Một thế kỷ, nên việc tìm bản gốc là vô cùng khó khăn. Các Phó giáo sư Olivier Tessier và Philippe Le Failler thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ và các nhà nghiên cứu Việt Nam đã tìm kiếm được bản gốc tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM.
Công đoạn xử lý cũng không kém phần vất vả. Họ kỳ công làm sạch, rồi dịch tất cả các chữ Hán Nôm ra chữ quốc ngữ và số hóa toàn bộ bản thảo.
Các kỹ sư vi tính, nhà biên dịch và người hiệu đính... đã phối hợp với nhau một năm ròng để hoàn thành nó.
Ngoài ra, Olivier Tessier viết một cuốn sách để giới thiệu về cuốn sách cổ (cuốn này đã được dịch sang tiếng Anh và Việt).
Những năm đầu thế kỷ 20, kỹ thuật in tranh khắc gỗ (hay còn gọi là tranh mộc bản) khá phổ biến ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Chính tranh Đông Hồ sử dụng kỹ thuật in này.
Tuy nhiên, để có thể in hẳn một cuốn sách với 4.000 hình vẽ và ký họa như Kỹ thuật của người An Nam là chưa từng có. Cuốn sách in lần đầu tiên chỉ 60 bản với những bức họa sinh động mô tả các bước làm ra hạt gạo, nghề in bản xứ, nghề may mặc, nghề chuyên chở, nghề làm nước mắm... của người dân miền Bắc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Rất tiếc, các nhà nghiên cứu mới chỉ tìm được bản gốc mà không tìm được mộc bản nào.
Theo phó giáo sư Olivier Tessier, khoảng năm 1950, bà vợ góa của Henri bán những mộc bản đó cho một trường đại học của Nhật Bản. Đó cũng là những ẩn số mà các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục giải trong phần hai của dự án: tìm và mua lại chúng.
Điều đáng tiếc là không ai biết tên người họa sỹ Việt Nam tài ba (có người cho rằng có tới ba họa sỹ) đã cộng tác với Henri Oger để hoàn thành cuốn sách.
Khi xem tranh, có ý kiến cho rằng, những bức vẽ này có nét gì đó giống tranh khắc gỗ của Trung Quốc, Nhật Bản. Nhưng cũng có ý kiến nêu, thời đó tranh khắc gỗ là khá phổ biến ở châu Á, tuy nhiên tranh khắc gỗ Việt Nam có đặc tính rất riêng: sự mộc mạc nhưng tinh túy.
Cùng với việc tái bản cuốn sách quí hiếm trên, một cuộc triển lãm mang tên “Sự việc và hành động - Thị dân và nông dân đầu thế kỷ XX”, gồm một số hình vẽ và ký họa từ tác phẩm trên, đã được trưng bày tại Trung tâm văn hóa Pháp.
Một số bức vẽ được phóng to và treo lên tường. Một số bức vẽ lại được quấn tròn theo hình chiếc đèn lồng khá ấn tượng.
Triển lãm là dịp để khám phá một lần nữa văn hóa dân gian của Hà Nội và những vùng phụ cận qua vô số các nghề truyền thống, trong số đó phần nhiều đã không còn tồn tại.
Tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger là công trình nghiên cứu về văn minh vật chất của Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Trong hai năm 1908 - 1909, tác giả, một lính Pháp tại Việt Nam, cùng một họa sĩ người Việt đi khắp các phố phường Hà Nội, cũng như vùng ngoại thành, nhằm thống kê và tìm hiểu rõ sự đa dạng vô cùng của các ngành công thương nghiệp phổ biến ở đây.
Ông đã không bỏ qua một khía cạnh nào của cuộc sống riêng và chung lúc bấy giờ. Vì thế, ông tập hợp được hơn 4.000 hình vẽ và ký họa.