Tập đoàn Hóa chất Việt Nam:

Tăng doanh thu, tăng thu nhập cho người lao động

TP - Dù nhiều khó khăn, nhưng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa về đích năm 2014 với con số ấn tượng, doanh thu đạt trên 46.000 tỷ đồng, tăng 5% so năm trước đó. Một trong những điểm sáng của Vinachem thời gian qua là quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa các Cty thành viên và thoái vốn tại 13 Cty mà Tập đoàn góp vốn.
Dây chuyền sản xuất ắc quy ô tô

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn


Năm 2014, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư của Tập đoàn đạt nhiều khả quan.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV Vinachem, năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu đều có tăng trưởng, tồn kho giảm mạnh, lợi nhuận đạt mức khá, nộp ngân sách đầy đủ theo quy định, công tác đầu tư đạt kế hoạch hóa khá tích cực, các dự án đầu tư cơ bản bám sát tiến độ, quy chế dân chủ… Công tác thực hiện Đề án tái cơ cấu tập đoàn đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực, nội dung và đạt kết quả tích cực.

Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt gần 42.400 tỷ đồng, tăng 2,2%; doanh thu trên 46.000 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ năm 2013. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần trên 2.770 tỷ dồng, nộp ngân sách trên 2.500 tỷ đồng. Ông Dũng cho biết, năm 2014 là năm Tập đoàn đẩy mạnh thực hiện sắp xếp đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó việc cổ phần hóa, thoái vốn là một trong những điểm sáng của Tập đoàn đoàn trong năm qua. 

Năm 2014, Vinachem đã cổ phần hóa thành công 2 Cty TNHH MTV là Cty DAP- Vinachem và Cty Hơi Kỹ nghệ Que hàn và tổ chức đại hội đồng thành lập Cty CP trong tháng 12/2014. Đối với Cty TNHH MTV Vật tư và Xuất nhập khẩu hóa chất, hiện đã tổ chức tư vấn xác định giá trị DN tại thời điểm 1/10/2014.

Đối với Cty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn đang tiếp tục chỉ đạo các Cty lập kế hoạch chi tiết cho quá trình cổ phần hóa với mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa năm 2015. 

Về công tác thoái vốn, lãnh đạo Vinachem cho biết, Tập đoàn đã tổ chức xác định giá trị DN và phần vốn góp tại của Tập đoàn tại 13/13 Cty thực hiện thoái vốn, đồng thời đã phê duyệt phương án chuyển nhượng tại 13 Cty trên. Theo đó, Vinachem đã thực hiện thoái vốn xong tại 7 Cty gồm: Cty CP Bảo Minh, Cty CP Que hàn điện Việt Đức, Cty Tài chính CP hóa chất và Cty CP Hóa chất Vĩnh Thịnh; Cty TNHH Hóa dầu Long Sơn, Cty CP Sản xuất thương mại và dịch vụ Phương Đông, Cty Phân bón Việt Nhật.

Với các đơn vị còn lại, như: Cty CP Sơn chất dẻo, Tập đoàn tiếp tục tổ chức bán đấu giá theo quy định trong năm 2015; CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VICS (Cty niêm yết) đang triển khai thoái vốn trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội theo quy định…

Mục tiêu tăng trưởng trên 7%

Năm 2015, là năm có ý nghĩa quan trọng khi đây là năm cuối thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2010-2015. Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của chặng đường ý nghĩa trên, Ban lãnh đạo Tập đoàn thể hiện quyết tâm, chỉ đạo, các cấp ủy trực thuộc, người đại diện phần vốn của Tập đoàn tập trung lãnh đạo Cty, đơn vị duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Cùng đó, tập trung thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm theo đúng tiến độ, đảm bảo đủ việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đăng ký với Tập đoàn. 

Theo đó, năm 2015, Vinachem phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế gần 45.450 tỷ đồng, tăng 7,2% so năm 2014. Cùng đó, doanh thu năm nay của Vinachem phấn đấu đạt 49.240 tỷ đồng, tăng 7% so năm 2014, lợi nhuận không thấp hơn năm 2014; nộp ngân sách theo quy định và tăng tiền lương khoảng 5% so năm ngoái.
Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm tới, Vinachem cũng đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xem xét, có cơ chế chính sách hỗ trợ, giúp đỡ Tập đoàn có đủ nguồn vốn bổ sung vốn điều lệ, hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao. Tập đoàn cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện và ban hành Quy chế hợp tác trong việc thăm dò, khai thác, chế biến quặng apaptit tại Lào Cai theo hướng có hình thức hợp tác giữa Vinachem với các doanh nghiệp khác; chỉ đạo giảm giá bán than cho các đơn vị sản xuất phân bón của Vinachem... 

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đề nghị Thủ tướng cho phép các đơn vị sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn được mua than cám để sản xuất điện trong các nhà máy sản xuất phân bón bằng với giá than mà Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản bán cho ngành điện.