Tâm sự xót xa của giáo viên giữa mùa Covid-19: Dạy online còn hơn phải nghỉ dạy

Tính đến hiện tại, Việt Nam có tất cả 123 người nhiễm Covid-19. Giáo viên - nghề nghiệp suốt bao năm qua vẫn được cho là ổn định nhất  lại là đối tượng đầu tiên phải đối mặt với ảnh hưởng từ đại dịch lần này.

Suốt hơn 2 tháng vừa qua, người dân cả nước gần như “mất ăn mất ngủ” vì dịch bệnh. Tính đến hiện tại, Việt Nam có tất cả 123 người nhiễm Covid-19, nhưng số “nạn nhân” thực sự của đại dịch này đã lên tới cả trăm nghìn người. Họ chính là những người lao động đang phải nghỉ việc không lương, thu nhập giảm sút, thậm chí còn phải tìm việc mới để mưu sinh. Trong đó, giáo viên - nghề nghiệp suốt bao năm qua vẫn được cho là ổn định nhất - lại là đối tượng đầu tiên phải đối mặt với ảnh hưởng từ đại dịch lần này.

Đam mê nhưng phải bỏ nghề đi làm giúp việc

“Ở trên này có ai là giáo viên hợp đồng như mình không? Mấy người hợp đồng trường mình xin nghỉ đi công ty hết rồi. Nên mình cũng nghỉ vậy.

Càng nghĩ càng buồn, 5 năm trôi qua yêu nghề mong sẽ có ngày có cơ hội làm viên chức, mà dịch này nghỉ vài tháng, bọn mình vẫn làm việc như giáo viên biên chế mà không có lương. [...] Hôm nay mình nhắn tin xin nghỉ luôn rồi, tìm một hướng đi, một công việc mới còn nuôi con nữa”.

Trên đây là tâm sự của một giáo viên trẻ có tên K.A trong một group kín trên mạng xã hội, thu hút tới 5.100 lượt bình luận và 20.000 lượt yêu thích. Không chỉ cô gái này mà còn rất nhiều giáo viên khác cũng đang lâm vào cảnh “sống dở chết dở” vì dịch bệnh kéo dài. 

Học sinh không thể tới lớp, đồng nghĩa các trường cũng không có nguồn thu. Nhiều nơi đã phải cắt giảm, thậm chí còn chẳng thể trả lương, nhưng vẫn bắt giáo viên làm đủ thứ việc: dạy học, liên lạc với phụ huynh, vệ sinh trường học... Có giáo viên mới nghỉ đẻ được 4 tháng đã bị điều động tới trường cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng vì sợ bị mất việc.

Với mức lương động từ 2-4 triệu/tháng, cuộc sống của nhiều giáo viên hợp đồng vốn đã bấp bênh. Giờ đây, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhiều giáo viên đành dứt áo ra đi, tạm biệt giảng đường để đi tìm kế sinh nhai mới. Người chọn ở nhà làm ruộng, phụ bán tạp hóa, người thì đi làm giúp việc, quét dọn…

Học hành chăm chỉ suốt 4 năm đại học, lại kiên nhẫn chờ đợi vài năm nữa để được vào biên chế, giờ bỏ thì tiếc mà tiếp tục theo thì chẳng biết tương lai sẽ như thế nào. Đứng trước gánh nặng cơm áo gạo tiền, những giáo viên này không thể cứ tiếp tục dạy học không lương dù đam mê với nghề vẫn còn đó.

 

Dạo qua một vòng các trang tìm người giúp việc nhà và trông trẻ những ngày gần đây, không khó để thấy những bài đăng xin việc của các giáo viên mầm non đang nghỉ dịch. Tiền công trông trẻ, giúp việc tại gia sẽ được tính theo giờ hoặc ngày; mỗi ngày họ có thể kiếm được 200.000-300.000 đồng. Công việc cũng không khác so với ở trường là bao, vẫn chỉ là cho trẻ ăn, ngủ, nghỉ, vẽ tranh, đàn hát như bình thường.

“Thực ra, công việc trông trẻ là chuyên môn của mình nên cũng không có gì vất vả mấy, thay vì ở trường thì nay là ở nhà. Nhưng nói chung, tâm lý ai cũng vậy, chỉ mong dịch bệnh qua mau để được đi dạy trở lại” - cô Hằng - giáo viên trường mầm non tư thục - trả lời báo Dân trí.

Phải nghỉ dạy vì dịch Covid-19, các giáo viên mầm non đành nhận trông trẻ thuê để kiếm thêm thu nhập.

Cả ngày không rời nổi điện thoại, máy tính dể dạy online

Ngay cả với những người bám nghề, tình cảnh cũng không dễ dàng hơn là bao. Thầy Đỗ Minh Trung - một giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội - chia sẻ, cuộc sống sinh hoạt của mình đã hoàn toàn đảo lộn vị dịch Covid-19. Trước đây thầy chỉ dạy 3 tiếng/ngày, thời gian còn lại để chăm sóc bản thân và lo việc nhà, nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ngày nào thầy cũng mất hơn 8 tiếng cho công việc dạy học. 

“Cả ngày chỉ xoay quanh việc nhắn tin thông báo rồi trả lời cho phụ huynh và học sinh, cứ như thế từ sáng đến tận tối”, thầy Trung nói. Do dạy học online, thầy giáo này phải tốn nhiều thời gian hơn để có thể theo dõi sát sao tiến độ, nghĩ ra đủ cách để đảm bảo học trò không chép bài trên mạng hay của bạn bè.

Cũng chung cảnh ngộ, cô Phạm Dung - giáo viên dạy Văn tại Hà Nội - cho biết mình không dám rời khỏi điện thoại hay máy tính một giây nào vì mọi thứ từ báo cáo cho đến dạy học đều được thực hiện trên mạng. “Thậm chí, có hôm giáo viên phải họp online đến tận 11h đêm. Nhiều việc đến mức điện thoại cũng đơ luôn ra đấy”, cô cho biết.

Dạy học online cũng đem lại vô vàn các thách thức cho giáo viên. Họ phải thay đổi phương pháp giảng bài cho phù hợp với hoàn cảnh, làm quen với các ứng dụng công nghệ mới chưa dùng bao giờ. Theo cô Dung, mỗi buổi học trên Zoom chỉ có 30 phút miễn phí, nhưng việc điểm danh đã chiếm khá nhiều thời lượng. Chưa kể đôi khi đường truyền kém, cả cô và trò đều “out” ra và phải vào lại từ đầu.

 

“Dạy thế này vất vả hơn bình thường rất nhiều. Trong lúc dạy online, học sinh cũng nghịch ngợm hơn, hết trêu thầy cô, ăn uống tự do rồi cãi nhau chí chóe… nhưng đành nhắc nhở thôi chứ không xử lý như trên lớp được”, thầy Trung cho biết. 

Là người trực tiếp tham gia dạy học qua truyền hình, cô Dung thấu hiểu hơn ai hết nỗi vất vả của các giáo viên đằng sau mỗi bài giảng vỏn vẹn 30-35 phút. Tình hình thay đổi liên tục, nhiều lúc vừa họp xong vào Chủ nhật, các thầy cô đã phải đi quay luôn vào thứ Hai, thứ Ba nên cũng không tránh khỏi các sai sót.

“Chúng tôi phải chuẩn bị vô cùng chỉn chu từ giáo án trình chiếu cho đến lời lẽ. Vì đây là kiến thức chung cho học sinh toàn thành phố nên bài giảng phải kết hợp cả nâng cao lẫn cơ bản để phù hợp các đối tượng khác nhau”, cô giáo này cho biết. Vì thế, khi nhìn thấy những lời lẽ tục tĩu, chê bai mà học sinh để lại dưới các video bài giảng, các giáo viên không khỏi chạnh lòng.

Khác với cô Dung, thầy Trung chỉ là giáo viên tự do nên không thể thu học phí khi mà học sinh nghỉ học tại nhà. Dù vậy, thầy vẫn cố gắng làm hết trách nhiệm của một nhà giáo, đều đặn giảng bài và hướng dẫn qua mạng. “Nếu không phải vì đam mê, không phải vì yêu quý thì cũng rất khó để tiếp tục trong hoàn cảnh dịch bệnh này”, thầy tâm sự.

 

Dịch bệnh vốn dĩ là điều không ai mong muốn. Hầu hết các giáo viên đều hiểu rằng tất cả những gì họ đang thực hiện chỉ là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh khó khăn này. Giờ đây, ai nấy cũng chỉ mong dịch Covid-19 sẽ sớm qua mau để giáo viên có thể lên lớp, học sinh có thể quay lại trường.

“Giáo viên cũng cần phải sống mà…”, thầy Trung ngậm ngùi nói.

Theo Theo Tổ Quốc