Tái hiện Thánh Gióng đánh giặc Ân ở Lễ hội Gióng

TPO - Màn tái hiện Thánh Gióng đánh giặc Ân đã diễn ra không khí tưng bừng, phấn khởi tại Lễ hội Gióng, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Màn tái hiện Thánh Gióng đánh giặc Ân tại Lễ hội Gióng được bắt đầu, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.

Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ.

Khôi ngô, tuấn tú nhưng lên 3 tuổi vẫn chưa biết nói, biết cười, suốt ngày cậu chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng.

Sau khi nghe thấy lời kêu gọi của nhà vua tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, rồi xung phong ra trận đánh giặc cứu nước, cứu dân.

Sau khi dẹp tan giặc Ân, Gióng về núi Sóc rồi cưỡi ngựa bay lên trời. Từ đó, Gióng được thiêng hóa thành một vị Thánh bất tử, bảo vệ sự thái bình cho đất nước và thịnh vượng cho muôn dân.

Rất đông du khách thập phương có mặt tại hội Gióng.

Đi tiên phong là phù giá và quân lính của ông Hiệu (người tượng trưng cho Thánh Gióng). Vừa đi, các phù giá và quân lính vừa hô vang khẩu hiệu để thể hiện hào khí của đoàn quân.

Năm nay là hội lớn, được địa phương tổ chức 5 năm 1 lần. Đây là dịp để mọi người tưởng nhớ đến công lao to lớn của Phù Đổng Thiên Vương

"Màn tái hiện sự tích giúp gìn giữ giá trị lịch sử và để con cháu đời sau hiểu hơn về sự tích cũng như góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy tình đoàn kết giữa mọi người", đại diện BTC cho biết.

“Ông Hổ” trong Phường “Ải Lao” đội quân tổng hợp.

Sau khi màn diễn của ông Hổ kết thúc, đến màn múa cờ của ông Hiệu tái hiện trận đánh của Thánh Gióng.

Cô Tướng trên đường dàn trận từ Giá Ngự đến Đền Mẫu - trước trận địa Soi Bia (một trong hai trận đánh giặc của Thánh Gióng).

“Cô Tướng” là một hình ảnh ước lệ vào vai phản diện tượng trưng cho người đứng đầu đạo quân xâm lược trong Lễ hội Gióng - Đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Lễ hội Gióng đã được xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc lựa chọn Cô Tướng được bắt đầu từ tháng 3 âm lịch. Vào mùng 1/4 âm lịch, các Cô Tướng được nhận các đạo cụ (áo, mũ, hài, quạt, trống, lọng, kiệu, binh khí - tay thước, roi rồng...) mang về nhà tập luyện (tập lễ, đi đứng) và bày biện trang nghiêm trong không gian thờ cúng của gia đình.

Màn tái hiện Thánh Gióng hai lần đánh giặc Ân thu hút hàng nghìn du khách.