Tại sao phim lịch sử Việt Nam doanh thu lại bết bát?

TPO - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhận định điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm hay về đề tài lịch sử. Giới trẻ tìm đến phim lịch sử của nước ngoài nhiều hơn phim lịch sử Việt Nam.

Đừng bắt điện ảnh lịch sử phải như phim tài liệu

Sáng 9/11 tại Hà Nội, nhiều nhà làm phim, chuyên gia, nhà quản lý văn hóa có mặt tại Hội thảo Phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học để bàn về một số điểm nghẽn và giải pháp cho mảng đề tài này.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông khẳng định không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà điện ảnh thế giới cũng luôn xem các tác phẩm văn học như mảnh đất màu mỡ.

Hội thảo Phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học nằm trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội. Ảnh: Đào Anh Vũ.

Tại Việt Nam, một năm có 40 phim được sản xuất, ở mức trung bình nhưng tiềm năng phát triển rất phong phú. Dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể kể đến Chị Tư Hậu (từ truyện ngắn Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái), Mẹ vắng nhà (từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi), Đừng đốt (dựa trên nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm)…

Với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam có Sao tháng 8, Hà Nội mùa đông năm 46, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, gần đây là Đào phở và piano…

"Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm hay về đề tài lịch sử. Nhiều người Việt, nhất là giới trẻ, tìm đến phim lịch sử của nước ngoài nhiều hơn phim lịch sử Việt Nam. Chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định.

Điện ảnh cách mạng có nhiều tác phẩm ấn tượng về chiến tranh, lịch sử.

Từ phát biểu gợi mở của lãnh đạo ngành văn hóa, nhiều nhà làm phim, chuyên gia khẳng định dòng phim điện ảnh đề tài lịch sử nhìn đâu cũng thấy khó khăn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói các nhà làm phim Việt Nam đôi khi quá tôn trọng, quá ý tứ với tác giả văn xuôi nên không có nhiều sáng tạo khi chuyển thể tác phẩm văn học sang phim điện ảnh. Nhiều người cũng có nỗi sợ mơ hồ với đề tài lịch sử, dẫn đến sự kìm hãm đáng tiếc.

"Tôi từng hỏi một số học sinh thích Quan Vân Trường hơn hay vua Quang Trung hơn, 99% câu trả lời chọn Quan Vân Trường. Nhà làm phim, nhà văn Trung Quốc làm thế giới yêu Quan Vân Trường, nhưng chúng ta không làm được điều đó với một vị vua vĩ đại như Quang Trung. Nếu không dám tạo dựng đời sống cho nhân vật lịch sử, chúng ta không thể có đề tài hay. Đạo diễn làm phim lịch sử buộc phải sáng tạo", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói nhà làm phim nên sáng tạo, cởi mở hơn khi làm phim lịch sử.

Chung quan điểm với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Charlie Nguyễn nói nhiều người ấp ủ dự án hấp dẫn về lịch sử nhưng chưa làm được.

"Khi đón nhận phim điện ảnh về lịch sử, phải nhìn đó là tác phẩm nghệ thuật chứ không phải tư liệu lịch sử. Phim điện ảnh không phải phim tài liệu. Cách nhìn sai sẽ bó tay bó chân người làm phim", ông Charlie Nguyễn khẳng định.

Nếu đòi hỏi phim điện ảnh phải phản ánh chính xác 100% chi tiết lịch sử thì phim ảnh không còn hấp dẫn. Lịch sử có nhiều chi tiết yêu cầu phải chính xác, nhưng cũng có nhiều góc khuất. Đó là cơ sở để nhà làm phim sáng tạo dựa trên tình tiết có thật.

Từ vụ việc phim Đất rừng phương Nam bị chỉ trích xuyên tạc lịch sử, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cũng khẳng định làm phim về lịch sử không dễ. Ê-kíp luôn phải đối mặt với nhiều bình luận trái chiều, thậm chí gay gắt của cộng đồng mạng.

"Các điều luật liên quan sản xuất phim lịch sử chưa tìm được tiếng nói chung với sự sáng tạo của người làm phim. Một bộ phận khán giả cho rằng phim phải bất di bất dịch với sự thật lịch sử. Đó là quan niệm không đúng, không khách quan", ông Vi Kiến Thành khẳng định.

Đề xuất bỏ đánh thuế phim lịch sử

Phim lịch sử đòi hỏi đầu tư nhiều, nhưng khó hòa vốn, dễ lỗ. Nhà làm phim Trinh Hoan - Giám đốc HK Film - khẳng định đó là khó khăn lớn với dòng phim này.

"Rất khó để thuyết phục nhà đầu tư chi tiền làm phim lịch sử, trong khi phim thị trường dễ hòa vốn, hút khán giả. Với đề tài lịch sử, chúng tôi không có chính sách nào để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, làm phim vẫn phải vay ngân hàng", ông Trinh Hoan nói.

Chuyên gia cho rằng Nhà nước nên định hướng, tạo điều kiện để dòng phim lịch sử phát triển bằng cách tạo một kho phục trang cho nhiều phim cổ trang, tạo thuận lợi về phim trường, bối cảnh để nhà làm phim sáng tạo trên điều kiện sẵn có. Ông Trinh Hoan cũng đề xuất bỏ đánh thuế phim lịch sử.

Phim lịch sử cần đầu tư nhiều nhưng doanh thu không khả quan.

Năm 2014, nhà nước đặt hàng Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất phim Sống cùng lịch sử chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim thất bại nặng nề, ra rạp trong vài ngày nhưng không có khán giả. Năm 2021, phim điện ảnh Kiều - chuyển thể từ Truyện Kiều của Nguyễn Du bị chê thảm họa. Cuối năm 2022, bộ phim lấy đề tài lịch sử Huyền sử vua Đinh xin rút khỏi rạp chiếu sớm với doanh thu thấp kỷ lục là 42,8 triệu đồng.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về việc phim lịch sử, phim chuyển thể tiềm năng nhiều nhưng doanh thu bết bát, đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định kinh phí có hạn khiến khâu sản xuất bị co lại. Nhiều phim mất đi những cảnh hay, cảnh hấp dẫn, hóa trang yếu. Ông cũng cho rằng các nhà làm phim Việt loay hoay, chưa có kinh nghiệm làm phim lịch sử. Trong khi đó, nguồn tư liệu để tiếp cận không phong phú.

"Giả sử làm phim về thời phong kiến, nhà làm phim dễ tiếp cận thông tin về đời sống của vua, quan lại. Nhưng thông tin về đời sống người dân lại hạn chế", đạo diễn Phi Tiến Sơn nói.

Ông cũng cho rằng có nhiều nhân vật lịch sử hay, có nhiều góc khai thác nhưng nhà làm phim "sợ chưa dám làm".

Ông Qian Zhongyuan - Giám đốc sản xuất As One Production (Trung Quốc) nói phim chuyển thể từ văn học, phim lịch sử được tất cả ban bộ ngành, chuyên gia nghiên cứu ủng hộ. Mỗi phim đều được Chính phủ hỗ trợ tài chính, có nhóm chuyên gia riêng phân tích từng chi tiết.

"Phim Trường An tam vạn lý của Trung Quốc có chủ đề về nhà thơ Lý Bạch, được nghiên cứu kịch bản rất kỹ. Phim tạo ra làn sóng các bạn trẻ đã quay lại tìm hiểu và đọc thơ nhà Đường. Với nền tảng văn học, ê-kíp có sự sáng tạo và thay đổi để đưa tác phẩm đến gần với công chúng", ông Qian Zhongyuan chia sẻ.