Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI:

Tăng tuổi Đoàn, nên hay không?

TP - Sáng 25/5, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị góp ý xây dựng dự thảo báo cáo chính trị ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022 trong cán bộ, công chức, viên chức trẻ. Nhiều đại biểu tập trung trao đổi quanh phong trào ba trách nhiệm, trong đó lưu ý vấn đề độ tuổi và giải pháp thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên vào các hoạt động.
Có một số ý kiến cho rằng nên nâng tuổi Đoàn lên 35. Ảnh: Ngọc Châu.

Phong trào đã hấp dẫn chưa?

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn gợi mở các đại biểu trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết ĐH Đoàn toàn quốc lần X, những mặt được, chưa được, cụ thể từng nội dung. “Đặc biệt, phong trào ba trách nhiệm được đánh giá là chưa thực sự hiệu quả, chưa lan tỏa. Các đại biểu cùng bàn bạc, phân tích xem đánh giá nguyên nhân từ đâu. Phong trào không phù hợp hay cách thiết kế chưa hấp dẫn, hay việc thực hiện còn chưa kiên trì?”, anh Tuấn nói.

Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay đã thay đổi khiến cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên có nhiều thay đổi, ví dụ như việc thu hẹp khu vực công theo đề án tinh giản biên chế. “Độ tuổi của cán bộ Đoàn và đoàn viên sẽ tăng, thậm chí có cơ quan không còn đoàn viên nữa, sẽ tác động đến tổ chức chứ chưa nói đến hoạt động. Ví dụ như một vụ chỉ còn 3 – 5 đoàn viên, thanh niên mà nhiều khi 3 vụ mới thành lập được một chi đoàn nhưng lại có 3 chi bộ thì phối hợp tổ chức như thế nào? Nhiều khu vực chuyển sang cơ chế tự chủ cũng tác động đến tổ chức, hoạt động của Đoàn”, anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tác động rất lớn đến tổ chức, tập hợp lực lượng đoàn viên, thanh niên. “Trước đây có giấy mời, chữ ký, con dấu mới có hiệu lực. Nhưng bây giờ, một nhóm sinh viên có thể hình thành tổ chức hoạt động rất tốt, có thể tập hợp, huy động đoàn viên, thanh niên thông qua ứng dụng công nghệ”, anh Tuấn chia sẻ.

Trao đổi tại hội nghị, nhiều đại biểu thật thà nói rằng không biết rõ nội hàm khái  niệm phong trào ba trách nhiệm như thế nào. Hơn nữa, vẫn có dư luận về 30% công chức, viên chức sáng cắp ô đi tối cắp về, vậy phải xem trong đó có tỷ lệ bao nhiêu là thanh niên. “Rất khó đánh giá công chức trẻ làm việc hiệu quả hay không? Phải có tiêu chí cụ thể để đánh giá. Công chức trẻ có thực hiện được hay không. Đánh giá cán bộ công chức thì phải dựa tiêu chí của cả cơ quan chứ không riêng gì theo tiêu chí của đoàn”, chị Nguyễn Thị Hải Hà, Đoàn viên Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến. Cũng theo chị Hà, đoàn viên, thanh niên có thể rất hào hứng, xung kích, nhưng không bố trí được công việc chuyên môn để tham gia. Vì thế, khi triển khai phong trào ba trách nhiệm, T.Ư Đoàn cần làm việc với chính quyền để có chế độ, chính sách, đánh giá cụ thể để tạo động lực tham gia. “Trong hoạt động đoàn, tính tình nguyện nhiều hơn, khi vận động thì họ trả lời là hoạt động tình nguyện, có thể đi, có thể không đi, không được kỷ luật...”, chị Hà nói.

Anh Nguyễn Duy Sơn, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao cho rằng cần cân nhắc từ ngữ trong nhận xét về phong trào ba trách nhiệm, vì nhiều nơi thực sự phát huy hiệu quả. “Như ở Bộ Ngoại giao gắn phong trào này với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và được hưởng ứng rất nhiệt liệt, gắn với trách nhiệm với bản thân và công việc”, anh Sơn nói và đề nghị, trong thời gian tới, nên tiếp tục duy trì phong trào này. Tuy nhiên, cần có định hướng chung từ cấp T.Ư và sự sáng tạo của các đơn vị.

Tranh luận tăng tuổi Đoàn

Liên quan đến đặc thù của khối công chức, viên chức, có đại biểu đề nghị nên nới độ tuổi của đoàn viên, thanh niên tại các cơ quan, đơn vị. Chị Ngô Thu Trang, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp cho rằng, trong quá trình hoạt động, Đoàn cơ sở gặp khó khăn về tập hợp đoàn viên, thanh niên. Chỉ có 4 – 9 đoàn viên, trong khi tuổi đoàn viên, thanh niên đã khá cao, lại chủ yếu là nữ đang nuôi con nhỏ.

“Nhiều người đảm nhiệm khá nhiều vai trò trong cơ quan, vừa Đảng viên, vừa đoàn viên, vừa công đoàn viên... nên vai trò của đoàn viên khá mờ nhạt”, chị Trang nói và kiến nghị, nên có hướng dẫn cụ thể cho độ tuổi sinh hoạt đoàn. Bởi hiện nay, điều lệ Đoàn quy định đoàn viên hơn 30 tuổi thì kéo dài sinh hoạt lên 35 tuổi, nhưng khi đã quá 30 tuổi thì nhiều người không còn hứng thú tham gia sinh hoạt đoàn nữa, đặc biệt khi đã là Đảng viên.

Theo anh Ngô Quốc Hải, Đoàn Thanh niên Văn phòng Quốc hội, nếu cứ giữ độ tuổi đoàn như hiện nay thì các cơ quan, đơn vị còn rất ít đoàn viên, rất khó triển khai hoạt động. “Kiến nghị tăng tuổi đoàn lên thành 35, việc này phù hợp vì dân số Việt Nam càng ngày càng già. Quy định tuổi thanh niên chỉ 30 tuổi có lãng phí không, nên tăng lên 35 tuổi rất hợp lý”, anh Hải nói và đề xuất tăng thêm phụ cấp cho cán bộ Đoàn, bởi thời gian không có nhiều, chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm, việc đãi ngộ, khen thưởng không có nhiều.

Cũng có nhiều ý kiến phản đối việc tăng tuổi đoàn, bởi phong trào có mạnh hay không phụ thuộc vào sự thu hút của hoạt động, không bị tác động quá nhiều từ độ tuổi. Theo chị Phùng Thị Kim Ngân, Bí thư Đoàn Ban đối ngoại T.Ư, ở cơ quan nếu cứ 30 tuổi cho trưởng thành đoàn thì chỉ còn khoảng chục người. “Có lẽ không nên nới độ tuổi lên nữa mà nên có hướng dẫn cho các nhóm đặc thù, vẫn cho họ trưởng thành đoàn và vẫn có cơ chế cho sinh hoạt Đoàn. Có một cơ chế mở để họ tiếp tục tham gia, đóng góp”, chị Ngân nói. Về vấn đề này, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sẽ tiếp tục xin ý kiến để có luận cứ dựa trên thực tiễn đầy đủ hơn.

“Có lẽ không nên nới độ tuổi lên nữa mà nên có hướng dẫn cho các nhóm đặc thù, vẫn cho họ trưởng thành đoàn và vẫn có cơ chế cho sinh hoạt Đoàn. Có một cơ chế mở để họ tiếp tục tham gia, đóng góp”

 Chị Phùng Thị Kim Ngân, Bí thư Đoàn Ban đối ngoại T.Ư