Tầm nhìn của chúng ta rộng, hẹp, cao, thấp, nông, sâu ra sao?
Dưới đây là một cuộc đối thoại tôi đưa ra để quí vị thấy tầm nhìn của người trả lời, hay thế giới trong đầu óc của người đó.
Anh A hỏi anh B:
A: Đời sống kinh tế của anh bây giờ thế nào?
B: Tôi đang tìm việc làm.
A: Có nhà cửa gì chưa?
B: Đang ở nhà thuê.
A: Tiền ở đâu thuê nhà?
B: Cha mẹ giúp đỡ. Bây giờ tôi cần kiếm việc làm để trả tiền thuê nhà.
A: Vậy khi anh có việc làm, có khả năng trả tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, mơ ước kế tiếp của anh là gì?
B: Tôi cố gắng kiếm nhiều tiền hơn để mua một căn nhà.
A: Nếu anh đã có căn nhà, mơ ước tiếp theo của anh là gì?
B: Tôi cố gắng làm sao cho con cái ăn học thành tài, tốt nghiệp đại học, và có cuộc sống riêng. Lúc đó tôi hết trách nhiệm với nó.
A: Vậy anh có nhà cửa xong, con anh học đại học xong, có cuộc sống riêng rồi, mơ ước kế tiếp của anh là gì?
B: Tôi trở thành triệu phú đô la.
A: Anh được hai ba triệu đô la tiền mặt rồi, mơ ước kế tiếp của anh là gì?
B: Đi chơi đây đó cho vui.
Quí vị thấy đó, bức tranh trong đầu thể hiện tất cả tầm nhìn của người ấy, quyết định phong độ, phong cách và thể hiện luôn khả năng của người ấy.
Sáng tạo bức tranh trong đầu càng lớn càng tốt
Thông thường, các trường đại học ở Mỹ chọn sinh viên để đào tạo để trường được nổi tiếng. Tiêu chuẩn thứ nhất là anh phải đủ điểm hay gần đủ điểm của trường thì trường mới ngó đến anh. Tuy nhiên, bên cạnh điểm số, năng lực học tập của anh, người ta còn chú ý đến cái khác, quan trọng hơn.
Nhiều khi anh đạt chưa đủ điểm, nhưng thông qua một cái đơn anh gởi cho trường, thông qua thành tích hoạt động của anh ở một trường nào đó, người ta thấy được tầm nhìn, tầm vóc lớn của anh. Và đây là điều quan trọng nhất để các trường ở Mỹ chọn lựa người tài – người có khả năng ăn nói tốt, có tầm nhìn rộng lớn toàn cầu, có tấm lòng biết nghĩ tới người khác, biết nghĩ tới xã hội.
Bên cạnh số điểm cao, đủ tiêu chuẩn thi, người ta bảo anh viết một đơn thể hiện nguyện vọng của anh về trường này, lý do nào anh chọn ngành học ở trường này. Anh bảo: “Tôi thích đại học này vì nó nổi tiếng về ngành mà tôi đang muốn theo. Đó là ngành y khoa. Tôi thích ngành học này và tôi có khả năng. Tôi tin mình có thể học tốt ngành này. Hiện nay đời sống kinh tế của gia đình tôi quá khó khăn, thế nên nguyện vọng của tôi sau khi tốt nghiệp là tìm được một công việc lương tối thiểu hai trăm rưỡi ngàn đô một năm. Đó là mơ ước lớn nhất của tôi.” Đọc xong nguyện vọng đó của anh, dù trường không từ chối nhưng người ta sẽ khinh anh. Nếu chỉ vừa đủ điểm thôi mà anh viết nguyện vọng như vậy, anh phải đóng thật nhiều tiền mới có thể học trường này được.
Nếu thiếu điểm nhưng anh có nguyện vọng rằng, “Mục tiêu, mơ ước lớn của tôi là sản xuất ra những loại thuốc điều trị bệnh ung thư vú cho phụ nữ. Sẽ không có người phụ nữ nào trên thế giới mắc bệnh này mà không khỏi bệnh. Tôi không nghĩ đến tiền, không nghĩ đến tiếng tăm của cá nhân mình, không nghĩ đến sự nghiệp trở thành một bác sĩ giỏi để được nổi tiếng. Tôi chỉ có hoài bão, mơ ước lớn lao ấy. Tôi rất buồn vì hiện nay trên thế giới nhiều người phụ nữ chưa trị được bệnh ung thư vú. Là phụ nữ, biết đâu chừng tôi cũng sẽ bị bệnh đó, do đó tôi quyết tâm theo đuổi ngành này để tìm cách chữa trị cho mọi người nữ trên thế giới này.”. Với nguyện vọng đó, người ta sẽ nhận anh ngay và cấp học bổng cho anh.
Giấc mơ anh cỡ nào, tầm nhìn anh cỡ nào và niềm vui của đời anh là gì? Quí vị phải tỉnh táo để nhìn thấy điều này trong đầu óc mình. Trong thời nào cũng vậy, người ta quí trọng những người có niềm vui với ước mơ phụng sự nhân loại. Đó là tầm vóc của con người, nhất là các bạn trẻ. Do đó, quí vị cố gắng sáng tạo bức tranh trong đầu mình càng lớn càng tốt.
Trong thời gian còn ở nhà trường, các bạn hãy vẽ những bức tranh lớn trong đầu óc của mình. Và tất cả mọi người, bất kể là nam hay nữ, bất luận chúng ta ở giai đoạn tuổi tác nào, hoàn cảnh kinh tế, học thức ra sao, chúng ta đều có khả năng để sáng tạo một giấc mơ trong đầu của mình. Giấc mơ ấy nói lên tầm vóc của chúng ta.
Vừa phát triển tầm nhìn, vừa tự do với quyền lợi
Đất nước của chúng ta, dân tộc của chúng ta cần nhiều người có những ước mơ lớn. Tổ tiên của chúng ta có nhiều người coi thường quyền lợi riêng tư như cụ Trần Nhân Tông. Chẳng lẽ là con cháu của các vị ấy mà chúng ta không giúp được? Sao tối ngày cứ nghĩ quanh quẩn đến quyền lợi riêng tư?
Phải thừa nhận rằng sống trong xã hội hiện nay, chúng ta bị một áp lực rất nặng nề. Một trăm người gặp chúng ta là cả một trăm người đánh giá chúng ta phải làm sao để có quyền lợi riêng. Điều này quả thật là rất đau lòng. Quí vị phải có khả năng phá vỡ thói quen ích kỷ đó. Hãy phát triển tầm nhìn từ đầu óc tự do với quyền lợi. Vừa phát triển tầm nhìn, vừa tự do với quyền lợi.
Muốn phát triển được sự tự do này, phương pháp quan trọng nhất là chúng ta phải luôn luôn biết rằng: quyền lợi dễ làm cho đầu óc của mình mất tự do. Chúng ta tránh được quyền lợi theo kiểu cũ nhưng có thể dính vào quyền lợi theo kiểu mới. Phải thận trọng!
Trước đây mình không được ai để ý, chú trọng, nhưng khi tầm nhìn mở ra, mình được nhiều người để ý, chú trọng và nó biến thành quyền lợi ngay. Trước đây khổ đau, bây giờ không khổ đau, nó sẽ biến thành quyền lợi ngay tức khắc. Trước đây nói không ai nghe, mình phải nghe người ta nói, bây giờ mình nói nhiều người nghe và người ta muốn nghe mình nói, coi chừng nó biến thành quyền lợi ngay lập tức. Nhiều người trân trọng, quí mến, tin tưởng mình, muốn lắng nghe mình thì một thứ quyền lợi, danh lợi khác bắt đầu. Phải coi chừng thứ quyền lợi mới này! Khi nó đã biến thành quyền lợi, cái nhìn của quí vị là cái nhìn từ quyền lợi chứ không phải cái nhìn từ cõi hạnh phúc tự do với quyền lợi nữa.
Mặc dù nó do sự mở mắt đem lại, do tình yêu đem lại nhưng phải coi chừng nó biến thành một thứ quyền lợi tinh vi vô hình. Coi chừng niềm vui, hạnh phúc và cái thấy mới từ sự mở tầm nhìn, mở mắt dẫn quí vị đi vào một thế giới quyền lợi khác. Rồi ở trong thế giới quyền lợi này, cái nhìn của mình về chính mình, về người khác không còn tự do nữa, và tầm vóc của mình sẽ nhỏ bé trở lại, sẽ đáng bị khinh bỉ.
Người ta sẽ thất vọng, sẽ mất niềm tin với mình và không còn ai tin mình nữa. ”Cực chẳng đã tôi mới sống với anh, với chị, chứ tôi không thể tin anh, tin chị được.” Khi nói chuyện, cư xử, chúng ta khó giấu được ảnh hưởng của một thứ quyền lợi mới đem lại cho mình. Và nếu chúng ta cứ lẩn quẩn mãi với quyền lợi, với lợi danh thì dân tộc của chúng ta sẽ ra sao?
Phải sáng tạo một tầm nhìn, tự do với kiến thức cũ
Chúng ta phải sáng tạo một tầm nhìn. Chúng ta hoàn toàn có khả năng khai mở một tầm nhìn rộng lớn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Con người chúng ta, tầm vóc, suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của chúng ta sẽ đi theo tầm nhìn này. Hãy quên đi những tầm nhìn cũ, những mối quan hệ cũ trước đây. Hãy bỏ nó qua một bên. Cố gắng mở tầm nhìn khác. Phải trở nên xa lạ với những kiến thức cũ của mình, với những gì mình đã biết.
Có tầm nhìn, có bức tranh lớn trong đầu óc mình, lúc nào quí vị cũng thấy đời sống của nhân loại này nằm trong bức tranh đó. Mà một trong những nội dung của tầm nhìn là chúng ta thể hiện lòng trắc ẩn của mình đối với đời sống khó khăn của con người. Nếu có vui thì chúng ta vui trong cái đó. Chúng ta sẽ có một cái vui riêng nữa là tự do được với quyền lợi cá nhân.
Hãy hành động bằng khả năng của chính mình, bằng lời cầu nguyện, bằng sự chia sẻ nhỏ nhất, bằng sự dạy dỗ con cái hãy nghĩ đến người khác… Vào quán uống cà phê, ăn một bữa sang trọng, chúng ta cố gắng nghĩ đến những người còn đang đau khổ trong đất nước của mình và trên thế giới.
Duy Tuệ
Nội dung được biên tập từ Audio “Liên hoa trí thấy tự do”