Lương lãnh đạo DNNN còn thấp, nhiều bất cập
Tại tờ trình xây dựng dự thảo Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong DNNN, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cơ chế tiền lương, tiền thưởng hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, có sự phân biệt giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước. Có sự chênh lệch lớn tiền lương người quản lý giữa các doanh nghiệp ở ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
“Ngành sản xuất, công nghiệp, tiền lương bình quân của người quản lý khoảng 40 - 50 triệu đồng/tháng/người; ngành viễn thông khoảng 60 - 90 triệu đồng/tháng/người; ngành ngân hàng tài chính khoảng 100 - 120 triệu đồng/tháng/người. Có doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, lương lãnh đạo lên đến 200 triệu đồng/tháng/người”, tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương của người quản lý trong doanh nghiệp đã được nâng lên nhưng vẫn thấp so với chức danh quản lý tương đương trên thị trường. Điều này chưa tạo được động lực thu hút người quản lý giỏi làm việc trong DNNN.
Một số doanh nghiệp tư nhân trả lương cho người quản lý 130 - 150 triệu đồng/tháng/người; ngân hàng thương mại trả 150 - 200 triệu đồng/tháng/người, có trường hợp trả 250 - 300 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, người quản lý còn được hưởng tiền thưởng theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh bằng 30 - 50% tiền lương.
Cùng với đó, thẩm quyền đánh giá, quyết định mức lương của người quản lý chưa phù hợp. Trong đó, đại diện chủ sở hữu (hội đồng thành viên, kiểm soát viên) hưởng lương chung với ban giám đốc, do doanh nghiệp chi trả, làm giảm tính khách quan, độc lập và hiệu quả trong giám sát, chỉ đạo doanh nghiệp.
Bất cập trong cơ chế tiền lương là vấn đề được nhiều doanh nghiệp phản ánh thời gian qua. Ví dụ được đưa ra là trường hợp Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất. Đây là DN thua lỗ do lịch sử để lại và cơ quan chủ quản đưa nhân sự mới từ đơn vị khác về vực dậy. Tuy nhiên, cơ chế lương của người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này rất bất cập.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, một thành viên ban Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất cho biết, DN lỗ do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Đóng tàu Dung Quất lỗ lũy kế trước kia để lại. Vị này đề xuất, việc xác định quỹ lương cho người đại diện phần vốn cần loại trừ yếu tố khách quan.
“Theo quy định hiện hành, nếu năm sau giảm lỗ so với năm trước, DN được xác định quỹ lương người đại diện theo quỹ tiền lương cơ bản. Lương cơ bản do chủ sở hữu quyết định nhưng cơ sở nào để quyết định thì chưa rõ ràng. Chủ sở hữu của đóng tàu Dung Quất là Bộ Công Thương hay Ủy ban (UB) Quản lý vốn nhà nước tại DN quyết định? Chúng tôi hỏi nhiều nơi kể cả Bộ Công Thương, Bộ LĐ TB&XH nhưng vướng mắc này chưa được giải quyết”, lãnh đạo đóng tàu Dung Quất phản ánh.
Không chỉ vướng mắc ở tiền lương, để thu hút người tài lãnh đạo DNNN còn gặp vướng mắc về điều kiện bổ nhiệm. Trả lời câu hỏi về đề xuất thuê người nước ngoài làm lãnh đạo DNNN, ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch HĐTV VNPT cho biết, quy định hiện nay, lãnh đạo DNNN phải có quy hoạch, là Đảng viên. Trong khi đó, nhiều nhân sự giỏi không đáp ứng điều kiện này.
Ông Thái dẫn ví dụ, trong quá trình chuyển đổi số, VNPT có nhiều việc phải phối hợp với nhóm dự án khởi nghiệp có công nghệ mới. Khi hợp tác, VNPT cần bổ nhiệm chức vụ cho một đại diện nhóm khởi nghiệp, tuy nhiên người này chưa có quy hoạch, chưa là Đảng viên. Để giải quyết việc này, Ban Thường vụ VNPT ra nghị quyết nhất trí việc bổ nhiệm chưa có tiền lệ nhưng mang lại lợi ích và phải chịu trách nhiệm tập thể.
Nhiều đề xuất mới về lương lãnh đạo DNNN
Để giải quyết bất cập, hạn chế, Bộ LĐ TB&XH đề xuất nhiều điểm mới tại dự thảo nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong DNNN. Cụ thể, việc xác định quỹ tiền lương, tiền thưởng mang tính nguyên tắc và giao cho doanh nghiệp xác định, chi trả theo quy chế của doanh nghiệp.
Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước ngày 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, DNNN cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh, trong đó, chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là Đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp...
Quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành được xác định theo 2 phương pháp: Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân; Xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định.
Tùy theo nhiệm vụ, tính chất ngành nghề, điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp quyết định lựa chọn phương pháp xác định quỹ tiền lương.
Ban điều hành hưởng tiền lương, tiền thưởng tính chung trong quỹ tiền lương, tiền thưởng với người lao động và giao cho hội đồng thành viên đánh giá, quyết định cụ thể theo mức độ hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Mức lương tối đa của tổng giám đốc không vượt quá 10 lần so với mức lương bình quân chung của người lao động.
“Với dự kiến quy định này, mức tiền lương bình quân của tổng giám đốc tối đa khoảng 100 - 120 triệu đồng/tháng (ở tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn tối đa 170 - 180 triệu đồng/tháng). Mức tiền lương tối đa này bảo đảm bao trùm mức lương đang trả thực tế. Mức lương tối đa của Chủ tịch Hội đồng thành viên khoảng 160 triệu đồng và bước đầu tiệm cận mặt bằng tiền lương trên thị trường”, Bộ LĐ TB&XH cho biết.
Mức lương cơ bản được quy định gắn với các chỉ tiêu: vốn, doanh thu, lợi nhuận chia theo ngành, lĩnh vực. Mức lương cơ bản gồm 8 mức, chia theo 2 nhóm doanh nghiệp. Nhóm I: áp dụng đối với tổng công ty, tập đoàn kinh tế. Nhóm II: áp dụng đối với doanh nghiệp độc lập.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, DNNN có nguồn lực lớn nhưng hiện hiệu quả chưa tương xứng với tổng vốn đầu tư. Ngoài nguyên nhân xuất phát từ cơ chế, hiệu quả DNNN chưa cao xuất phát từ việc chưa thu hút được người tài làm lãnh đạo.
“Để thu hút người tài làm lãnh đạo DNNN, ngoài yếu tố tiền lương còn yếu tố cải cách điều kiện bổ nhiệm lãnh đạo. Có nhiều người giỏi, năng lực tốt nhưng không nằm trong tiêu chuẩn như quy hoạch lãnh đạo. Vì vậy, cần cải thiện đồng bộ thủ tục, quy trình, cách lựa chọn người lãnh đạo”, ông Long kiến nghị.
Cần nghiên cứu cơ chế thuê người nước ngoài lãnh đạo DNNN
Chuyên gia kinh tế cho rằng, để có thể thí điểm thuê giám đốc điều hành người nước ngoài, nhân sự không phải Đảng viên làm lãnh đạo DNNN cần có cơ chế đột phá.
Trao đổi với PV Tiền Phong về đề xuất thí điểm thuê giám đốc điều hành DNNN người nước ngoài, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế với điểm đột phá.
Theo TS Doanh, cơ quan chức năng cần có đề án về cải cách DNNN. Trong đó, nêu rõ sự lãnh đạo của Đảng uỷ DNNN và quyền chủ động quản lý của ban tổng giám đốc. “Hiện nay, trong hoạt động của DNNN, Đảng uỷ lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. Ban tổng giám đốc doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh phải trình bày trước Ban chấp hành, thường vụ Đảng uỷ. Vì vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ DNNN nào định thuê lãnh đạo người nước ngoài và làm rõ vai trò lãnh đạo Đảng uỷ trong các doanh nghiệp này”, ông Doanh kiến nghị.
Theo ông Doanh, nếu thuê người điều hành là người nước ngoài, cơ chế thí điểm phải làm rõ quy trình báo cáo, chịu trách nhiệm công việc với Đảng ủy doanh nghiệp. Khi chưa làm rõ điều này sẽ khó xây dựng cơ chế thí điểm thuê người nước ngoài lãnh đạo DNNN. Bên cạnh cải cách điều kiện bổ nhiệm, mức lương của lãnh đạo DNNN cần được xây dựng trên cơ sở phụ thuộc lợi nhuận doanh nghiệp. Mức lương lãnh đạo DNNN cần đối chiếu với vị trí tương đương của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở cùng ngành nghề.
Hiện nay, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo DNNN thực hiện theo Nghị định số 69/2023/NĐ-CP. Theo đó, người được bổ nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cần đảm bảo 9 điều kiện, trong đó có bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện chung theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể của chức vụ, chức danh bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Nhân sự từ nguồn tại chỗ phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự nguồn từ nơi khác phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch, việc bổ nhiệm do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhân sự bổ nhiệm có hồ sơ, lý lịch cá nhân, bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định…