Tại hội thảo Mỹ thuật Việt Nam - Hội nhập và phát triển - nhìn từ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 diễn ra ngày 10-12, có ý kiến tư vấn nên đăng ký kỷ lục Guiness cho Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. “Chưa nước nào làm triển lãm to, cồng kềnh như thế, như một siêu thị lớn” - nhà phê bình Bùi Như Hương nhận định.
“Mấy chục năm nay không có gì thay đổi, trong khi thị hiếu, xu hướng, phương thức thể hiện đều thay đổi. Triển lãm không thể hiện được tình hình, đời sống mỹ thuật đất nước. Vẫn chủ yếu hội họa đóng khung. Ngay từ tên tranh vẫn bắt gặp những: Buổi sớm, Buổi chiều, Ban mai, Ở nhà, Đi chợ, Nắng chiều… Tác phẩm lớn thiệt thòi, vô vọng trong đám đông ồn ào, chật chội”.
Theo bà Hương, triển lãm kiểu này chỉ tiêu tốn tiền bạc của nhà nước, của nhân dân, mệt cho ban tổ chức, khó cho hội đồng nghệ thuật-vì bất lực trong chấm giải. Họa sĩ Đỗ Đức cho rằng, HĐNT bị quá tải vì ai cũng có quyền gửi tranh tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Được biết HĐNT phải chấm khoảng 5.000 tác phẩm qua ảnh, để chọn hơn 800 bức trưng bày. Chính việc không ước lượng được quy mô đã dẫn đến việc dồn quá nhiều tác phẩm vào một không gian thiếu tương xứng.
Nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo nhìn thấy một số tranh ảnh hưởng lối vẽ của họa sĩ Phong Lực Vân (Trung Quốc)- thể hiện ở những khuôn mặt nhân vật ngu ngơ, đần độn khiến người xem khó chịu. Theo ông Bảo: “Ảnh hưởng các họa sĩ lớn là chuyện thường thấy, nhưng phải là học tập chứ không nhai lại”. Ông Bảo kể, một họa sĩ Trung Quốc sang Việt Nam mua tranh, khi xem vựng tập Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đã chỉ ra vài tác phẩm mà ông ta cho rằng “giống chúng tôi”. Vài bức trong số đó vào giải.
Ông Bảo liệt kê và phân tích những tác phẩm ảnh hưởng Trung Quốc hoặc không xứng đáng đoạt giải, chẳng hạn: “Mầm đá của Vũ Cương đoạt giải Vàng cũng ảnh hưởng Trung Quốc. Tạo hình của tác phẩm ở mức vừa phải, nếu không nói là kém”.
Họa sĩ Lê Trọng Lân, đại diện HĐNT thanh minh cho tác phẩm đoạt giải: “Hội đồng đã phải khó khăn mới tìm ra một giải gọi là tượng trưng. Việc ảnh hưởng trên thế giới không thể không có. Tôi không được xem nhiều, biết nhiều như các anh. Nhưng cái gì tranh này ảnh hưởng không quan trọng bằng việc nó đem lại cảm nhận gì cho người xem. Xem tranh không phải một lúc, mà ngắm nghía với thái độ nào đó sẽ thấy yêu mến cảm phục”.
Còn theo ông Lê Anh Vân- Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật: “Những bức tranh bị ảnh hưởng nhưng vẽ nghiêm túc, chất lượng tốt vẫn có thể treo, tốt hơn nữa vẫn có thể vào giải”.
Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Lê Anh Vân cho hay, nhiều họa sĩ có tên tuổi không tham gia triển lãm. Ông cũng cho rằng hình thức triển lãm nên đổi mới, đáp ứng sự lớn mạnh của đội ngũ sáng tác, sự thay đổi của nhu cầu xã hội: “Tỷ lệ tác phẩm đẹp, chất lượng tốt nhưng không được giải rất nhiều. Vì số giải ít đi, số tranh nhiều lên”.
Nguyễn Đỗ Bảo nhìn vấn đề ở khía cạnh khác: “Chất lượng tác phẩm được giải so với không được giải không khác nhau là mấy. Chứng tỏ nền mỹ thuật của ta phát triển mạnh, lên tầm cao mới, ngang ngửa nhau, rất khó chọn”(!)
Phát biểu áp chót, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa nói: “Ý kiến chê trách triển lãm hơi nhiều. Không nên tiền phong hóa Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, vì nó phản ánh chính tình hình mỹ thuật Việt Nam ở vị thế hiện tại. Mỹ thuật toàn quốc không chỉ có thủ đô, có TPHCM. Muốn tiền phong phải triển lãm chuyên đề riêng. Trong hội nhập, ảnh hưởng là thường, dù muốn hay không, tác phẩm cũng phải mang tính vùng miền”.