Tại sao dùng điện thoại khi đang sạc pin có thể chết người?

Khi dùng sạc không đảm bảo yêu cầu hoặc bị hỏng, điện áp đầu ra sẽ là 220V, thay vì 5V như bình thường.
Sạc rởm có thể là nguyên nhân gây nên những tai nạn nghiêm trọng khi sử dụng điện thoại.

Nguyên nhân từ chiếc sạc

Vừa qua, một thai phụ ở Nghệ An được phát hiện tử vong trong tư thế nằm dưới đất, chiếc iPhone 3 đang sạc pin vẫn dính trên người.

Vụ việc khiến không ít người hoang mang bởi theo thống kê, Việt Nam hiện có tới 22 triệu người sử dụng smartphone. Nhiều người có thói quen vừa sạc vừa dùng điện thoại.

Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ Phùng Anh Tuấn, Phó trưởng bộ môn Thiết bị điện – điện tử Viện Điện Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng trong trường hợp này, nguyên nhân là do chiếc sạc chứ không phải chiếc điện thoại (iPhone 3).

Bởi nếu nguyên nhân đến từ điện thoại (cụ thể là pin), nó có khả năng gây ra thương tổn, có thể sẽ là bỏng hoặc chấn thương nhẹ. Pin điện thoại không đạt chuẩn, gặp sạc không đạt chuẩn, theo thời gian sẽ bị phồng lên, đến một mức nào đó vượt qua giới hạn bền của vật liệu bọc pin, sẽ làm cho viên pin bị nổ. Chất lithium tiếp xúc trực tiếp với không khí sẽ gây cháy.

Khi đó, người bị nạn sẽ chịu các chấn thương ngoài da như bỏng/cháy da. Sự cố nổ pin xảy ra ở gần cơ thể còn gây thêm tác động chấn thương cơ học.

“Trong sự việc này, nguyên nhân đến từ sạc. Theo đó, sự cố có thể xảy ra trong mọi tình huống tiếp xúc với cục sạc đó, chứ không chỉ giới hạn trong lúc sạc pin và dùng điện thoại. Tất nhiên, nếu bạn vừa sạc vừa dùng điện thoại thì nguy cơ sẽ cao hơn vì tiếp xúc gần hơn”, TS Anh Tuấn khẳng định.

Sạc không đảm bảo nguy hiểm ra sao?

Trả lời câu hỏi này, TS Phùng Anh Tuấn cho biết, một chiếc sạc đảm bảo chất lượng phải bao hàm thiết bị có vai trò cách ly điện giữa hai phần đầu vào và đầu ra - tức chuyển đổi nguồn điện áp cao 220V xuống điện áp thấp 5V. 

Thiết bị này chính là phần hộp lớn nhất nằm phần đầu vào của sạc.

Theo đó, sạc điện thoại cần có các tiêu chuẩn cụ thể như tiêu chuẩn cách điện giữa đầu ra với đầu vào được quy định tùy theo hệ thống tiêu chuẩn của từng quốc gia. Ngoài ra, thiết bị này cũng cần phải đảm bảo tiêu chuẩn chống cháy nổ - một tiêu chuẩn rất quan trọng.

Những tiêu chuẩn này cần phải được quy định rõ ràng, cụ thể. Đáng lo ngại khi hiện nay có rất nhiều thiết bị sạc pin trôi nổi, hàng rởm, hàng nhái trên thị trường và không đáp ứng các chuẩn chất lượng trên, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

"Nếu đúng chuẩn, điện áp đầu ra rất thấp, tức 5V, không thể gây bỏng hay chết người. Song, khi dùng thiết bị không đảm bảo yêu cầu an toàn cách ly nguồn điện hoặc khi chúng bị hư hỏng phần cách điện bên trong, phần đầu ra có thể sẽ được nối thông điện với phần đầu vào. Tức điện áp đầu ra sẽ chính là điện áp nguồn 220V.

Khi đó, ngoài khả năng gây cháy điện điện thoại do điện áp cao, người dùng có thể bị điện giật nếu chạm vào điện thoại, nhất là khi tay ướt", TS Phùng Anh Tuấn khuyến cáo.

Do đó, theo TS Tuấn, để hạn chế những rủi ro tương tự, trách nhiệm liên quan trực tiếp đến các cơ quan quản lý thị trường. Điều này càng khẩn thiết khi hàng rởm đang tràn lan trên thị trường. Trong khi đó, người sử dụng hoàn toàn không đủ kinh nghiệm, phương tiện để có thể thẩm tra được chất lượng, tiêu chuẩn của các thiết bị, sản phẩm đang được sử dụng phổ biến bậc nhất hiện nay – điện thoại di động.

Ngoài ra, TS Tuấn khuyến cáo tốt nhất chúng ta nên hạn chế sử dụng di động để đảm bảo sức khỏe. Theo chuyên gia này, đã có nghiên cứu chỉ ra gọi điện quá 4 giờ/ngày sẽ gây ra chứng đau đầu và đau tai.

Theo Theo Zing