Trần Nhượng ở ngoài rất lành và thân thiện, đến độ được xếp hạng thân thiện nhất, nhì làng nghệ sỹ. Ông ứng xử chan hòa với đồng nghiệp, với những tầng lớp khác nhau trong xã hội, từ anh xe thồ đến lãnh đạo cấp cao. Ấy thế mà chẳng hiểu sao, các đạo diễn lại tặng anh toàn những vai bị ghét: “Tôi toàn nhận vai gai góc, lúc trùm ma túy, lúc trùm xã hội đen. Nhận vai cán bộ lãnh đạo thì toàn thoái hóa biến chất, vào vai doanh nhân thì toàn doanh nhân không ra gì...”.
Người chuyên trị “vai đểu” trải lòng: “Khán giả chỉ yêu vai chính diện, tử tế. Họ thương những vai có hoàn cảnh khổ cực, khó khăn, hiền lành, chất phác. Chẳng ai yêu quý một thằng đểu, một tội phạm giết người, dù anh có diễn hay đến mấy. Nếu ở sân khấu thì ít khi được tặng hoa, còn ở điện ảnh truyền hình thì ít khi được khán giả ngợi ca”.
Có những “pha” va chạm trong đời sống thực khiến Đại tá CAND, NSND Trần Nhượng không khỏi buồn tủi: “Như hồi tôi mới lấy cô vợ thứ hai, dắt nhau về quê ông bố nuôi. Nghỉ ngang đường, vừa mở cửa bước vào quán, tôi đã bị mấy bà trong quán đứng ra chỉ vào mặt: Ối giời, cái ông này chuyên đóng vai đểu. Trông mặt như này mà toàn đóng vai đểu. Tôi cảm thấy ngượng với bà vợ mới cưới, cũng cảm thấy bị xúc phạm nữa”.
Trần Nhượng kể, trước đây, nhà ông gần chợ Thái Hà (Hà Nội), hàng ngày “bà xã” hay ra chợ mua đồ ăn. Ra đến chợ, “bà xã” của ông thường xuyên bị các bà ở chợ làm cho khốn khổ: “Ối giời, hôm qua lại được xem ông ấy ôm gái. Tại sao ông ấy toàn làm vai “khốn” thế?”. Vợ Trần Nhượng phân trần: “Đó là phim, ở ngoài đời ông nhà tôi cũng hiền lành”. Mấy bà “đốp” lại: “Ôi giời, chắc ngoài đời cũng phải như thế thì lên phim mới đóng được như thế chứ!”. “Bà xã” lại mang chuyện về kể với chồng. NSND Trần Nhượng chỉ biết cười buồn! “Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”, cụ Nguyễn Du khi xưa đã viết.
Nhận được vai tử tế trong “Bão ngầm”, NSND Trần Nhượng rất vui. Ông cũng hồi hộp chờ ngày phim lên sóng VTV1, để đón nhận phản hồi của khán giả. Nếu khán giả không tin Trần Nhượng có thể tử tế thì cũng đành. Bởi ông đã vắt hết sức mình cho vai diễn: “Phim làm trong gần 2 năm, thêm mấy tháng dính dịch nữa, thành ra mất 2 năm. Vai diễn của tôi khá vất vả. Tôi thủ vai một thiếu tướng, giám đốc công an tỉnh, một mẫu lãnh đạo rất thực tế. Ông ra hiện trường, trèo đèo lội suối, chui vào tận hang ổ của tội phạm. Vị thiếu tướng rất thẳng thắn, cương trực nhưng nóng tính. Ông nghiêm khắc nhưng tình cảm, dễ xúc động”, Trần Nhượng chia sẻ đôi chút về vai diễn trong “Bão ngầm”.
“Nhiều khi tôi nghĩ bí quyết trẻ lâu là do tôi không có tiền. Không có tiền nên trẻ lâu, vì không phải nghĩ đến nó nên cảm thấy vô tư và thanh thản”.
Trần Nhượng lý giải sự trẻ lâu của mình
Hình như là “nghiệp chướng”
Sinh ra ở Hải Dương, trong một gia đình làm nông dân vất vả, nhà có 6 anh chị em, chỉ một mình Trần Nhượng theo nghệ thuật: “Hình như nó là “nghiệp chướng”, ông nói về nghề của mình.
Hồi xưa, bố mẹ ông, nhất là người bố, kiên quyết không cho Trần Nhượng đi theo nghệ thuật: “Khi tôi trúng tuyển vào Đoàn Ca Múa Kịch Hải Hưng, hai ông bà tìm mọi cách cản phá. Ông bà biết một quy chế: Tất cả diễn viên đã vào đoàn, ít nhất phải 3 năm sau mới được yêu. Bố mẹ tôi ép tôi phải lấy vợ, vì nếu lấy vợ thì người ta không tuyển tôi nữa. Thực ra, ông bà cũng chỉ muốn con cái ổn định. Ông bà gây sức ép bằng mọi cách, ông thì chửi, bà thì khóc, gọi bà, cô, dì, chú, bác, suốt ngày suốt đêm qua nhà tôi thuyết phục tôi từ bỏ nghệ thuật”.
Trần Nhượng bèn tìm cách trốn khỏi nhà: “Thời chiến tranh phá hoại đi lại khó khăn lắm, không có xe máy, ô tô, toàn đi xe đạp mà nhà tôi lại không có xe đạp. May ông anh rể có cái xe Phượng Hoàng, tôi mượn xe để trốn lên cơ quan. Từ nhà tôi lên cơ quan chừng 70 cây số. Đường ngày xưa khó đi phải đi xe đạp từ sáng tới tối mới đến. Tôi báo cáo với Đoàn tình cảnh của mình. Đoàn tổ chức họp. Hồi trẻ trông tôi sáng sủa, đẹp trai, khả năng nghệ thuật lại được đánh giá tốt. Đoàn đành chấp nhận tôi là trường hợp đặc biệt, đặc cách cho lấy vợ, để gia đình vui vẻ. Họ cũng về nhà gặp gia đình tôi rồi làm cam kết. Bố mẹ tôi định dùng sức ép buộc tôi lấy vợ để Đoàn từ chối không nhận tôi. Nay Đoàn lại đưa ra giải pháp mới. Ông bà đành “thua”. Tôi lấy vợ, để vợ ở nhà với ông bà. Còn tôi lại lên cơ quan bắt đầu sự nghiệp hoạt động nghệ thuật”.
Năm 1982, nghệ sỹ Trần Nhượng chuyển về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân. Ông xứng đáng là nghệ sỹ nhân dân từ danh hiệu đến thực tế: “Đoàn Nghệ thuật Công an là đoàn đi nhiều nhất trong các đoàn nghệ thuật của cả nước. Đoàn chúng tôi ngoài việc phục vụ chiến sỹ còn phục vụ nhân dân rất nhiều, đi khắp các tỉnh, các huyện, thậm chí đến tận các xã trong 63 tỉnh, thành. Có những tỉnh, tôi đến diễn cho khán giả khoảng 20 lần. Tất cả những vùng biên giới, hải đảo chúng tôi đều đã có mặt”.
Hỏi Trần Nhượng: Giữa sân khấu và phim ảnh, ông nặng tình bên nào hơn? Nghệ sỹ đáp: “Thành tựu của tôi đến từ sân khấu. Có được huy chương vàng và những thành tích khác đều nhờ sân khấu cả”.
Khác với phim ảnh, trên sân khấu Trần Nhượng thường thủ vai chính diện. Ông không nhớ một đời hoạt động sân khấu đã đi qua bao nhiêu vai: “Đến năm 80 tôi mới bắt đầu chạm ngõ điện ảnh với vai đầu tiên trong phim nhựa của Điện ảnh Công an Nhân dân, “Vệt sáng ngược”. Từ thập kỷ 80 đến thập kỷ 90 tôi làm không biết bao nhiêu phim truyền hình”.
Trần Nhượng kể thêm, riêng đóng tiểu phẩm cho Truyền hình Quân đội, ở mục “Chuyện của chúng tôi”, ông “nhẵn mặt” với khán giả. Một vị đại tá còn đề nghị với người phụ trách “Chuyện của chúng tôi” thời ấy, nên đổi tên chuyên mục thành “Chuyện của Trần Nhượng”. Ông cũng là người đầu tiên ký hợp đồng với Truyền hình Việt Nam lồng tiếng phim nước ngoài: “Hồi đó tôi chỉ đạo và tham gia lồng tiếng phim “Ô sin”, “Cô chủ nhỏ”, “Quyền được yêu”… toàn những bộ phim truyền hình dài tập của nước ngoài được khán giả một thời yêu thích”.
Ở phim “Ô sin” Trần Nhượng lồng tiếng vai bố của Ô sin. Vừa làm phim, vừa lo lồng tiếng, Trần Nhượng tất bật đêm ngày, thậm chí ông còn ở Đài truyền hình nhiều hơn những người trong biên chế: “Đúng là “nghiệp chướng” mà”, ông cười, tự trào.
Dồn tình yêu vào sân khấu
"Tôi không đổ lỗi cho nghệ thuật khi cuộc sống riêng không như ý. Bởi rất nhiều người làm nghệ thuật nhưng vẫn hạnh phúc đó thôi? Chắc tại duyên số”, Trần Nhượng giãi bày. Ông cũng mong muốn có một tổ ấm, trở về nhà có bóng dáng đàn bà ngóng đợi: “Càng lớn tuổi càng cần có người bạn, bởi càng già cô đơn càng nhiều. Trong cuộc đời con người cái sợ nhất chính là sự cô đơn. Tôi đã mấy lần vấp ngã, đã từng trải qua mười mấy năm cô đơn, nên thấm thía”. Tuy nhiên, ông không gắng đi tìm, không muốn nói gì về tương lai: “Thật lòng tôi không biết tới đây liệu tôi còn tìm được “một nửa” của mình hay không”?
Trần Nhượng lại trở về với những đam mê sân khấu: “Sân khấu bắt con người ta phải sáng tạo ghê gớm. Chỉ mấy chục mét vuông nhưng gom cả thế giới trong đó, lúc là biển cả mênh mông, lúc là rừng núi âm u, lúc là nông thôn, lúc là thành phố. Cái khó của sân khấu ở đó, mà sự hấp dẫn cũng nằm luôn trong đó”. NSND Trần Nhượng thành lập CLB Sân khấu thử nghiệm, đã hoạt động từ rất lâu. Năm 2016, ông thành lập Nhà hát thử nghiệm Việt Nam, giữ vai trò giám đốc. Năm ngoái, ông thành lập Công ty Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Truyền thống Việt Nam: “Tôi vẫn nặng nợ với nghệ thuật truyền thống”, ông nói.
Cuộc sống của tôi không biết tả như nào!
Nếu ai đã gặp Trần Nhượng ngoài đời đều phải công nhận: Ông trẻ hơn tuổi rất nhiều. Trần Nhượng từng không muốn cô con gái xinh như hot girl của mình theo nghiệp diễn, ông sợ con cũng nghèo như mình.
Đề nghị ông chia sẻ thêm về cái sự nghèo của ông, Trần Nhượng cười: “Là so với một số ngành nghề khác, cuộc sống người ta đầy đủ hơn tôi rất nhiều, xe đẹp hơn, nhà to đẹp hơn, người ta còn sở hữu đất đai. Tôi không có gì. Bây giờ vẫn ở nhà thuê, tôi cũng mua được một căn chung cư chẳng đáng bao nhiêu tiền mà vẫn phải mua theo hình thức trả góp. Với nghệ sỹ như thế là nghèo”.
Tất nhiên, nghèo cũng một phần do lỗi của ông: “Tôi không tiết kiệm lắm, không biết tích lũy, tính lại hào phóng và hoang phí. Tôi có sở thích, thích gì mua nấy, biến nhà giống như cái kho, chả đâu vào đâu”. Sau khi hoàn thành bản “tự phê”, ông “chốt”: “Cuộc sống của tôi, tôi không biết tả như nào”.
Có người nói: Trần Nhượng đông vai diễn, tiền chảy đi đâu? Giải đáp từ nghệ sỹ: “Thời gian gần đây tôi ít vai chính, chỉ toàn vai ngắn. Tôi cũng chỉ thích vai ngắn, cho khán giả đỡ quên mặt, chứ vai dài quay mấy tháng ròng, thậm chí cả năm, tôi không còn làm được việc khác. Kể cả vai dài thì cát- sê phim truyền hình đáng bao nhiêu?”.
Ông kể, hồi làm phim “Người phán xử” ông còn tham gia một phim khác ở Sài Gòn: “Lúc đó, phim “Người phán xử” lại báo quay, tôi mua vé bay từ Sài Gòn ra, đi ô tô từ Hà Nội lên Hòa Bình, quay một phân đoạn, sau đó lại bay vào Sài Gòn. Nào vé máy bay, tiền xăng xe… một phân đoạn phim truyền hình thì đáng bao nhiêu tiền? Cao thì được triệu bạc. Chưa tính phục trang, không thể bao nhiêu phim mặc hoài bấy nhiêu bộ, tôi phải mua, chứ ai cho mình?”.
Ông cũng giải thích thêm: “Lương đại tá cũng được khoảng hơn chục triệu, với người khác cũng ổn. Nhưng tôi một bước lên xe, đi các tỉnh rất nhiều”. NSND Trần Nhượng thú nhận, ông quen đi ô tô, không đi được xe máy và xe đạp.
Khen cuộc đời Trần Nhượng hay, ông cười: “Nếu viết cuộc đời tôi thành tiểu thuyết hay thành kịch bản phim, với tên nhân vật khác, tôi sẽ nói được những góc khuất sâu kín nhất của mình”.
Tôi hỏi ông: “Ông có định viết tự truyện hoặc hồi ký?”. Ông ngập ngừng, bảo: “Cũng có thể nhưng chưa tìm ra người chấp bút”.