Tài liệu lần đầu được công bố nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

TPO - Ngày 4/12, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức giới thiệu những tài liệu lưu trữ với chủ đề: “80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN).

Bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III - cho biết: “Những tài liệu lưu trữ được lựa chọn để giới thiệu dịp này là tài liệu gốc, trong đó có một số tài liệu đã được giải mật, lần đầu được công bố. Đây là những tài liệu chuẩn xác, quý giá về quá trình thành lập, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, chính sách quốc phòng và chặng đường dài phát triển của lực lượng QĐNDVN”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ 3 từ trái sang, người đang chỉ tay vào bản đồ) báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh (người đứng đầu, quay lưng từ phải sang) kế hoạch phá tan âm mưu của Pháp tấn công Việt Bắc, Thu - Đông năm 1947.
Diễn văn của đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc ngày 22/12/1944 nhân ngày thành lập Đội Giải phóng quân đầu tiên.

Từ khi ra đời, phát triển, QĐNDVN được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Đợt trưng bày lần này có khoảng gần 150 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn từ các phông tài liệu (thuật ngữ chuyên ngành chỉ các khối tài liệu lưu trữ - ) hành chính của Phủ Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Thống nhất Chính phủ; khối tài liệu sưu tầm và các phông tài liệu, ảnh phông của Bộ Ngoại giao, Thiếu tướng Hoàng Kiền, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, Giáo sư Hoàng Minh Giám, Thiếu tướng Đặng Vũ Hiệp; tài liệu của các nghệ sĩ sáng tác về quân đội như nhạc sĩ Trọng Loan, Doãn Nho, Trọng Bằng... Đây là những minh chứng sống động, rõ nét về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐNDVN.

Công văn số 400 -TTg (ngày 23/9/1954) của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc gọi tên Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ nay thống nhất là “Quân đội nhân dân Việt Nam”
Chỉ thị “Về việc tuyển vào quân đội một số công nhân, viên chức, cán bộ trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước và một số quân nhân đã xuất ngũ tình nguyện phục vụ trong quân đội, năm 1965” đã được giải mật.

Trong số những thông tin tại lễ giới thiệu 80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam, có những tài liệu tiêu biểu như Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Diễn văn của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đọc ngày 22/12/1944 trong khu rừng Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám nhân ngày thành lập Đội giải phóng quân đầu tiên, ảnh lễ tổ chức thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), ngày 22/12/1944...

Buổi lễ cũng giới thiệu một số sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam ban hành liên quan đến tổ chức QĐNDVN như Sắc lệnh số 28 (ngày 15/3/1946) về việc cử ông Tạ Quang Bửu giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Sắc lệnh số 34 (ngày 25/3/1946) về tổ chức Bộ Quốc phòng, Sắc lệnh số 33/QP (ngày 22/3/1946) về việc ấn định các cấp bậc, quân phục, phù hiệu, cấp hiệu cho lục quân của toàn quốc, Sắc lệnh số 71/SL (ngày 22/5/1946) về việc ấn định quy tắc trong quân đội quốc gia Việt Nam...

Đại diện Ban tổ chức và khách mời tại Lễ giới thiệu tài liệu lưu trữ 80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Kiến Nghĩa.

Quân giải phóng tiến vào giải phóng thị trấn Trảng Bom - Biên Hòa, năm 1975.

Bên cạnh những thông tin về QĐNDVN thời kỳ đầu thành lập, những tư liệu về ngày toàn quốc kháng chiến đến chiến dịch Điện Biên Phủ (1946-1954), những năm kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Chính sách, chế độ đối với bộ đội, dân quân, Quân đội, quốc phòng thời kỳ hòa bình, đổi mới, Pháp luật quân đội, Khen thưởng công trạng… cũng được thông tin rõ nét tại lễ giới thiệu 80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngoài ra, lễ giới thiệu còn công bố một số tài liệu về các chủ đề khác như hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, những ca khúc được sáng tác trong thời chiến, phục vụ kháng chiến và ca ngợi QĐNDVN.