Tận thấy cuộc sống của cư dân 6 khu tập thể nguy hiểm chuẩn bị di dời ở Hà Nội

TPO - Nhiều hộ dân tại 6 khu chung cư nguy hiểm cấp D trên địa bàn Hà Nội, thuộc diện di dời trong quý I/2022 cho biết, họ đồng tình, ủng hộ chủ trương của thành phố nhưng do còn một số vướng mắc nên vẫn bám trụ lại các tòa nhà đang xuống cấp, sụt lún theo ngày, giờ này.

Theo Kế hoạch 335 về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đợt 1, thành phố sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư nguy hiểm cấp D, trong đó quận Ba Đình có Khu tập thể Giảng Võ (Nhà C8 ở cấp D); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A ở cấp D); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A ở cấp D); Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D). Quận Đống Đa có Nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng.

Do đó thành phố yêu cầu UBND quận Ba Đình, UBND quận Đống Đa có trách nhiệm di dời dân khỏi các tòa nhà này trong quý I/2022.

Tuy nhiên, ghi nhận ở thời điểm hiện tại nhà G6A tập thể Thành Công nằm trên mặt đường Nguyên Hồng, (phường Thành Công, quận Ba Đình) vẫn còn rất nhiều hộ dân sinh sống, kinh doanh.

Được biết nhà G6A được đưa vào sử dụng từ năm 1987 gồm 5 tầng với 3 đơn nguyên. Trong đó, hai đơn nguyên 1 và 2 có mức độ nguy hiểm cấp D, đơn nguyên 3 mức độ nguy hiểm cấp C. Năm 2017, UBND phường Thành Công đã gắn biển thông báo yêu cầu các hộ dân ở hai đơn nguyên trên không cơi nới trái phép và chủ động tháo dỡ để tòa nhà bảo đảm khả năng chịu lực.

Trong khi đó, anh Phạm Trung Văn (34 tuổi, cư dân tòa G6A tập thể Thành Công) bày tỏ: Tôi cũng nhận thấy nhà có xuống cấp nhưng chưa đến mức trầm trọng. Tuy nhiên, nếu nhà nước có chủ trương cải tạo, xây mới chúng tôi vô cùng nhất trí nhưng chủ đầu tư cũng cần công khai chính sách cải tạo và đền bù rõ ràng, công khai tiến độ thực hiện dự án”.

Bên cạnh những hộ dân như ông Chi, anh Văn thì một số hộ dân khác tại nhà G6A tập thể Thành Công đã di dời về khu tái định cư, do đó căn hộ của họ được bịt tôn ở cửa.

Tương tự nhà G6A tập thể Thành Công, công trình nhà A tập thể Ngọc Khánh (đường Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình) cũng còn khá nhiều hộ dân sinh sống và kinh doanh tại tầng 1.

Công trình nhà A tập thể Ngọc Khánh gồm 2 đơn nguyên 5 tầng được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước để cấp cho công nhân viên của Công ty xây dựng nhà ở Hà Nội. Do việc sụt lún nên 2 đơn nguyên của nhà A tập thể Ngọc Khánh tách rời ra một khoảng.

Những hộ dân còn trụ lại ở nhà A tập thể Ngọc Khánh cho biết họ đang sống trong nơm nớp lo sợ vì nhận thấy từ lâu tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng khi các mảng tường đều nứt vỡ, ngấm nước, bong tróc nặng; phần cót ép trần đã mục nát, rơi vỡ trong khi các cột nhà lộ rõ lõi sắt han gỉ.

Tất cả phần chân tường ở cầu thang lên xuống trong nhà A tập thể Ngọc Khánh đều có vết nứt toác thành rãnh chạy dài và lan rộng từng ngày, lan can cầu thang hoen gỉ, gẫy mục từ lâu, có nơi cư dân phải để cánh cửa gỗ thế chỗ cho lan can để có chỗ bám víu khi lên xuống.

Ông Lê Nguyên Thống, đại diện tòa nhà A, B tập thể Ngọc Khánh kiến nghị: “Từ khi thành phố có chủ trương cải tạo, xây mới nhà tập thể xuống cấp chúng tôi ai ai cũng đồng ý, ủng hộ và mong thực hiện. Nhưng để đảm bảo tiến độ cải tạo, xây mới và đảm bảo việc tái định cư cho cư dân, chúng tôi đề xuất chủ đầu tư phải kí quỹ nhằm đảm bảo tiến độ quy định theo thời gian để cư dân tái định cư và tránh việc mua đi bán lại công trình”.

Ngay gần nhà A tập thể Ngọc Khánh, Nhà C8 tập thể Giảng Võ (đường Trần Huy Liệu, phường Giảng Võ, quận Ba Đình) cũng thuộc diện nguy hiểm cấp D nhưng hiện tại vẫn còn 18 hộ dân ở đơn nguyên 3 chưa di dời.

Theo ghi nhận của PV, một số khu vực tại nhà C8 tập thể Giảng Võ đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nơi tường và trần nhà đã nứt toác trong khi sàn sụt lún nghiêm trọng.

Nhận thấy tình trạng nguy hiểm của tòa C8 tập thể Giảng Võ nên nhiều hộ dân đã di dời từ lâu, cửa nhà được bịt tôn kín mít và dán giấy niêm phong.

Còn tại hai đơn nguyên đầu hồi của tập thể Bộ Tư Pháp (Ngõ 35 Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình) được biết đến nay còn 2/42 hộ dân chưa di dời.

Anh D, một hộ dân sinh sống tại tập thể Bộ Tư Pháp cho biết: “Hai đơn nguyên đầu hồi do tường sụt lún, hai bên lại không có công trình che chắn nên các hộ dân sợ nguy hiểm đã đồng ý di dời. Chúng tôi sống ở đơn nguyên giữa nên cảm thấy nguy hiểm ít hơn và cũng chưa bố trí được cuộc sống, do đó chúng tôi chưa đi”.

Theo đại diện UBND quận Ba Đình thì 4 khu chung cư cấp độ D thành phố yêu cầu di dời người dân đã di chuyển cách đây khá lâu. Trong đó tập thể Bộ Tư pháp chỉ còn 2 hộ chưa di dời ở đơn nguyên 1, 3; nhà 148-150 Sơn Tây còn 3 hộ chưa đồng ý; Nhà C8 Giảng Võ ở đơn nguyên 3 có 18 hộ chưa di dời; nhà G6A Thành Công (đơn nguyên 1, 2) còn 28 hộ. Sau khi có quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ tái định cư, quận sẽ tiến hành triển khai ngay các biện pháp để di dời người dân.

Còn đối với chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) gồm 2 đơn nguyên, đại diện UBND phường Láng Hạ cho biết đơn nguyên A còn 40 hộ dân chưa di dời, trong khi đơn nguyên B đã di dời gần hết, chỉ còn lại 3 hộ dân đã nhận nhà tạm cư, hiện đang ở lại để thuận tiện cho việc đi học của con cái.

Theo UBND thành phố Hà Nội, đối với từng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cụ thể, theo tình hình thực tế triển khai, dự kiến sẽ mua lại các quỹ nhà ở thương mại, sử dụng quỹ nhà ở xã hội để tạo lập quỹ nhà ở tạm thời theo quy định. Về nguồn vốn, dự kiến huy động từ 3 nguồn, gồm vốn xã hội hoá (với trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận với doanh nghiệp bất động sản lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư); nguồn vốn đầu tư công; nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố cho các chủ đầu tư vay để triển khai...

Trường hợp nhà nước trực tiếp thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư và đầu tư xây dựng quỹ nhà tạm cư, nhu cầu vốn đầu tư công khoảng 65.360 tỷ đồng, gồm: Khoảng 60.500 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D (Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp). Khoảng 4.860 tỷ đồng để xây dựng 5 dự án tạm cư tại quận Hoàng Mai, quận Tây Hồ, huyện Đông Anh.