai vượt hơn sẽ giải quyết trả số vượt đó 1 lần. Khi đó, sẽ không còn phải lo mất cân đối quỹ hay lo tính toán tăng - giảm lương hưu nữa”, ông Lợi nói.
Không muốn làm có thể nghỉ sớm
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho biết, ông thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Về lo gia tăng quỹ lương từ ngân sách nhà nước, theo ông Dũng, điều này không đáng lo ngại. Vì mỗi cơ quan đều có số lượng biên chế nhất định, chỉ khi có người nghỉ hưu mới được tuyển thêm người mới.
“Người sắp nghỉ hưu lương cao, nhưng người trẻ lương lại thấp, nên bình quân thì mức lương vẫn không thay đổi. Mỗi cơ quan đều có định mức lương nhất định, không phải muốn phình bao nhiêu cũng được. Vì vậy, cũng không lo quỹ lương ngân sách sẽ tăng thêm khi tăng tuổi hưu”, ông Dũng nói. Tuy vậy, theo ông Dũng, không phải ai cũng muốn làm việc tới đúng tuổi nghỉ hưu, nhiều trường hợp rất muốn nghỉ hưu sớm, và chúng ta cũng có chính sách cho phép nghỉ hưu sớm.
Năm 2014, khi xây dựng Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH từng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi. Tuy nhiên, đề xuất này không được Quốc hội chấp thuận. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp tục xây dựng Bộ Luật Lao động (sửa đổi), và nghiên cứu đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó có thể phương án tăng tuổi hưu trước đây sẽ tiếp tục được đưa ra nghiên cứu, đề xuất.