Tài trợ và tham nhũng

TP - Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) diễn ra tại Kiên Giang ngày 9-6, vấn đề tham nhũng được đề cập trong nhiều tham luận.

Bản tuyên bố của Các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam do ông John Hendra trình bày đã đánh giá: Cuộc điều tra gần đây do thanh tra của Chính phủ Việt Nam tiến hành với sự trợ giúp kỹ thuật và tài chính của Liên hợp quốc là bằng chứng quan trọng về các nguy cơ tham nhũng trong giáo dục cấp tiểu học và trung học ở thành thị.

Phụ huynh thừa nhận họ đã dùng tiền “chạy” trường cho con em mình được nhập học, và có đến 67% cha mẹ học sinh cho rằng đây là việc làm chấp nhận được. Đã có những khoản tiền lớn chi trả không chính thức trong giáo dục. Người nghèo là đối tượng chịu hậu quả nhiều nhất trong vấn đề tiêu cực nói trên.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cảnh báo những thách thức mới mà Việt Nam sẽ phải đối mặt sắp tới là: Biến đổi khí hậu, cải cách hành chính và chống tham nhũng. Lo ngại về đồng tiền đầu tư các chương trình, dự án bị lợi dụng tư túi là mối quan tâm của hầu hết các nhà tài trợ.

Những nơi có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao đang được Ban phòng chống tham nhũng Trung ương tập trung chỉ đạo là: quản lý, sử dụng đất đai; thuế, hải quan; xây dựng cơ bản; quản lý tài nguyên, khoáng sản...

Chống tham nhũng thế nào? Nhà đầu tư sẽ không bao giờ bỏ tiền vào những nơi mà họ nghi ngờ, mất niềm tin. Không phải ngẫu nghiên, Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế đã nhiều lần ngồi lại với nhau để đối thoại về vấn đề chống tham nhũng. Các nhà tài trợ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Các nhà tài trợ khi đề cập đến tham nhũng đã đưa ra thông điệp, tài trợ và tham nhũng là hai vấn đề mâu thuẫn, loại trừ nhau. Nếu không loại trừ được tham nhũng thì khó có tài trợ.